Sau dịch, du lịch Yên Bái “cất cánh”

Nhờ áp dụng linh hoạt các giải pháp kích cầu du lịch, mở cửa lại hoạt động du lịch đồng bộ, thích ứng an toàn trong hoàn cảnh dịch COVID – 19 phức tạp; ngành Du lịch Yên Bái đã đạt được kết quả ấn tượng trong 8 tháng đầu năm 2022. Điều đó thể hiện qua số lượt khách tăng hơn 103%, doanh thu tăng hơn 152% so với cùng kỳ năm 2021.

1 3

Với việc được UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cam kết “biến di sản thành tài sản” phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Sở hữu phong cảnh thiên nhiên độc đáo
Yên Bái được ví như Tây Bắc thu nhỏ với vô vàn vẻ đẹp được thiên nhiên ban tặng, là nơi cư trú của 30 dân tộc thiểu số và hội tụ rất nhiều di sản văn hóa đặc trưng.
Đến với Yên Bái, du khách sẽ được đắm chìm trong không gian mênh mông của những thửa ruộng bậc thang Mù Cang Chải vàng óng hay ngẩn ngơ trước những bông lúa trĩu nặng trên đồi Mâm Xôi La Pán Tẩn – nơi được mệnh danh là một trong những địa điểm ngắm lúa chín đẹp nhất miền Bắc.
Bên cạnh đó, Mù Cang Chải còn có nhiều địa điểm có tiềm năng khai thác du lịch sinh thái như khu du lịch Thác Mơ (thị trấn Mù Cang Chải); suối nước nóng Nậm Khắt, khu vực leo núi các xã Púng Luông, Nậm Khắt; hang động Nậm Khắt; bãi đá cổ xã Lao Chải, Chế Cu Nha; khu du lịch sinh thái Chế Tạo, Nậm Khắt…
Nếu là tín đồ của du lịch mạo hiểm, du khách sẽ không thể bỏ qua trải nghiệm bay dù lượn, ngắm phong cảnh xã Tú Lệ tuyệt đẹp từ trên cao, tham gia trải nghiệm các hoạt động du lịch cộng đồng, văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, H’mông, trải nghiệm canh tác ruộng bậc thang, thưởng thức đặc sản địa phương tại các phiên chợ vùng cao: Xôi ngũ sắc, cơm lam, rượu thóc, mèn mén…
Hồ Thác Bà nằm trên địa phận hai huyện Yên Bình và Lục Yên, có hơn 1.300 đảo xanh lớn, nhỏ tạo thành nhiều hang động và cảnh đẹp sơn thủy hữu tình. Du khách sẽ được trải nghiệm thăm quan hồ Thác Bà, tham gia các tour du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc các xã: Vũ Linh, Phúc An, Ngọc Trấn và thị trấn Thác Bà hứa hẹn mang đến cho khách du lịch những kỷ niệm tuyệt vời, khó quên.
Đến với Trạm Tấu, du khách sẽ được trải nghiệm leo núi mạo hiểm đỉnh Tà Xùa, xã Bản Công, leo núi, trải nghiệm tại đỉnh Tà Chì Nhù; du lịch cộng đồng tại chòm Cu Vai, xã Xà Hồ.
Một trong những điểm đến được du khách quan tâm và không thể bỏ qua trong các dịp nghỉ lễ đó là Suối Giàng, huyện Văn Chấn, nơi có cảnh quan hoang sơ, văn hóa đặc sắc, tất cả sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm cực kỳ thú vị.
Suối Giàng nằm ở lưng chừng mây, có khí hậu mát mẻ quanh năm. Đến đây, du khách sẽ được hòa mình vào cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, ngắm đồi chè Shan Tuyết cổ thụ; trải nghiệm các quy trình chế biến chè; cách pha trà Shan tuyết đặc trưng riêng thơm ngon của Suối Giàng; cùng thưởng thức những chén trà làm say đắm lòng người; trải nghiệm giá trị văn hóa cộng đồng người Mông; khám phá Động Thiên Cung, Cốc Tình, vườn hoa Bản Giàng, vườn trà cổ…
Vận dụng linh hoạt các giải pháp kích cầu du lịch
Năm 2022, tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu đón và phục vụ trên 1,1 triệu lượt du khách; trong đó có khoảng 300.000 lượt khách quốc tế; doanh thu từ dịch vụ du lịch phấn đấu đạt 845 tỷ đồng.
Kết quả 8 tháng đầu năm, ngành Du lịch của tỉnh Yên Bái đón 1.046.025 lượt khách (bằng 95% kế hoạch năm, tăng 103,7% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó khách quốc tế đạt 7.850 lượt khách. Doanh thu đạt 685,800 tỷ đồng (bằng 81,1% kế hoạch năm, tăng 152,2% so với cùng kỳ năm 2021).
Để có kết quả ấn tượng này, tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều giải pháp thu hút du khách trong nước và quốc tế đến khám phá, trải nghiệm và nghỉ dưỡng.
Tỉnh đã chỉ đạo ngành Du lịch hướng dẫn các địa phương tập trung triển khai các biện pháp kích cầu, mở cửa lại hoạt động du lịch đồng bộ, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID – 19.
Cùng với đó, các cơ sở lưu trú, các điểm kinh doanh dịch vụ du lịch chuẩn bị kỹ lưỡng, đưa thêm nhiều sản phẩm du lịch mới ấn tượng vào khai thác như Di tích Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, hồ Thác Bà, thung lũng Mường Lò…
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái Lê Thị Thanh Bình cho biết, để đưa du lịch vượt qua khó khăn, phục hồi, phát triển trong tình hình mới, Sở đã cùng các địa phương, khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn chủ động chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, phương án đón khách, xây dựng các chương trình kích cầu du lịch ngay từ đầu năm.
Bên cạnh đó, tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội đón chào du khách như lễ đón nhận bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa du lịch Mường Lò và khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải.
Nhiều hoạt động du lịch, lễ hội diễn ra tại các địa phương trong tỉnh từ tháng 9 đến tháng 12 như: Lễ hội Quế huyện Văn Yên lần thứ IV; các hoạt động du lịch “Mùa nước đổ”; Festival Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn gắn với lễ hội Cơm mới đền Đông Cuông và lễ đón bằng công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia đối với lễ hội đền Đông Cuông; lễ hội Bưởi Đại Minh và khám phá danh thắng Quốc gia hồ Thác Bà; lễ hội hoa Tớ dày; chương trình du lịch “Về miền đất Ngọc” huyện Lục Yên lần thứ III…
Với những tiềm năng du lịch sẵn có, Yên Bái tiếp tục chú trọng đẩy mạnh phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường gắn với việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tăng cường công tác quảng bá xúc tiến du lịch để thu hút du khách, góp phần đưa ngành du lịch Yên Bái “cất cánh” trong tình hình mới.
(Theo Thanh tra)
Đánh giá bài viết

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Liên kết kênh thông tin các tỉnh

Show Buttons
Hide Buttons