Cách trung tâm thành phố Yên Bái khoảng 35km về phía Đông, chùa Phúc Hòa là thiết chế Phật giáo gắn liền với sự hình thành và phát triển của vùng đất Hán Đà, huyện Yên Bình.
Vào khoảng những năm cuối thế kỷ XIX, vùng đất Hán Đà còn hoang sơ, dân cư thưa thớt, một số gia đình dòng họ Phạm, Nguyễn từ Nam Định, Thái Bình di cư lên khai phá, lập nghiệp, sinh sống tại khu vực vùng ven sông Chảy. Khi rời quê hương, họ mang theo Phật giáo – nơi gửi gắm niềm tin, niềm hy vọng về một cuộc sống an bình, no ấm và hạnh phúc nơi miền sơn cước xa lạ. Sự ra đời chùa Phúc Hòa – một thiết chế thờ Phật là kết quả của quá trình chung sống, giao lưu văn hóa giữa người bản địa với người dân di cư miền xuôi. Khởi đầu, chùa chỉ là một am nhỏ có kiến trúc đơn sơ, diện tích khoảng 9m2, được dựng bằng những vật liệu có sẵn, như: tre, nứa, lá cọ…, trong am đặt một bát hương, có chức năng thờ Phật.
Sang đến thế kỷ XX, khi Phật giáo ở Yên Bái bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ, nhân dân Hán Đà cũng chung tay đóng góp tiền của, công sức mở rộng nơi thờ tự và đặt tên là chùa Phúc Hòa. Lúc này, chùa được mở rộng quy mô, to đẹp hơn, khang trang hơn với kiến trúc nhà gỗ 3 gian, mái lợp cọ, xung quanh được lịa bằng gỗ; cửa chính nhìn theo hướng Tây Bắc; bên trong chùa nhiều mảng hoa văn được trạm trổ tinh xảo, đa dạng trên thượng lương, xà lòng, xà nách, con rường, bẩy trước, bẩy sau.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa ít được trông nom, bảo vệ. Mặt khác, do chùa còn phải chịu ảnh hưởng từ những trận bom đạn khốc liệt của quân địch khiến nhiều hạng mục bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1953, chùa Phúc Hòa sụp đổ hoàn toàn.
Năm 2007, thể theo nguyện vọng của nhân dân, chùa Phúc Hòa được dựng lại bằng nguồn công đức của nhân dân. Đến nay, chùa tọa lạc trên một khu đất cao, xung quanh trồng chè cách nền đất cũ 50m thuộc thôn Phúc Hòa 2, xã Hán Đà. Chùa được dựng với kiến trúc 3 gian, mái lợp prô-ximăng, gồm gian tiền đường và hậu cung. Phía trước là miếu thờ thổ công.
Ngoài lễ mùng một, ngày rằm hàng tháng, trong năm tại chùa diễn ra một số nghi lễ Phật giáo quan trọng như: lễ Phật đản (tháng 4 âm lịch), lễ Vu lan báo hiếu (Rằm tháng 7)… thu hút sự tham gia hành lễ, chiêm bái của đông đảo bà con Phật tử, nhân dân trong vùng và du khách thập phương.
Đồng chí Dương Văn Tiến – Phó Chủ tịch UBNN tỉnh dự lễ khai chuông tại Chùa. Ảnh : Hồng Anh
Nhận thấy những giá trị lịch sử – văn hóa và đóng góp của thiết chế tôn giáo này trong đời sống tinh thần và thỏa mãn như cầu sinh hoạt tôn giáo của nhân dân, ngày 16/7/2014 Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã công nhận chùa Phúc Hòa, xã Hán Đà, huyện Yên Bình là di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 1118/QĐ-UBND với diện tích khoanh vùng bảo vệ 1.365m2.
Ngôi Tam bảo của Chùa . Ảnh : Hồng Anh
Chùa Phúc Hòa là ngôi chùa có lịch sử lâu đời, là biểu tượng linh thiêng trong đời sống tinh thần của nhân dân Hán Đà và đông đảo người dân trong vùng. Nơi đây đã trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng của nhân dân Hán Đà nói riêng và nhân dân trong vùng nói chung, đồng thời trở thành nét đẹp, biểu tượng trong tâm hồn những người con của Hán Đà xưa và nay./.
Hồng Anh
TTQLDT&PTDL