Nhà ông Trần Đình Khánh – “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống

Di tích Nhà ông Trần Đình Khánh tọa lạc tại làng Vần, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên. Đây là 1 trong 4 điểm di tích nằm trong Cụm di tích lịch sử quốc gia Chiến khu Vần đã được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng quốc gia.322277 7.5 tran yen 2

Các em học sinh thăm Di tích nhà ông Trần Đình Khánh tại làng Vần, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên.

Ông Trần Đình Khánh là quan chức của chính quyền thời Pháp thuộc được bổ nhiệm giữ chức Chánh tổng Lương ca. Đây là chức danh của người đứng đầu một tổng gồm nhiều xã: Việt Hồng, Việt Cường, Vân Hội, Lương Thịnh, Hưng Khánh và Hồng Ca, thuộc địa bàn huyện Trấn Yên ngày nay.

Tuy làm Chánh tổng nhưng ông Trần Đình Khánh là vị quan có lòng yêu nước thương dân, bất mãn với chế độ bù nhìn thuộc Pháp. Được giác ngộ cách mạng, ông đã vận động nhân dân trong vùng tham gia Đội du kích Âu Cơ, quyên góp ủng hộ lương thực, thực phẩm, tiền vàng, vũ khí cho căn cứ cách mạng.

Nhà ông Trần Đình Khánh trở thành địa điểm tiếp nhận sự quyên góp của nhân dân trong vùng, là nơi tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng của Đội du kích Âu Cơ và căn cứ địa cách mạng. Ngày 7/5/1945, Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Yên Bái được thành lập, trụ sở đầu tiên đặt tại nhà ông Trần Đình Khánh.

Với công lao đóng góp tích cực của mình cho cách mạng, ông Trần Đình Khánh được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến tỉnh Yên Bái. Năm 1946 ông vinh dự được bầu làm Đại biểu Quốc hội khoá I của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Di tích Nhà ông Trần Đình Khánh là 1 trong 4 điểm di tích nằm trong cụm Di tích lịch sử quốc gia Chiến khu Vần được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cách mạng quốc gia ngày 4/9/1995.

Trước giá trị về mặt lịch sử của Di tích, ngày 29/9/2008, UBND tỉnh Yên Bái đã có Quyết định về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình, tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Chiến khu Vần, trong đó có Di tích Nhà ông Trần Đình Khánh.

Năm 2009, nhà ông Trần Đình Khánh được phục dựng cơ bản theo nguyên gốc trước đây, gồm công trình nhà chính 5 gian, 2 trái, cột tròn 4 hàng chân, nhà bếp là nhà sàn 3 gian, 2 trái, 4 hàng chân,; phần mái lợp cọ, có hành lang phía trước, sàn nhà và ván lịa bằng gỗ; tổng số cột nhà chính và nhà bếp là 52.

Giờ đây, ngôi nhà  – nơi ghi dấu những sự kiện trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, là địa điểm được các cơ quan, đơn vị chọn làm  nới tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, hoạt động ngoại khóa, hội nghị, hội thảo, tổ chức kết nạp đảng viên, sinh hoạt Đảng chuyên đề… Thời gian qua, nhà ông Trần Đình Khánh đã trở thành “địa chỉ đỏ” đón các thầy, cô giáo, các em học sinh tại các huyện, thị xã, thành phố trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm, giáo dục truyền thống để bổ trợ cho môn học Lịch sử. Đây là hoạt động có sức lan tỏa mạnh mẽ, có tác động sâu sắc tới cá nhân mỗi đảng viên về truyền thống cách mạng. dt 752024840 7.5 tran yen 1

Hiện vật Thạp đồng Đào Thịnh được trưng bày tại di tích nhà ông Trần Đình Khánh.

Tham quan di tích Nhà ông Trần Đình Khánh, em Đỗ Anh Thư, học sinh lớp 9, Tiểu học và Trung học cơ sở xã Việt Thành không giấu được xúc động, chia sẻ: “Em đã được nghe thầy, cô giảng về các di tích lịch sử tại địa phương nhưng hôm nay được đến thăm nhà ông Trần Đình Khánh, được nghe câu chuyện về ông Trần Đình Khánh. Ông là người dân tộc Tày đi theo cách mạng, nhà ông là trụ sở đầu tiên của Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái. Em còn được biết đến các hiện vật gắn với lịch sử địa phương. Em rất tự hào về truyền thống lịch sử của cha ông. Em xin hứa sẽ học thật tốt để góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Cô giáo Mai Hương Lý, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở số 2 xã Y Can cho hay: “Để giáo dục lịch sử địa phương, hàng năm nhà trường đã tổ chức cho các lớp đi tham quan tại nhiều di tích lịch sử như: Khu di tích mộ Nguyễn Thái Học, Di tích lịch sử quốc gia Bến Âu Lâu, Bảo tàng tỉnh và các di tích thuộc cụm Di tích lịch sử quốc gia Chiến khu Vần… Đây là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc giúp các em thêm yêu và ghi nhớ lịch sử địa phương”.

Ông Trần NgọcThư – Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: “Khu di tích nhà của ông Trần Đình Khánh là một địa điểm diễn ra sự kiện lịch sử quan trọng của Chiến khu Vần, được nhân dân trân trọng giữ gìn, bảo tồn. Thời gian tới, huyện Trấn Yên sẽ tiếp tục bảo tồn di tích, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm giúp thế hệ trẻ phát huy các giá trị lịch sử khu di tích nhằm tôn vinh công lao to lớn của những thế hệ cha ông đi trước, góp phần giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ”.

Cũng chính với ý nghĩa đó,  huyện Trấn Yên vừa qua đã tổ chức Cuộc  thi “Em hát về địa chỉ đỏ” và ra mắt tour du lịch “Theo dấu chân anh hùng” với hành trình tới nhiều địa chỉ, di tích lịch sử văn hóa tại xã Việt Hồng như: Chiến khu Vần, đình Làng Dọc tới Bến Âu Lâu, Bảo tàng tỉnh Yên Bái…  Nhà ông Trần Đình Khánh cùng các di tích trong Khu di lịch sử cách mạng quốc gia Chiến khu Vần sẽ luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài tỉnh,

Minh Huyền

 

Đánh giá bài viết

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Liên kết kênh thông tin các tỉnh

Show Buttons
Hide Buttons