Những ngày này, huyện Trấn Yên đang tích cực chuẩn bị ra mắt tour du lịch “Theo dấu chân anh hùng” và chung kết Cuộc thi “Em hát về địa chỉ đỏ”, thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 07/5/2024) và 79 năm thành lập Chiến khu Vần (5/1945 – 5/2024).
Tour du lịch lịch sử “Theo dấu chân anh hùng” của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Kiên Thành, xã Kiên Thành. |
Chiến khu Vần – Hiền Lương là chiếc nôi cách mạng đầu tiên của 2 tỉnh Phú Thọ, Yên Bái. Ngày 4/9/1995, Di tích lịch sử Quốc gia Chiến khu Vần đã được Bộ Văn hóa -Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia.
Với gái trị lịch sử đó, huyện Trấn Yên đã phối hợp với Doanh nghiệp Du lịch Hưng Việt khảo sát, xây dựng tour du lịch lịch sử “Theo dấu chân anh hùng”, với hành trình tới nhiều địa chỉ, di tích lịch sử văn hóa tại xã Việt Hồng như: Chiến khu vần, Đình Làng Dọc, Bến Âu Lâu, Bảo tàng tỉnh Yên Bái… Hoạt động ra mắt tour du lịch được tổ chức gắn với vòng chung kết Cuộc thi “Em hát về địa chỉ đỏ”.
Các hiện vật được trưng bày tại Di tích quốc gia Nhà ông Trần Đình Khánh, xã Việt Hồng.
Vòng sơ khảo Cuộc thi “Em hát về địa chỉ đỏ” đã diễn ra ngày 23/4/2024. Tại Cuộc thi, các em học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở đã trình bày các tiết mục hát, múa có chủ đề về các di tích lịch sử cách mạng, địa chỉ đỏ gắn với các sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, của Đảng, của Đoàn, Đội, về tỉnh Yên Bái, huyện Trấn Yên, Chiến khu Vần… hay nội dung về các danh nhân, các anh hùng dân tộc, đặc biệt là các anh hùng trẻ tuổi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc như: Lý Tự Trọng, Nguyễn Viết Xuân, Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu, Kim Đồng… 15 tiết mục xuất sắc đã được lựa chọn tham gia chung kết.
Dự kiến Chương trình ra mắt tour du lịch “Theo dấu chân anh hùng” và chung kết Cuộc thi “Em hát về địa chỉ đỏ” của huyện Trấn Yên sẽ được tổ chức tại Chiến khu Vần, xã Việt Hồng, ngày 4/5/2024.
Các hoạt động này nhằm tăng cường công tác tuyên truyền tới du khách trong và ngoài tỉnh, các đảng bộ, chi bộ, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị, sở, ngành và các nhà trường về ý nghĩa lịch sử của “địa chỉ đỏ” Chiến khu Vần để các đơn vị tổ chức các hoạt động ngoại khóa như kết nạp đoàn viên, đảng viên, hội nghị, hội thảo…
Qua đó, cũng nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho thể hệ trẻ, các em học sinh về lịch sử hào hùng của dân tộc, truyền thống cách mạng của Đảng, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh gắn với hoạt động giáo dục trải nghiệm, giáo dục truyền thống để bổ trợ cho môn học Lịch sử địa phương, thông qua hành trình trải nghiệm thực tiễn tại di tích Chiến khu Vần. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, bồi đắp lòng yêu nước, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” cho thế hệ trẻ.
Minh Huyền