Những dãy núi trùng điệp, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, những bản làng ẩn hiện trong mây phủ, những điệu múa, tiếng khèn của đồng bào dân tộc thiểu số,… là những lợi thế đang được người dân huyện vùng cao Trạm Tấu đang tận dụng để phát triển kinh tế, phát triển du lịch một cách bền vững, hài hòa giữa con người và thiên nhiên.
Khu du lịch Suối khoáng nóng Trạm Tấu thu hút đông đảo du khách vào dịp cuối tuần. |
Nằm giữa những thửa ruộng bậc thang, xanh ngắt những đồi thông, Khu du lịch Suối khoáng nóng Trạm Tấu từ lâu đã trở thành điểm đến hút khách. Nơi đây có nguồn suối khoáng nóng tự nhiên với hàm lượng khoáng chất cao, tốt cho sức khỏe cùng những bungalow độc đáo, thân thiện với môi trường. Khu du lịch là tâm huyết của anh Vũ Mạnh Cường – Giám đốc Hợp tác xã Du lịch Cường Hải, người con của quê hương Trạm Tấu. Vôn là một thầy giáo, nhận thấy tiềm năng du lịch nơi mình đã sinh ra, anh đã đổi nghề, quyết chí lập nghiệp với mong muốn phát triển du lịch địa phương.
Năm 2015, phát hiện ra nguồn suối khoáng nóng tự nhiên ở Trạm Tấu, anh quyết định đầu tư xây dựng khu du lịch. Ban đầu, khu du lịch chỉ có một hồ tắm suối khoáng nóng nhỏ. Tuy nhiên, với sự nỗ lực và quyết tâm của anh Cường, khu du lịch đã dần dần thành hình và trở thành một điểm du lịch nổi tiếng ở Yên Bái. Nhờ sự phát triển của khu du lịch, đời sống của người dân địa phương đã được cải thiện đáng kể.
Anh Cường chụp ảnh lưu niệm với du khách quốc tế tại Khu du lịch Suối khoáng nóng.
Anh Cường chia sẻ: “Đó là một hành trình dài với biết bao khó khăn, thách thức nhưng nhờ dám theo đuổi ước mơ, nỗ lực và quyết tâm để không phải nuối tiếc đã giúp tôi xây dựng được mô hình như ngày hôm nay. Bạn nhìn xem, xung quanh khu du lịch này, giờ đã mọc thêm nhiều mô hình homestay, nhà nghỉ, các hoạt động dịch vụ đa dạng, người dân đông đúc và tất bật hơn trước rất nhiều… Vậy là đời sống của người dân đã thay đổi rất nhiều từ du lịch. Tôi hy vọng, trong tương lai, khu du lịch sẽ tiếp tục phát triển và trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn của cả nước”.
Bản Cu Vai, xã Xà Hồ hoang sơ, thơ mộng giữa núi rừng.
Cách Khu du lịch Suối khoáng nóng Trạm Tấu chừng 20 km, bản Cu Vai ở xã Xà Hồ là một bản làng của người Mông hiện ra giữa núi rừng hùng vĩ cũng đang đổi thay nhờ phát triển du lịch. Gia đình ông Mùa A Vư cùng 20 hộ người Mông đã sinh sống ở đây từ năm 2011. Sau nhiều lần thấy du khách vượt núi, băng qua những cung đường khó khăn để đến với bản làng, rồi lại thấy chính quyền địa phương xây dựng tuyến đường giao thông, những hạng mục du lịch, quy hoạch bản làng…, ông Vư bàn với vợ xây dựng mô hình homestay để du khách có chỗ nghỉ ngơi ở lại cùng dân bản. Bản của ông Vư vẫn yên tĩnh, người dân hiền hòa sống dựa vào nông nghiệp, nhưng trong mắt du khách, đây là nơi có cảnh quan độc đáo, con người thân thiện, thích hợp để du lịch trải nghiệm và cùng sẻ chia.
Ông Vư (đứng giữa) giới thiệu về mô hình homestay với trường bản Cu Vai (bên trái).
Ông Vư chia sẻ: “Từ khi xây dựng mô hình du lịch, gia đình đã tiếp đón được một số đoàn khách tới nghỉ ngơi và có nguồn thu nhập đáng kể. Họ thường ở lại bản từ 1 đến 2 ngày rồi di chuyển đến địa điểm khác. Họ thích không khí mát mẻ, trong lành, từ trên bản ngắm cảnh núi rừng, ruộng bậc thang dưới thung lũng rồi sẽ đi tham quan các hộ gia đình, tìm hiểu cuộc sống của người dân và ghé qua trường học thăm và tặng quà cho nhà trường”.
“Qua giao lưu với du khách, chia sẻ của họ giúp gia đình tôi có thêm kinh nghiệm để xây dựng mô hình du lịch cộng đồng bền vững, thân thiện, gần gũi và an toàn hơn cho du khách. Bản chúng tôi cũng đã họp bàn cùng nhau xây dựng mô hình bản du lịch để tiếp tục chỉnh trang nhà cửa, cảnh quan môi trường xung quanh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đội ngũ hướng dẫn du khách đến các điểm tham quan xung quanh Cu Vai”, ông Vư nói thêm.
