Yên Bái chuẩn bị tốt điều kiện tổ chức 3 sự kiện văn hóa, du lịch lớn

Trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 10, tỉnh Yên Bái dự kiến sẽ tổ chức 3 sự kiện văn hóa, du lịch lớn. Đó là Lễ hội Văn hóa, du lịch Mường Lò và Ngày hội văn hóa các dân tộc Yên Bái năm 2023; Lễ hội Trà Shan tuyết; Festival trình diễn khèn Mông và công bố Quyết định đưa Nghệ thuật khèn của người Mông 3 huyện phía Tây vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được tổ chức với quy mô cấp tỉnh.vc

Festival Khèn Mông với chủ đề “Tinh hoa nghệ thuật Khèn Mông” với sự tham gia của 3 huyện, 700 nghệ nhân dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 10/2023 tại huyện Mù Cang Chải. Ảnh: Biểu diễn khèn Mông tại Festival Khèn Mông lần thứ nhất, tháng 10/2022.

Để các lễ hội diễn ra thành công, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân và du khách, các đơn vị, địa phương thời điểm này đang chuẩn bị các điều kiện tổ chức lễ hội với tinh thần khẩn trương, chu đáo nhất.

Với mong muốn giới thiệu, quảng bá hình ảnh sản phẩm Trà Shan tuyết và hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện Văn Chấn đến bạn bè trong và ngoài nước, thúc đẩy du lịch, Lễ hội Trà Shan tuyết huyện Văn Chấn lần thứ nhất năm 2023 với chủ đề “Tinh hoa giữa ngàn mây” nằm trong chuỗi các sự kiện Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò và ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Yên Bái năm 2023 sẽ được tổ chức trong tháng 9/2023.

Đồng chí Hoàng Thị Thanh Tâm – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Văn Chấn cho biết: “Thời gian này, huyện đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá để giới thiệu và cung cấp các thông tin chính thức về Lễ hội cho người dân và du khách. Cùng với đó, huyện phân công, bố trí lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, đảm bảo an toàn giao thông cho Lễ hội. Đồng thời, tuyên truyền, vận động, tiến hành kiểm tra và tổ chức cho các cơ sở  kinh doanh ăn uống, nhà hàng ký, cơ sở lưu trú cam kết thực hiện nghiêm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, lưu trú phục vụ người dân và du khách trong dịp Lễ hội…”.

Là địa phương vừa chịu thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của mưa lũ, thời gian này, huyện Mù Cang Chải đang làm song song hai nhiệm vụ, đó là vừa khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống cho bà con ở khu vực bị ảnh hưởng, thiệt hại vừa chuẩn bị chu đáo các điều kiện để tổ chức tốt các hoạt động du lịch mùa vàng, Lễ công bố quyết và đón nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia “Nghệ thuật khèn của người Mông huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn”.

Theo kế hoạch, du lịch mùa vàng năm nay của huyện Mù Cang Chải sẽ tập trung vào các hoạt động chính là: tổ chức chương trình nghệ thuật chào mừng Tết Độc lập 2/9, chương trình diễu diễn “Người Mông xuống phố”, Khai mạc Festival Khèn Mông với chủ đề “Tinh hoa nghệ thuật Khèn Mông”, Festival Dù lượn Khau Phạ, Giải chạy Marathon “MU CANG CHAI ULTRA TRALL”… vc1Ban Chỉ đạo Lễ hội Trà Shan tuyết huyện Văn Chấn họp tham gia ý kiến vào kịch bản Lễ hội chuẩn bị tổ chức.

Đồng chí Lương Thị Xuyến – Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải thông tin: “Do ảnh hưởng của mưa lũ nên huyện sẽ giảm bớt một số hoạt động như: Hội nghị sơ kết hợp tác vùng giữa các huyện Mù Cang Chải, Văn Chấn, Trạm Tấu của tỉnh Yên Bái và Mường La, Bắc Yên của tỉnh Sơn La; Ngày hội văn hóa ẩm thực Mù Cang Chải với các đầu bếp nổi tiếng.

Thời gian này, chúng tôi đang tập trung chỉ đạo các ngành chức năng, các cơ sở du lịch, chủ các homestay, nhà hàng tham gia tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên, nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ du khách.

Cùng với đó, huyện tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các hoạt động Lễ hội để người dân và du khách tham gia hành trình du lịch khám phá vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ và các hoạt động văn hóa đặc sắc của Mù Cang Chải”.

Yên Bái là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống và du lịch tâm linh. Nhằm đưa ngành du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, những năm qua, Yên Bái đã và đang xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng Tây Bắc.

Năm 2023 đặt mục tiêu phấn đấu đón 1,5 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước nhưng mới chỉ 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã đón và phục vụ 1 triệu lượt khách, đạt gần 70% kế hoạch, tăng 28% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế đạt 40.000 lượt, đạt trên 26% kế hoạch; doanh thu ước gần 850 tỷ đồng, tăng 58,5% so với cùng kỳ.

Việc tổ chức 3 sự kiện văn hóa, du lịch lớn tại các địa phương phía Tây của tỉnh và các hoạt động văn hóa, du lịch từ nay đến cuối năm 2023 ở các huyện, thị xã, thành phố sẽ là cơ sở để tỉnh Yên Bái thực hiện vượt các chỉ tiêu du lịch đề ra.

Đồng chí Lê Thị Thanh Bình – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Trong quý III và quý IV trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều lễ hội quy mô lớn. Với trách nhiệm là cơ quan chủ trì, chúng tôi đã chủ động ban hành kế hoạch của ngành để phân công cụ thể chi tiết các nhiệm vụ với các tiến độ công việc đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Đồng thời, Sở ban hành văn bản hướng dẫn cũng như đôn đốc các sở, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ mà UBND tỉnh giao với mục tiêu đảm bảo tốt sự phối hợp để tổ chức các lễ hội an toàn, vui tươi, lành mạnh, tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế”.

Việc tích cực chuẩn bị các điều kiện phục vụ du khách tại 3 sự kiện lễ hội  văn hóa, du lịch lớn của tỉnh cùng các ngày hội văn hóa dân tộc tại các địa phương diễn ra từ nay đến hết năm 2023 nhằm đảm bảo công tác đón tiếp và phục vụ du khách được chu đáo, chuyên nghiệp, an toàn. Qua đó góp phần xây dựng hình ảnh và thương hiệu “Yên Bái – Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc” là điểm đến an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn và ấn tượng đối với du khách trong và ngoài nước.

Thanh Chi

 

Đánh giá bài viết

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Liên kết kênh thông tin các tỉnh

Show Buttons
Hide Buttons