Sông Hồng chảy qua địa phận tỉnh Yên Bái dài 120 km (còn gọi là sông Thao), điểm đầu là xã Lang Thíp, huyện Văn Yên, điểm cuối tại ghềnh Hạc, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên. Sông Hồng mang lại nhiều lợi thế phát triển, góp phần hình thành vùng văn hóa lớn của tỉnh Yên Bái – vùng văn hóa sông Hồng với nhiều giá trị phong phú và đặc sắc.
Sông Hồng tạo dấu ấn rất rõ nét trong sự hình thành và phát triển vùng đất, con người, lịch sử, văn hóa của một vùng rộng lớn của Yên Bái. |
Với 120 km chảy qua địa phận tỉnh Yên Bái, sông Hồng tạo dấu ấn rất rõ nét trong sự hình thành và phát triển vùng đất, con người, lịch sử, văn hóa của một vùng rộng lớn của Yên Bái với hàng trăm dấu tích, hàng nghìn di vật được các nhà khảo cổ học phát hiện.
Văn hóa của một vùng rộng lớn
Đền Đông Cuông là ngôi đền cổ từ xưa đến nay vẫn giữ được bản sắc dân tộc và nét văn hóa của người Tày Khao Đông Cuông. Đền được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nhận định là vùng khởi nguồn của Mẫu Thượng ngàn trong hệ thống thờ Mẫu của người Việt và có vị trí cực kỳ quan trọng trong hệ thống thờ đạo Mẫu, được coi là cội nguồn của Mẫu Thượng Ngàn.
Ông Vũ Ngọc Ứng – Ủy viên Ban quản lý di tích đền Đông Cuông cho biết: Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nói chung và thờ Mẫu Thượng ngàn nói riêng trong sinh hoạt tín ngưỡng dân gian có sức sống lâu bền trong nhân dân, nhất là khi “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Lễ hội đền Đông Cuông là lễ hội văn hóa tâm linh, ẩn chứa nhiều nét văn hóa độc đáo và cổ kính. “Những năm gần đây, đền Đông Cuông là điểm nhấn tâm linh của đông đảo nhân dân và du khách thập phương trong hành trình du lịch văn hóa tâm linh, nhớ về nguồn cội. Mỗi năm có tới hàng trăm ngàn lượt du khách từ khắp các tỉnh, thành trong nước hành hương tìm về đền Mẫu Đệ Nhị Thượng ngàn dâng hương kính Mẫu, vãn cảnh đền và cầu nguyện cho quốc thái dân an, cầu lộc, cầu tài, cầu bình an trong cuộc sống” – ông Nguyễn Thành Nam – Chủ tịch UBND xã Đông Cuông cho biết thêm.
Cùng với phần lễ trang nghiêm, phần hội cũng đa dạng, phong phú và mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc như đẩy gậy, kéo co, vật dân tộc, ném còn, đu tiên, đua thuyền…
Đền Đông Cuông là điểm nhấn tâm linh của đông đảo nhân dân và du khách thập phương trong hành trình du lịch văn hóa tâm linh, nhớ về nguồn cội.
Là vùng đất có bề dày lịch sử, một trong những địa bàn sinh tụ của người Việt cổ có nền văn minh sông Hồng, sông Chảy, trung điểm giao lưu giữa vùng Đông Bắc và Tây Bắc, Yên Bái hội tụ văn hóa trên 30 dân tộc anh em với hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, độc đáo được lưu giữ gắn các vùng văn hóa lớn của tỉnh, trong đó vùng văn hóa sông Hồng được giới hạn không gian tại thành phố Yên Bái, các huyện Trấn Yên và Văn Yên được xác định với thế mạnh là văn hóa vật thể bên cạnh một số đặc trưng phi vật thể điển hình.
