Văn Yên được biết đến là huyện có nhiều di tích nhất toàn tỉnh với 28 di tích, là cơ sở để huyện phát triển loại hình du lịch tâm linh. Cùng với đó, Văn Yên có Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu. tại các xã có các hệ thống thác nước, hang động, ruộng bậc thang, các đồi quế xanh ngút ngàn rất thích hợp để phát triển du lịch xanh.Hội thi giã bánh dày và gói bánh lẳng tại xã Tân Hợp.
Triển khai Nghị quyết số 28 ngày 24/2/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, UBND huyện Văn Yên đã tham mưu với Ban Chấp hành Đảng bộ huyện sớm ban hành Chương trình hành động số 10 ngày 20/7/2021 thực hiện Nghị quyết số 28; xây dựng kế hoạch phát triển du lịch cụ thể cho từng năm. Trong quá trình quán triệt, triển khai Nghị quyết số 28, huyện đã nhấn mạnh đến quan điểm thứ 2 trong Nghị quyết: “Phát triển du lịch bền vững, trên nền tảng tăng trưởng xanh…”.
Ông Hà Đức Anh – Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: “Huyện cũng xác định phát triển du lịch xanh, bền vững phải bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử gắn với khai thác có hiệu quả, sử dụng tiết kiệm các tiềm năng, thế mạnh của huyện trên cơ sở bảo vệ cảnh quan, môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời, xác định các sản phẩm du lịch xanh phải có sự tham gia tích cực của người dân địa phương”.
Văn Yên được biết đến là huyện có nhiều di tích nhất toàn tỉnh với 28 di tích, trong đó nổi tiếng như: đền Đông Cuông, đền Nhược Sơn…. Đó cũng là cơ sở để huyện phát triển loại hình du lịch tâm linh.
Cùng với đó, Văn Yên có Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu với diện tích trên 16.000 ha; tại các xã có các hệ thống thác nước, hang động, ruộng bậc thang, các đồi quế xanh ngút ngàn rất thích hợp để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với hội nghị, hội thảo.
Qua đẩy mạnh triển khai phát triển du lịch theo Nghị quyết số 28, đến nay, toàn huyện thành lập được các hợp tác xã, tổ hợp tác du lịch như: Khu nghỉ dưỡng 3 sao Đại – Phú – An, thị trấn Mậu A; Tổ hợp tác Du lịch cộng đồng thôn Minh Khai, xã Quang Minh; Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Trung Thành tại xã Yên Hợp phát triển du lịch farmstay; Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và du lịch xã Nà Hẩu; Hợp tác xã Du lịch cộng đồng xã Phong Dụ Thượng; đặc biệt là Điểm du lịch cộng đồng xã Nà Hẩu được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.
Hiện nay, đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao đối với “Điểm du lịch sinh thái – cộng đồng thôn Minh Khai”, xã Quang Minh và Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Phong Dụ Thượng. Huyện cũng chú trọng tiếp tục phát triển các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao phục vụ khách du lịch như: sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ quế, tinh dầu quế, trà quế, quế thuốc lá, quế thanh huyện Văn Yên.
Cùng với đó, Văn Yên tiếp tục phát triển các món ẩm thực đặc sản của các địa phương; kết hợp với khai thác và phát huy các hoạt động dân ca, dân vũ truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số như: hát chầu văn, hát then, múa then, múa xòe cổ, hát khắp và các tiết mục văn hóa văn nghệ đặc sắc khác của người Tày; hát páo dung, múa rùa, múa gông, múa chuông, múa cầu mùa, nhảy lửa, lễ cấp sắc và các tiết mục văn hóa văn nghệ đặc sắc khác của người Dao; múa xòe, sáo cúc kẹ và các tiết mục văn hóa văn nghệ đặc sắc khác của người Phù Lá (xã Châu Quế Thượng); múa khèn, múa Mông, múa gậy sênh tiền và các tiết mục văn hóa văn nghệ đặc sắc khác của người Mông (xã Nà Hẩu).
Với những nỗ lực trong phát triển du lịch, năm 2022, huyện Văn Yên đã đón được trên 400.000 lượt du khách, doanh thu du lịch đạt 174 tỷ đồng.
Phạm Thu