Phình Hồ – một địa phương cũng được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ, cùng những cây chè Shan cổ thụ gắn bó bao đời với đồng bào Mông song vẫn còn nhiều khó khăn vì cách xa trung tâm huyện.
Để khơi dậy tiềm năng du lịch, anh A Tủa – một cán bộ của xã Phình Hồ đã quyết tâm quảng bá hình ảnh quê hương trên các nền tảng xã hội để thu hút du khách. Từ một người yêu thiên nhiên, yêu quê hương, A Tủa được hướng dẫn xây dựng kênh trên nền tảng mạng xã hội Facebook, tiktok để giới thiệu hình ảnh con người, cuộc sống, tiềm năng, lợi thế của quê hương đến người xem. Đến nay, A Tủa như “Đại sứ du lịch của xã Phình Hồ” với cách thức giới thiệu, quảng bá thân thiện, gần gũi người xem qua kênh Tiktok “A Tua – Phinh Ho”.
A Tủa (áo đen) mong muốn quảng bá hình ảnh con người, quê hương Phình Hồ cho du khách.
Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua, anh Tủa mở đầu clip trên Tiktok: “Xin chào các bạn, lại là anh cán bộ xã đây. Hôm nay, A Tủa xin giới thiệu về điểm bay dù lượn gần khu du lịch Lau Camping Phình Hồ. Đây là điểm bay dù lượn mới được Cục Tác chiến, Bộ Tham mưu, Quân đội nhân dân Việt Nam cấp phép. A Tủa đã có cơ hội trải nghiệm bay dù lượn tại đây và chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ của mình về hoạt động này”.
Trong clip, anh Tủa còn chia sẻ việc bay dù lượn là một trải nghiệm vô cùng tuyệt vời. Du khách sẽ được ngắm nhìn toàn cảnh thiên nhiên hùng vĩ, những cánh rừng nguyên sinh xanh mát và những thửa ruộng bậc thang trải dài…
Trên nền tảng mạng xã hội, anh Tủa còn giới thiệu đến du khách những sản phẩm du lịch đặc trưng của Phình Hồ như: chè Shan tuyết, ẩm thực địa phương, các lễ hội truyền thống,… Anh mong muốn du khách sẽ có những trải nghiệm đáng nhớ khi đến với Phình Hồ.
Khu du lịch Lau Camping Phình Hồ – huyện Trạm Tấu.
Trạm Tấu từ lâu được du khách ưu ái gọi với cái tên “Tiểu Bali”, nổi tiếng với phong cảnh thiên nhiên núi rừng hùng vĩ và thơ mộng. Những câu chuyện trên là một minh chứng cho sự nỗ lực và quyết tâm của người dân Trạm Tấu trong phát huy lợi thế này để phát triển du lịch.
Cùng sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị, ban, ngành liên quan của huyện, UBND các xã, thị trấn chủ động xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ công, quản lý Nhà nước về du lịch; huy động các nguồn vốn đầu tư, đồng thời khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình, khuyến khích việc đóng góp từ du lịch cho hoạt động bảo tồn, phục hồi các giá trị về sinh thái, văn hóa, phát triển du lịch xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhờ đó, người dân huyện Trạm Tấu dần hình thành các khu du lịch cộng đồng nổi tiếng, thu hút đông kín khách du lịch mỗi dịp nghi lễ như: Khu du lịch Suối khoáng nóng tại thị trấn Trạm Tấu; du lịch mạo hiểm tại đỉnh Tà Chì Nhù, đỉnh Tà Xùa; du lịch homestay tại các bản Hát, xã Hát Lừu, bản Cu Vai – xã Xà Hồ; du lịch trải nghiệm tháng Háng Đề Chơ, xã Làng Nhì; khu du lịch Lau Camping Phình Hồ … Tính 8 tháng năm 2023, lượng khách du lịch đến với huyện Trạm Tấu đạt gần 89.200 lượt, trong đó có trên 10.000 lượt khách quốc tế, doanh thu đạt trên 56,9 tỷ đồng.
Ngay trong tháng 9 này, Giải leo núi “Bước chân trên mây” chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù, huyện Trạm Tấu lần đầu tiên tổ chức sẽ có sự tham gia của 100 vận động viên là phóng viên các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh hứa hẹn những bất ngờ và kỳ thú. Giải là dịp để tiếp tục giới thiệu những hình ảnh đẹp, điểm du lịch độc đáo của Trạm Tấu đến nhiều hơn với du khách trong và ngoài nước. Từ đó, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư và tham gia các hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch để Trạm Tấu trở thành điểm du lịch hấp dẫn với thương hiệu “Trạm Tấu ấm áp suối nguồn, bát ngát biển mây”.
Hoài Văn