Ở xã Đại Sơn, huyện Văn Yên (Yên Bái), Nghệ nhân Ưu tú Đặng Nho Vượng (tên tiếng Dao là Tặng Ỳ Voảng) được cộng đồng tôn trọng và nhìn nhận như là bảo tàng sống về văn hóa dân tộc Dao. Bởi ông có nhiều biệt tài như hát, múa, thổi kèn, thực hiện nghi lễ cấp sắc của người Dao… Đặc biệt, với nhạc cụ sáo “tôm ông dạt” của người xưa, ông có thể thổi cùng lúc hai cây sáo bằng lỗ mũi.
Nghệ nhân Ưu tú Đặng Nho Vượng biểu diễn thổi sáo “tôm ông dạt” bằng mũi
Thổi hai cây sáo cùng lúc bằng mũi
Tiếp chúng tôi tại bộ ghế đá trước sân nhà, Nghệ nhân Ưu tú Đặng Nho Vượng chia sẻ, từ nhỏ ông được nghe người lớn thổi sáo trong nghi lễ của người Dao nên khá tò mò và rất thích thú với loại hình âm nhạc này. 15 tuổi ông mới bắt đầu học thổi sáo. Đến nay, ông có thể thổi một lúc hai cây sáo bằng lỗ mũi, kỹ năng biểu diễn này không phải ai cũng có thể làm được.
Chiêu đãi khách đến nhà, ông Vượng đã thể hiện màn thổi sáo mũi độc đáo. Mỗi tay, ông cầm một cây sáo, đặt lên hai lỗ mũi, tiếng sáo lúc du dương, lúc bay bổng cao vút… Các ngón tay uyển chuyển trên các lỗ sáo, khiến chúng tôi từ ngỡ ngàng đến thán phục với biệt tài này của ông.
Theo ông Vượng, sáo “tôm ông dạt” có 7 lỗ, trước kia ông thổi bằng miệng. Về sau, ông đã đưa lên mũi thổi. Khi đưa lên mũi, làm sao để nín thở một bên mũi tạo ra âm điệu mũi còn lại, vừa phải dùng tay điều chỉnh âm điệu của 7 lỗ sáo. Ban đầu thổi một cây sáo bằng mũi, rồi ông đưa lên cùng lúc hai cây sáo thổi bằng hai lỗ mũi. Cách này rất khó nên ông phải kiên trì, từ cách điều hòa cơ thể, cách lấy hơi, dần dà việc thổi sáo bằng hai lỗ mũi đã trở nên dễ dàng và thuần thục với ông.
Theo ông, để học và thổi được loại sáo “tôm ông dạt” rất khó. Vậy nên, dù nhiều người xin học, nhưng hầu hết người học đều bỏ cuộc. Hiện duy nhất chỉ có cậu con trai của ông là thổi được. Năm 2010, con trai ông vinh dự được biểu diễn sáo mũi trong Đại lễ ngàn năm Thăng Long – Hà Nội.
Ngoài thổi sáo, ông Vượng còn có niềm đam mê hát páo dung của người Dao, tham gia dàn dựng các tiết mục múa, chơi các nhạc cụ dân tộc Dao, viết kịch bản… Ông nói, lớn lên trong lời ca của những bài hát páo dung mượt mà từ bà nội, ông đã yêu và đam mê sưu tầm, học hát thể loại này. Với tinh thần ham học hỏi nên các bài páo dung được ông học rất nhanh. Từ khi còn là thanh niên, ông nổi tiếng trong đồng bào Dao về hát páo dung.
Giữ hồn văn hóa dân tộc Dao
Từ năm 2005, với khả năng thổi sáo mũi, hát páo dung, viết kịch bản… Nghệ nhân Ưu tú Đặng Nho Vượng thường xuyên được mời biểu diễn tại các ngày lễ lớn của địa phương, trong các ngày hội văn hóa nghệ thuật quần chúng, tham dự nhiều chương trình truyền hình ở địa phương, Trung ương và đạt được nhiều giải thưởng, danh hiệu cao quý.
Ông Vượng cho biết, hầu như năm nào cũng đoạt giải, nhưng niềm vinh dự và vui nhất là năm 2015, khi ấy ông 44 tuổi, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. Ông luôn trăn trở làm sao để bảo tồn kho tàng văn hóa dân tộc.
Những năm qua, ông đã dành nhiều thời gian để truyền dạy cho thế hệ trẻ thổi kèn, thổi sáo, hát, múa những làn điệu của người Dao, dựng nhiều tiết mục để biểu diễn tại các ngày lễ lớn của địa phương như: Múa rùa, trích đoạn cấp sắc 12 đèn, cấp sắc 3 đèn…
“Hiện nay, tiếng nói, chữ viết, cũng như các nghi lễ cấp sắc… của người Dao rất ít người biết và đang dần mai một, dẫn đến nguy cơ thất truyền. Do đó, tôi đã nỗ lực hết mình để truyền dạy cho thế hệ trẻ. Tôi cũng mong muốn chính quyền địa phương, Nhà nước có sự đầu tư, mở các lớp truyền dạy để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp dân tộc Dao”, Nghệ nhân Ưu tú Đặng Nho Vượng chia sẻ.
Nguồn : baodantoc.vn