Yên Bái: Chú trọng phát triển hạ tầng các khu du lịch phục vụ lễ hội

Trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã tăng cường chỉ đạo nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, làm động lực thúc đẩy kinh tế – xa hội phát triển, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện bức tranh kinh tế của tỉnh.320000 20 3 yenbai

Đền Đông Cuông (huyện Văn Yên) là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, điểm đến du lịch tâm linh nổi tiếng của tỉnh Yên Bái.

Với nhiều điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, là điểm kết nối giữa vùng Đông Bắc và Tây Bắc; có đủ cả đường bộ, đường sắt và đường thủy, giúp cho việc di chuyển đến các điểm du lịch trên địa bàn thuận tiện và nhanh chóng; hệ thống danh lam thắng cảnh đa dạng phù hợp với các loại hình du lịch trải nghiệm, khám phá văn hóa… những năm gần đây, tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm, chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng du lịch.

Hiện trạng hệ thống giao thông kết nối hiện hữu của tỉnh Yên Bái có 4 loại hình giao thông vận tải gồm: Đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không, trong đó đường bộ giữ vai trò chủ đạo. Giao thông đường bộ có 1 tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai với chiều dài 80,5km; 5 tuyến Quốc lộ với tổng chiều dài trên 451km; 13 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài trên 451km. Hệ thống đường sắt gồm 1 tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai có chiều dài 88,2km, nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Hệ thống đường thủy nội địa có tổng chiều dài 192km gồm tuyến đường thủy sông Hồng và tuyến đường thủy trên sông Chảy. Hệ thống đường hàng không gồm sân bay quân sự Yên Bái.

Sự đầu tư về hệ thống các tuyến đường giao thông kết nối của Yên Bái trong thời gian qua trở thành lợi thế quan trọng để dư địa phát triển du lịch của các huyện có dấu hiệu chuyển biến đáng kể. Gần đây nhất, tuyến đường nối Trạm Tấu – Bắc Yên (Sơn La) của huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái kết nối với huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La mở ra hướng liên kết vùng thuận lợi. Nhiều cơ hội để phát triển du lịch liên tỉnh, liên vùng.

Theo đánh giá của Sở Xây dựng Yên Bái, hạ tầng du lịch tại các địa phương trên địa bàn tỉnh cơ bản đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách. Đặc biệt là các địa phương như: Thành phố Yên Bái, huyện Văn Yên, huyện Lục Yên, huyện Yên Bình… nơi có nhiều điểm du lịch tâm linh, lễ hội hấp dẫn tại các địa phương. Trong những năm qua, du lịch Yên Bái đã có bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, từng bước trở thành ngành Kinh tế quan trọng, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển của tỉnh. Hoạt động du lịch từ chỗ tự phát đến nay đã được quy hoạch đi liền với các chính sách phát triển, từng bước khai thác tốt hơn những điều kiện, tiềm năng và nguồn lực hiện hữu.

Hàng năm, các địa phương duy trì tổ chức trên 40 lễ hội truyền thống, đồng thời duy trì tổ chức thường niên các lễ hội, sự kiện du lịch như: Lễ hội Văn hóa – Du lịch Mường Lò và khám phá Di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; Chương trình du lịch “Về miền đất Ngọc” tại Lục Yên; Lễ hội đền Đông Cuông huyện Văn Yên; Hội Đền Mẫu Thác Bà huyện Yên Bình… trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh được du khách trong và ngoài nước yêu mến, đón đợi.dt 20320241538 20 3 yenba2i

Đường vào vùng Văn hóa – Du lịch Mường Lò được đầu tư khang trang, rộng đẹp.

Cũng theo đại diện Sở Xây dựng Yên Bái: Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch đã được chú trọng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Cụ thể, thu hút đầu tư vào các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh chưa đạt được kết quả rõ nét. Hệ thống cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng của các phân khúc thị trường khách du lịch. Nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động du lịch còn thiếu và yếu. Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch còn thiếu tính chuyên nghiệp. Nhận thức về kinh doanh dịch vụ du lịch của người dân còn hạn chế…

Về giao thông, việc tiếp cận các tài nguyên thiên nhiên có nhiều điểm còn khó khăn. Hệ thống phương tiện đi lại phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh chất lượng còn thấp và thiếu chuyên nghiệp. Về hạ tầng du lịch vẫn thiếu nhà đầu tư lớn. Đất dịch vụ dành cho du lịch còn hạn chế, một số huyện có dư địa phát triển du lịch tốt nhưng quỹ đất dịch vụ lại rất hạn chế. Đã có một số nhà đầu tư các khu nghỉ dưỡng vừa và nhỏ nhưng còn thiếu các khu vực vệ tinh để giúp kéo dài thời gian lưu trú và đáp ứng nhu cầu tìm hiểu văn hóa, phong tục, vui chơi giải trí xung quanh điểm lưu trú. Một số khu vực có khả năng thu hút khách cao nhưng chưa đầy đủ thủ tục pháp lý.

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng du lịch trong thời gian tới, Đảng bộ tỉnh Yên Bái tiếp tục tăng cường chỉ đạo trong thực tiễn nhằm đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng, làm động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện bức tranh kinh tế của tỉnh. Để cụ thể hóa chủ trương, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết, chính sách, quy hoạch, đề án về phát triển du lịch. Cụ thể là 02 Nghị quyết phát triển du lịch: Nghị quyết 35-NQ/TU ngày 18/10/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái khóa XVIII về đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 và Kế hoạch 197/KH-UBND ngày 27/12/2016; Nghị quyết số 28-NQ/TU ngày 24/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình hành động số 05/CTr-UBND ngày 25/5/2021 về thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TU.

Về cơ chế chính sách có Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 02/8/2018 quy định một số chính sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2020; Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2017-2020 (trong đó có nội dung hỗ trợ cho các dự án phát triển du lịch trong đầu tư hạ tầng, chi phí san tạo mặt bằng); Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 – 2025.

Về công tác Quy hoạch, tập trung triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1775/QĐ-TTg ngày 19/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ); Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 – chuyên đề 5 (Quyết định số 1086/QĐ-TTg ngày 18/9/2023). Các Đề án: “Xây dựng thương hiệu và phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2025”; Đề án “Xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch giai đoạn 2021 – 2025; Đề án “Xây dựng thị xã Nghĩa Lộ thành thị xã văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 = 2025”; Đề án phát triển du lịch trên địa bàn huyện Trạm Tấu giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 202/KH-UBND ngày 22/9/2023 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; hàng năm ban hành các kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Yên Bái.

Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ tạo điều kiện để các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện dự án theo các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển du lịch, thương mại dịch vụ theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040.

Tin tưởng rằng với những chủ trương, chính sách, quy hoạch, đề án với chương trình hành động cụ thể, hạ tầng du lịch của tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục được đầu tư xây dựng một cách xứng tầm và đồng bộ. Từ đó góp phần đánh thức những tiềm năng phát triển kinh tế – xã hội, đưa diện mạo của tỉnh ngày càng khởi sắc.

(Theo Báo Xây dựng)

 

Đánh giá bài viết

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Liên kết kênh thông tin các tỉnh

Show Buttons
Hide Buttons