Sáng nay – 25/2 (tức 16 tháng Giêng năm Giáp Thìn), xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên đã tổ chức Lễ hội Lồng tồng, thu hút đông đảo nhân dân và du khách gần xa. Đây là lễ hội độc đáo của người Tày, mang theo thông điệp cầu cho quốc thái dân an, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Các chàng trai, cô gái trong trang phục truyền thống rước mâm cỗ, dâng cỗ từ Đình Chạng đến khu vực tế lễ tại sân vận động trung tâm xã Phong Dụ Thượng. |
Lễ hội có hai phần chính là phần lễ và phần hội. Mở đầu phần lễ là lễ cúng tế trời đất và thần linh cầu cho mưa thuận, gió hòa, quốc thái dân an. Mâm lễ cúng tế được người Tày Phong Dụ Thượng và các thôn chuẩn bị chu đáo với các lễ vật là sản vật của địa phương gồm: đầu trâu, thủ lợn, xôi, gà, hoa quả, bánh kẹo… Đặc biệt, một thứ không thể thiếu trên mâm lễ là hai đôi quả còn được làm bằng vải màu, bên trong nhồi cát hoặc bông, có tua rua sặc sỡ. Người Tày ở đây quan niệm, quả còn tượng trưng cho may mắn, tài lộc. Mỗi lần quả còn tung lên mang theo ước vọng về một năm mới thuận hòa, mùa màng bội thu.
Phần lễ được tổ chức trang nghiêm với màn rước mâm cỗ, dâng cỗ từ Đình Chạng đến khu vực tế lễ tại sân vận động trung tâm xã do các chàng trai, cô gái trong trang phục truyền thống thực hiện . Mâm cỗ lễ thể hiện tâm kính của người dâng lễ hướng về cội nguồn, cầu trời khấn Phật cho năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, năng suất bội thu, gia súc, gia cầm đầy chuồng, đầy sân; cầu cho quê hương bình an, bản làng thịnh vượng.
Lãnh đạo huyện Văn Yên và bà con nhân dân tra hạt xông đất, cầu cho mùa màng tốt tươi.
Tiếp đó, lễ rước kiệu tế Thần nông, lễ Tịch điền cũng là những nghi lễ hết sức đặc sắc. Trong tiếng reo hò cổ vũ của mọi người, lãnh đạo UBND huyện Văn Yên cùng những nông dân khỏe mạnh giàu kinh nghiệm ở xã Phong Dụ Thượng đã cày những đường đầu tiên, tra hạt để xông đất cầu cho mùa màng tốt tươi.
Ngay sau phần lễ đã diễn ra phần hội với nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao đặc sắc, hấp dẫn, trong đó, ném còn là trò chơi hấp dẫn, thu hút đông người tham gia nhất. Người Tày quan niệm trong hội phải có người tung được quả còn ngũ sắc xuyên thủng hồng tâm trên cột còn thì năm đó bản làng mới làm ăn thuận lợi. Cùng với đó các trò chơi xẻ gỗ, đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co, đi cầu khỉ qua suối cũng thu hút đông đảo du khách, làm không khí ngày hội thêm sôi động.
Trước đó, tối 24/2, xã Phong Dụ Thượng đã tổ chức chương trình văn nghệ chào mừng Lễ hội. Chương trình gồm nhiều tiết mục đặc sắc, do nhân dân các thôn biểu diễn với các ca khúc ca ngợi quê hương, đất nước, những bài dân ca, dân vũ mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc…, tạo không khí phấn khởi cổ vũ, động viên cán bộ, nhân dân xã Phong Dụ Thượng thi đua học tập, công tác, lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Thu Trang