Thị xã Nghĩa Lộ có 21 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào Thái chiếm gần 50% dân số và đã tạo nên một vùng đất đậm đà bản sắc văn hóa Thái.
Xòe cổ được gìn giữ, lan truyền sâu rộng trong trường học.
Như trở thành một khát vọng không chỉ bảo tồn, giữ gìn, phát huy mà còn khai thác, nâng tầm các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái vào phát triển du lịch địa phương, chính quyền và người dân nơi đây đã có những nỗ lực và sáng tạo qua nhiều năm tháng cho mạch nguồn khát vọng ấy chảy trôi.
Người dân tâm huyết
Đến nay, hình ảnh ông lão râu tóc bạc phơ nhưng vẫn hàng ngày cặm cụi nghiên cứu, biên dịch những cuốn sách cổ của dân tộc Thái; hướng dẫn, giảng dạy từng nét chữ Thái cổ cho các học trò; đêm đêm, dưới ánh trăng chiếu sáng bản làng, tay ông lại thoăn thoát đưa theo nhịp trống chiêng, chân bước nhịp nhàng hướng dẫn bà con tập luyện 6 điệu xòe cổ đã thành hình ảnh quá đỗi quen thuộc trên mảnh đất này.
Không ai khác, đó chính là nghệ nhân Lò Văn Biến ở bản Căng Nà, phường Trung Tâm, người được ví như kho tàng văn hóa dân gian dân tộc Thái, có nhiều đóng góp quan trọng trong việc khôi phục các lễ hội truyền thống như: Xên bản, Xên mường; Lồng tồng; sinh hoạt Hạn khuống; tết Xíp xí…
“Phải chịu khó nghiên cứu sưu tầm, chịu khó nhặt nhạnh để bồi đắp vốn kiến thức văn hóa dân tộc mình. Mình làm vì tình yêu văn hóa dân tộc chứ không cầu lợi lộc gì, lại được chính quyền địa phương ủng hộ càng tiếp thêm nhiệt huyết cho bản thân để tiếp tục niềm đam mê này” – Nghệ nhân Lò Văn Biến thỏa lòng với công việc mà ông bền bỉ, kiên trì bấy lâu nay.
Bước chân đến thôn Đêu 2, xã Nghĩa An là người ta có thể nghe thấy tiếng khắp trong trẻo, vang vọng của các em nhỏ cất lên từ ngôi nhà sàn đậm nét kiến trúc truyền thống của dân tộc Thái. Ở đó, sự trao truyền, tiếp nối văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ luôn thường trực trong suy nghĩ và việc làm của Nghệ nhân Ưu tú Điêu Thị Xiêng – người được ví như là “Quảng Khắp vùng lòng chảo Nghĩa Lộ – Mường Lò”.
Nghệ nhân Ưu tú Điêu Thị Xiêng cho biết: “Tôi tranh thủ các dịp hè để dạy cho các cháu ở thôn bản, rồi đến các trường học để dạy nữa, mong sao có thể truyền dạy được cho nhiều bạn trẻ”.
Còn có rất nhiều người am hiểu văn hóa dân tộc Thái đã tự nguyện nghiên cứu và tham gia vào Nhóm Bảo tồn tri thức bản địa dân tộc thị xã Nghĩa Lộ và các câu lạc bộ như: sử dụng nhạc cụ dân tộc, thổi khèn bè, hát khắp, múa then.
Nhóm Bảo tồn tri thức bản địa và các câu lạc bộ đã tích cực tham gia cùng với chính quyền địa phương tổ chức thành công hội thi xòe cổ, bảo tồn một số lễ hội truyền thống, phối hợp thực hiện các đề tài khoa học về bảo tồn các giá trị văn hóa; các cuộc giao lưu, tìm hiểu học hỏi văn hóa của các dân tộc trong tỉnh và khu vực Tây Bắc để phát huy các bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Bà Lò Thị Huân – Trưởng nhóm Bảo tồn tri thức bản địa dân tộc thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Chúng tôi đã có những giải pháp và những hoạt động để làm sao khơi dậy sự đam mê, sự yêu thích của các nghệ nhân để họ phát huy cao nhất khả năng cũng như vốn tri thức về văn hóa của mình; duy trì các hoạt động giao lưu, học hỏi các mô hình, các cách làm hay trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”.
Chính quyền nỗ lực
Song hành cùng sự tâm huyết của những nghệ nhân như Nghệ nhân Lò Văn Biến, Nghệ nhân Ưu tú Điêu Thị Xiêng và những người am hiểu, yêu văn hóa Thái trong những tâm huyết nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa thì thị xã Nghĩa Lộ đã ghi dấu nhiều thành quả từ những nỗ lực giữ gìn bản sắc, tạo nên sự cộng hưởng cần thiết để khắc họa nên một vùng đất với những điều riêng của ngày hôm nay.
Những năm qua, thị xã đã tích cực phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Thái Nghĩa Lộ – Mường Lò như: hội Hạn khuống, tết Xíp xí, lễ hội Xên đông (cúng rừng).
Đồng thời, để các nét văn hóa được lan tỏa sâu rộng, thị xã đã mở được các lớp truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ, chữ Thái cổ; thành lập, duy trì 13 câu lạc bộ, đội văn nghệ nòng cốt phục vụ cho du lịch, quan tâm chú trọng đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, chú trọng tới các môn thể thao dân tộc; xây dựng 2 bản văn hóa truyền thống là bản Sà Rèn – xã Nghĩa Lợi và thôn Đêu 2 – xã Nghĩa An.
Ông Đinh Anh Tuấn – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin thị xã Nghĩa Lộ cho biết thêm: “Chúng tôi xác định đưa các giá trị văn hóa vào để khai thác du lịch để bảo tồn các giá trị văn hóa và xây dựng các giá trị văn hóa của Nghĩa Lộ làm nền tảng phát triển du lịch địa phương”.
Từ nỗ lực trong gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, đến nay, thị xã Nghĩa Lộ đã vinh dự có 2 di sản văn hóa quốc gia là nghệ thuật xòe Thái được công nhận năm 2015 và hội Hạn khuống được công nhận năm 2017; 1 di sản văn hóa cấp tỉnh là đền Cầm Hánh; 3 kỷ lục Guinness Việt Nam, gồm: màn đại xòe với sự tham gia của 2013 diễn viên quần chúng và nghệ nhân, mâm xôi ngũ sắc và chiếc khèn bè của đồng bào dân tộc Thái Nghĩa Lộ – Mường Lò.
Nguồn : baoyenbai.com.vn