Nghệ thuật trình diễn khèn bè của người Thái Mường Lò

Mường Lò – Nghĩa Lộ vùng đất hội tụ những tinh hoa văn hóa của miền Tây Bắc Tổ quốc, nơi đánh dấu sự xuất hiện và hành trình thiên di của người Thái Tây Bắc đã đi vào lịch sử tộc người, trường tồn ký ức theo thời gian. Sự gìn giữ, phát huy những nét văn hóa của người Thái Mường Lò đã tạo nên một không gian văn hóa độc đáo và đa dạng. Một trong những nét văn hóa đó là Nghệ thuật trình diễn khèn bè, một biểu tượng văn hóa tinh thần độc đáo, thể hiện sự kết nối gắn bó trong cộng đồng dân tộc Thái.

Khèn bè là nhạc cụ bộ hơi được chế tác từ các ống nứa tép, loại nứa bánh tẻ,  thân nhỏ, mỏng, ít mấu và tương đối đều nhau. Những cây nứa này mang về phơi nắng một tuần, qua nắng và nhiệt độ môi trường như vậy, những cây cong vênh hoặc bị lép thì sẽ loại bỏ. Cây nứa đã chọn được sẽ đưa vào bếp lửa ở nhiệt độ cao,  cây nứa sẽ mềm ra và nghệ nhân làm khèn sẽ uốn thật thẳng, vót nhẵn mặt bên ngoài và cắt thành những ống dài ngắn khác nhau theo kích cỡ quy định của khèn bè. Tiếp theo người ta đưa dùi vào trong than củi của bếp lửa cho đủ nóng và dùi các lỗ cái trên các đầu ống nứa để dẫn hơi qua. Mỗi cây khèn được tạo nên bởi 14 ống nứa, chia làm 2 bè, mỗi bè 7 ống, trên mỗi ống dùi lỗ để bấm để tạo nên các âm thanh trầm bổng của cây khèn người ta dùng các thanh kim loại đồng tán mỏng, gọi là lưỡi lam để gắn vào trong các ống khèn. Các công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của người làm khèn để tạo ra những chiếc khèn có độ vangtrong, âm thanh chuẩn.

Nghệ nhân Lò Văn Biến (bên phải) cùng các nghệ nhân nghiên cứu chế tác khèn bè. Ảnh : nguồn internet

Chiếc khèn bè là nhạc cụ quan trọng nhất của người Thái Mường Lò, sử dụng làm nhạc cụ đệm trong hầu hết các làn điệu dân ca, làm nền cho các điệu dân vũ của người Thái, được sử dụng rất đa dạng theo từng hoàn cảnh khác nhau trong các dịp lễ hội, ăn mừng… nó như một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo, là sự kết tinh những giá trị vật chất của tự nhiên và tình yêu quê hương, dân tộc của người nghệ nhân làm nên chiếc khèn. Khèn bè là loại nhạc khí sử dụng bè nhiều âm, đạt tới trình độ phức tạp tinh túy của người Thái. Khèn bè là loại nhạc cụ duy nhất của đồng bào thể hiện âm cố định và cùng một lúc có thể thổi được cả chùm âm. Với 5 cung 8 quãng, ngoài việc trình diễn các làn điệu Thái cổ, khèn bè có thể diễn tả được hầu hết các điệu dân ca, nhạc hiện đại và làm nền cho các điệu dân vũ và múa hiện đại. Người Thái còn sử dụng khèn bè để độc tấu hoặc đệm cho người hát những bài dân ca trong các dịp vui bản làng, có khi làm nền cho những điệu dân vũ trong những ngày trọng đại của người Thái.Bởi vậy khèn bè luôn có vị trí xứng đáng trong đời sống nghệ thuật của người Thái.

Xưa kia người Thái Mường Lò quan niệm, con trai Thái muốn lấy vợ đẹp, thông minh thì phải biết thổi khèn bè. Tiếng khèn bè đã trở thành giai điệu hò hẹn, phương tiện chắp gió gửi lời của bao chàng trai đến các cô gái. Bất cứ chàng trai người Thái Mường Lò nào khi biết cầm con dao, cái cuốc để lao động trên nương trên rẫy, thì cũng là lúc họ biết cầm chiếc khèn để trình diễn nghệ thuật độc đáo này. Với họ thổi khèn không chỉ giải trí, mà còn là phương tiện để thể hiện tài nghệ của mình và là chiếc cầu nối để họ tìm cho mình một người bạn đời thích hợp. Bởi thế, nghệ thuật trình diễn này đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống cộng đồng tộc người.

Thổi khèn bè trong đêm Hạn Khuống. Ảnh : nguồn internet

Tiếng khèn vang vọng, lúc thoáng đạt, lúc nỉ non, dìu dặt làm xao xuyến lòng người, cất lên lúc da diết, sâu lắng như tình yêu cháy bỏng mà người con trai gửi tới người con gái, lúc lại ngân nga trong sáng như tiếng suối reo, tiếng gió hát. Đêm khuya trăng sáng nghe như tiếng khèn người ta cảm thấy rạo rực, gần gũi, thân thương. Khi buồn, khi vui âm thanh của khèn như những lời động viên, an ủi. Hình tượng khèn bè vì thế trở thành biểu tượng độc đáo trong nghệ thuật dân nhạc của đồng bào Thái.

Câu lạc bộ Nhạc cụ dân tộc Thái Mường Lò biểu diễn khèn bè trong đêm văn nghệ kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2/9. Ảnh : nguồn internet

Nghệ thuật trình diễn khèn bè của người Thái Mường Lò – Nghĩa Lộ mang lại giá trị tinh thần to lớn cho cộng đồng, là sự kết tinh những giá trị vật chất của tự nhiên và tình yêu quê hương, nó là sản phẩm minh chứng cho sự phát triển trong lĩnh vực âm nhạc, là biểu tượng văn hóa tinh thần độc đáo, riêng biệt của đồng bào Thái Mường Lò. Kiệt tác này còn được coi như là động lực quan trọng giúp con người vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hướng con người tới cái chân – thiện- mỹ.

Hoàng Chiều 

Đánh giá bài viết

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Liên kết kênh thông tin các tỉnh

Show Buttons
Hide Buttons