Yên Bái khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam

Với lợi thế có phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa đa dạng và tiềm năng du lịch phong phú, những năm gần đây, Yên Bái đã đẩy mạnh phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, góp phần đưa tỉnh trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.342839 khangdsinhvithe

Du khách nước ngoài thích thú trải nghiệm cảnh quan, văn hóa, ẩm thực với người dân bản địa huyện Mù Cang Chải.

Một trong những sản phẩm du lịch nổi bật của Yên Bái là du lịch cộng đồng, trong đó, phát triển mạnh nhất tại các huyện: Mù Cang Chải, Lục Yên và thị xã Nghĩa Lộ. Với sự đa dạng về dân tộc như: Thái, Mông, Dao, Tày, các bản làng nơi đây không chỉ lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc mà còn mang đến trải nghiệm chân thực cho du khách.

Du khách đến Yên Bái có thể tham gia các hoạt động thường ngày của người dân như: cấy lúa, dệt vải hoặc thưởng thức những món ăn truyền thống như: thịt trâu gác bếp, xôi ngũ sắc, thịt lợn sấy… bản Lìm Mông, bản Thái ở Mù Cang Chải hay bản Sà Rèn ở thị xã Nghĩa Lộ là những điểm đến nổi bật trong loại hình du lịch này. Các homestay do chính người dân địa phương vận hành không chỉ tạo việc làm mà còn giúp bảo tồn các giá trị văn hóa độc đáo.

Anh Hà Ngọc Tuấn, du khách đến từ Hà Nội bày tỏ: “Tôi thực sự ấn tượng với sự hiếu khách và lối sống gần gũi của người dân nơi đây. Những trải nghiệm như làm bánh chưng, bánh dày cùng đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải hay nghe họ kể về lịch sử bản làng đã khiến tôi cảm thấy mình được kết nối sâu sắc hơn với văn hóa địa phương”.

Không chỉ có thế mạnh về du lịch cộng đồng, Yên Bái còn nổi tiếng với những cánh rừng nguyên sinh, đồi chè bát ngát đến những dòng suối, hồ nước trong lành. Do đó, tỉnh đã tận dụng lợi thế này để phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, trong đó nổi bật là hồ Thác Bà được mệnh danh là “vịnh Hạ Long trên núi”.

Hồ Thác Bà không chỉ là nơi lý tưởng để thư giãn mà còn phù hợp cho các hoạt động như: chèo thuyền kayak, cắm trại hay khám phá hang động tự nhiên. Bên cạnh đó, các khu vực sinh thái tại Suối Giàng (Văn Chấn) với những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi hay cánh đồng Mường Lò với phong cảnh hữu tình cũng là những địa điểm hấp dẫn du khách yêu thiên nhiên. Việc phát triển du lịch sinh thái không chỉ mang lại thu nhập cho người dân mà còn góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường.

Phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch để thúc đẩy kinh tế phát triển, những năm gần đây, nắm bắt nhu cầu và xu hướng du lịch của du khách, tỉnh đã xây dựng và phát triển nhiều loại hình du lịch mạo hiểm, trong đó Mù Cang Chải là một trong những điểm đến yêu thích của nhiều tín đồ leo núi và dù lượn. Hàng năm, lễ hội dù lượn “Bay trên mùa vàng” do huyện Mù Cang Chải phối hợp tổ chức đã thu hút hàng nghìn du khách đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp ngoạn mục của ruộng bậc thang và thử sức với cảm giác mạnh.

Cùng đó, các cung đường trekking lên đỉnh Tà Chì Nhù (Trạm Tấu) hay Púng Luông (Mù Cang Chải) cũng là những trải nghiệm đầy thử thách nhưng vô cùng hấp dẫn. Những cung đường này không chỉ đòi hỏi sức bền mà còn đem lại cảm giác chinh phục khi đứng trên đỉnh núi, ngắm nhìn toàn cảnh thiên nhiên hùng vĩ.

Anh Trần Hải Nam, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Chuyến leo núi Tà Chì Nhù của tôi là một hành trình không thể quên. Khung cảnh biển mây và ánh bình minh trên đỉnh núi thực sự là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực bỏ ra”.

Trong giai đoạn tới, tỉnh đặt mục tiêu trở thành “Điểm đến an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn, ấn tượng” vì vậy sẽ tiếp tục đầu tư quảng bá hình ảnh về du lịch Yên Bái; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch; tăng cường hợp tác phát triển, xây dựng các tour du lịch liên kết với các tỉnh lân cận; phát triển thêm các loại hình du lịch mới như: du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch tâm linh để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách… Với tiềm năng phong phú và sự đầu tư bài bản, Yên Bái đã và đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Nhờ có sự đầu tư bài bản và định hướng đúng đắn, đến nay, du lịch Yên Bái đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng. Theo thống kê, lượng khách du lịch đến tỉnh tăng trưởng đều qua các năm, đóng góp đáng kể vào GDP địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ngành du lịch của tỉnh cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như: hạn chế về cơ sở hạ tầng, sự cạnh tranh từ các tỉnh lân cận; nguy cơ mai một bản sắc văn hóa nếu phát triển du lịch không bền vững… Do đó, để khắc phục những hạn chế trên, tỉnh đã đưa ra chiến lược phát triển du lịch gắn với bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa, đồng thời kêu gọi đầu tư vào các dự án hạ tầng như: đường giao thông, khu nghỉ dưỡng và dịch vụ chất lượng cao.

Hồng Oanh

 

Đánh giá bài viết

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Liên kết kênh thông tin các tỉnh

Show Buttons
Hide Buttons