Không nằm ngoài xu hướng du lịch chung của cả nước, vài năm gần đây, du lịch nghỉ dưỡng của Yên Bái ngày càng phát triển mạnh mẽ, tận dụng tối đa lợi thế, thế mạnh quang cảnh thiên nhiên của từng vùng để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, đáp ứng nhu cầu của đa dạng du khách.
Du khách nhí trải nghiệm hoạt động trồng trọt tại Khu du lịch nghỉ dưỡng Om Tara Retreat, huyện Yên Bình.
|
Gia đình chị Lê Thị Huyền ở xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái vừa có chuyến du lịch nghỉ dưỡng tại LeChamp Tú Lệ Resort Hot Spring&Spa, huyện Văn Chấn.
Chị Huyền chia sẻ: “Vợ chồng tôi mua combo du lịch giá 1,5 triệu đồng/người/ngày đêm đã bao gồm các chi phí: phòng ở, 3 bữa ăn, tắm nước nóng, bể bơi vô cực và trải nghiệm các trò chơi trong khu huấn luyện và trải nghiệm Aries Hill như: đường zipline dài nhất Việt Nam băng qua 2 huyện Văn Chấn và Mù Cang Chải, xích đu tử thần… để có thể ngắm trọn vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên Tây Bắc. Với các dịch vụ và cách phục vụ như vậy ở một khu du lịch 4 sao thì tôi cho rằng giá 1,5 triệu đồng hoàn toàn không đắt. Nếu có thời gian tôi vẫn sẽ quay trở lại đây để du lịch”.
Với nhiều người, du lịch nghỉ dưỡng không chỉ dừng lại ở ngắm cảnh đẹp, ăn uống sang trọng mà còn là cơ hội để đạt được những mục đích cao hơn liên quan tới tái tạo thể chất, phục hồi năng lượng tinh thần.
Chị Trần Phương Thảo – du khách đến từ Hà Nội chia sẻ về kỳ nghỉ dưỡng kết hợp với chăm sóc sức khỏe ở Khu du lịch nghỉ dưỡng Om Tara Retreat, thôn Hồng Bàng, xã Đại Đồng, huyện Yên Bình: “Ở đây, ngoài cảnh đẹp của thiên nhiên, gia đình tôi được thư giãn với lớp học Yoga mỗi buổi sáng và phương pháp trị liệu, bài thuốc dân gian của người Dao đỏ, thong dong đạp xe trên những con đường làng quê. Trẻ con còn được trải nghiệm trò chơi dân gian, trải nghiệm làm nông và thưởng thức những món ăn thực dưỡng từ chính những nông sản trong khu. Gia đình tôi đã có 1 chuyến du lịch rất thoải mái, an toàn, tràn đầy năng lượng để bước vào tuần làm việc mới”.
Được biết, tới đây, Om Tara sẽ nỗ lực quy hoạch hoàn thiện để 80% thực phẩm là thu hoạch từ nông trại của khu và 20% là thu mua từ bà con trong thôn Hồng Bàng.
Có thể thấy, sau nhiều tháng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, nhu cầu được nghỉ ngơi, thư giãn tại một nơi có không gian thoáng đãng, không khí trong lành và được hòa mình với thiên nhiên càng trở nên cần thiết đối với người dân. Bởi du lịch nghỉ dưỡng là cả một chu trình tuần hoàn khép kín, từ việc giải tỏa tinh thần, hưởng thụ dịch vụ, trị liệu bên trong đến bổ sung thực phẩm hợp lý và vui chơi giải trí lành mạnh.
Bắt kịp xu hướng đó, nhiều khu du lịch trong tỉnh đã khai thác chuyên sâu hơn vào chủ đề này như: Paradise Island Thác Bà, Khu du lịch sinh thái Suối khoáng nóng Trạm Tấu, Khu du lịch Mù Cang Chải Resort, Khu du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe Hồ nước vàng (xã An Thịnh, huyện Văn Yên)…
Với hình thức nghỉ dưỡng này, du khách đến Yên Bái sẽ có cơ hội trải nghiệm các hoạt động như: yoga, ngồi thiền, tắm suối nước nóng, massage trị liệu, đạp xe, chèo thuyền kayak, leo núi, trồng trọt… Ngoài ra, vấn đề ăn uống cũng luôn được xem trọng để mang đến những bữa ăn ngon, bổ dưỡng và tươi mới.
Những năm gần đây, đi theo định hướng của tỉnh, các công trình hạ tầng giao thông được nâng cấp để mở đường cho việc giao thương, kết nối. Đồng thời, tại những khu vực được tập trung phát triển du lịch sẽ tạo đà và tăng kết nối vùng, rút ngắn khoảng cách và tạo điều kiện thuận lợi cho du khách di chuyển đến những khu du lịch tiềm năng. Đây được coi là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nói chung và du lịch nghỉ dưỡng nói riêng.
Thời gian tới, Yên Bái sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư khảo sát, triển khai các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng nhằm đảm bảo dịch vụ chất lượng và chuyên nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm du lịch; thu hút đầu tư có quy mô vào các khu vực ngắm cảnh…
Hoài Anh