Sông Hồng luôn giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với tỉnh Yên Bái tạo ra các đô thị sầm uất ngày nay như: thành phố Yên Bái, thị trấn Mậu A, thị trấn Cổ Phúc và nhiều vùng cư dân sinh sống dọc hai bên sông. Nhiều nét văn hóa đặc sắc với hệ thống di sản văn hóa phi vật thể mang giá trị về lịch sử, văn hóa – xã hội, nghệ thuật, giáo dục, thẩm mỹ.
Phát huy các tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa dọc sông Hồng gắn với phát triển loại hình du lịch tâm linh nhằm tạo sản phẩm du lịch đặc trưng cho các tỉnh dọc khu vực sông Hồng luôn được quan tâm triển khai thực hiện. Yên Bái đã xây dựng và phát triển các tour, tuyến du lịch tâm linh dọc sông Hồng với các điểm đến là đền Tuần Quán, đền và chùa Bách Lẫm, chùa Ngọc Am (thành phố Yên Bái); đền Đông Cuông, đền Nhược Sơn (huyện Văn Yên).
Ông Nguyễn Lâm Tới – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Yên Bái cho biết: Việc đẩy mạnh các hoạt động du lịch tâm linh tại các điểm di tích lịch sử – văn hóa dọc sông Hồng đã góp phần bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa sông Hồng, đồng thời tiếp tục mở rộng quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Yên Bái đến du khách thập phương trong và ngoài nước, từng bước tạo sự đột phá về phát triển các loại hình du lịch nói chung, du lịch tâm linh của tỉnh nói riêng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, xây dựng Yên Bái với thương hiệu điểm đến “Yên Bái – điểm đến an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn và ấn tượng”.
Kết nối dòng chảy văn hóa dọc sông Hồng
Để kết nối dòng chảy văn hóa dọc sông Hồng với các địa phương, Yên Bái đã ký kết thỏa thuận liên kết, hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc nhằm mở rộng và phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong vùng liên kết nói chung, trong đó có các tỉnh dọc sông Hồng gồm: Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai; thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng nói chung, sản phẩm du lịch tâm linh nói riêng, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, tài nguyên du lịch của từng địa phương.
Du khách tìm hiểu du lịch Yên Bái tại Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam-VITM Hà Nội.
Theo đó, Yên Bái đã phối hợp với Phú Thọ, Lào Cai xây dựng các tour du lịch tâm linh dọc sông Hồng bắt đầu từ đền Mẫu Âu Cơ (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) tới đền Đông Cuông (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái), tiếp đến đền Bảo Hà, thuộc xã Bảo Hà (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) và đền Thượng (thành phố Lào Cai)…
Việc đưa vào khai thác hiệu quả các tour du lịch tâm linh dọc sông Hồng trên địa bàn tỉnh Yên Bái – Phú Thọ – Lào Cai đã thu hút đông đảo du khách từ các thị trường trọng điểm của cả nước đến tham quan, trải nghiệm, góp phần khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh du lịch của các tỉnh, xúc tiến tới các thị trường du lịch trọng điểm trong nước như khu vực miền Trung, miền Nam.
Trong thời gian tới, Yên Bái sẽ tập trung vào các hoạt động xúc tiến quảng bá, nhằm thu hút khách du lịch đến với Yên Bái, chú trọng phối hợp tổ chức và tham các sự kiện thường niên, có uy tín; tăng cường công tác phối hợp với các tỉnh Phú Thọ, Lào Cai triển khai các chương trình khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh liên tuyến, liên vùng; phát triển các tour du lịch tâm linh; tạo môi trường điều kiện thuận lợi cho các đơn vị lữ hành đưa khách đến các điểm đến du lịch tâm linh dọc sông Hồng.
“Tiếp tục triển khai thực hiện tốt cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh về hỗ trợ phát triển du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp các sản phẩm, dịch vụ du lịch; thực hiện tốt việc chuyển đổi số trong ngành du lịch hướng tới mục tiêu đưa du lịch Yên Bái ngày càng phát triển vững mạnh, phấn đấu trở thành điểm đến du lịch hàng đầu trong khu vực Tây Bắc” – ông Nguyễn Lâm Tới khẳng định.
Thành Trung