Mù Cang Chải tự hào miền di sản

Tối mai là chính thức diễn ra Lễ công bố Quyết định Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật khèn Mông, Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông 3 huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, tỉnh Yên Bái và Khai mạc Festival khèn Mông, Lễ hội hoa tớ dày năm 2023. Người dân xã La Pán Tẩn càng tự hào, náo nức hơn khi đây mà miền đất chứa tất cả các di sản và di tích danh thắng quốc gia.1

Nghệ nhân Vừ A Páo luyện khèn để chuẩn bị tới ngày lễ hội.

Những ngày này, anh Giàng A Dê – chủ mô hình homestay Hello Mù Cang Chải ngoài tất bật trang hoàng cho hệ thống nhà nghỉ, phòng ốc còn miệt mài làm thêm các video ngắn giới thiệu về vẻ đẹp thiên nhiên, con người địa phương đăng trên các trang mạng xã hội để giới thiệu tới bạn bè, du khách.

A Dê chia sẻ: “Mù Cang Chải đang bước vào những ngày mùa đông giá buốt nhưng vẫn sôi động bởi người dân đang hướng tới mùa lễ hội. Trên những triền núi cao và ngay cả phố huyện, hoa Tớ dày đang đua nhau khoe sắc hồng như mời gọi du khách đến chiêm ngưỡng, checkin. Ở các bản làng, người lớn tranh thủ nắng sớm để tụ họp, cùng nhau ôn luyện, chia sẻ về cách vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải, thêu thùa váy áo mới, cách làm và thổi khèn Mông truyền thống. Trẻ con thì ý ới nhau đi tìm gỗ, dạy nhau cách đẽo quay, đánh quay… Tất thảy đều mong muốn hòa mình vào ngày hội. Các hoạt động diễn ra sôi động cũng giúp tôi có nhiều dữ liệu, cảm hứng làm các video, để lưu giữ và quảng bá tới bạn bè”.

Niềm vui, sự háo hức của người dân xã La Pán Tẩn hướng đến sự kiên văn hóa,lễ hội lớn nhất trong năm ở huyện vùng cao đã lan tỏa mạnh mẽ, dễ dàng nhìn thấy qua hoạt động thường ngày, trên cả khuôn mặt, nụ cười của mỗi người. Đối chàng trai Mông mới bắt đầu làm du lịch như A Dê còn có trách nhiệm giới thiệu nhiều hơn nữa với những người bạn, du khách để họ có thêm trải nghiệm về cuộc sống, văn hóa, con người, thiên nhiên nơi xứ Mù Cang.

Anh Dê chia sẻ: “Những du khách nước ngoài rất thích đi khám phá, trải nghiệm cuộc sống bình dị vùng cao. Tôi từng chia sẻ sản phẩm rượu táo mèo, đặc sản của địa phương với du khách nước ngoài bằng vốn tiếng Anh ít ỏi là ‘Apple Meow Meow’, nhiều người đã thích thú, thích lối sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thích cái tên gọi ấy. Tôi còn tỷ mỉ hướng dẫn du khách phồng mồm, bò trườn trên mặt đất để học thổi, biểu diễn khèn Mông… Nhiều người đã mang rượu táo mèo Mù Cang Chải, khèn của người Mông về nước như thứ đặc sản của Việt Nam. Họ kết bạn với tôi trên các trang mạng xã hội để được giới thiệu thêm về cuộc sống vùng đồng bào dân tộc, về trang phục, các nhạc cụ, trò chơi dân tộc Mông. Thế nên, dịp lễ hội tới đây là cơ hội để tôi mời những người bạn, những du khách nước ngoài tới quê hương mình trong niềm vinh dự, tự hào đón bằng công nhận di sản”.2

Hình ảnh anh Dê chia sẻ các video Mù Cang Chải những ngày mùa đông năm 2023.

Cứ đến mùa hoa Tớ dày bung nở, ông Vừ A Páo ở bản Trống Trở, xã Mồ Dề sẽ mang chiếc khèn truyền thống của mình ra để căn chỉnh, luyện tập như một nghi thức đón đợi, chuẩn bị, cầu mong cho một năm mới tốt lành cho gia đình. Năm nay, ông Páo thực hiện công việc ấy sớm hơn. Ông như khỏe ra khi luyện tập khèn nhiều hơn, lúc ông tập ở sân nhà, lúc ở đầu thôn, có lúc là ở mỏm đá ven ruộng. Tiếng khèn của ông Páo vang vọng khắp bản khiến mọi người cũng háo hức, tò mò theo từng giai điệu mà bấy lâu nay mới lại nghe. Điệu khèn gọi bạn, điệu khèn trong lễ hội, điệu khèn trong công việc buồn…, ông Páo thổi say mê khiến trai tráng của bản tới nghe rồi lại nhờ ông dạy múa, dạy thổi khèn.

Ông Páo chia sẻ: “Tôi gắn bó với cây khèn từ năm 15 tuổi. Thổi được khèn giúp cuộc sống gia đình, đời sống tinh thần trở nên vui tươi, hạnh phúc hơn. 60 tuổi rồi, tuy không còn sức để biểu diễn những điệu múa khèn truyền thống, đòi hỏi kỹ thuật, sức lực như hồi trẻ nhưng với kinh nghiệm của mình, tôi sẽ cố gắng truyền dạy cho thanh thiếu niên nam ở bản biết được những kỹ thuật, kỹ năng cơ bản nhất. Việc thổi hay, múa khèn đẹp còn tùy vào tố chất, khả năng, rèn luyện của lớp trẻ nữa. Tựu trung lại, đối với con trai người Mông, biết thổi khèn là một niềm vinh dự, hãnh diện lớn”.

Hướng tới Lễ công bố Quyết định và trao chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật khèn Mông năm nay, ông Páo là một thành viên tham gia trình diễn nghệ thuật trong đêm khai mạc. Đó là hoạt động quy tụ những nghệ nhân thành thạo về múa khèn ở Mù Cang Chải, lại là nơi để những nghệ nhân cùng chia sẻ, truyền dạy, thể hiện những nét tinh tú nhất của nghệ thuật khèn Mông tới bạn bè, du khách và đặc biệt hơn, để lớp thế hệ trẻ thêm hiểu biết, tự hào, học tập môn nghệ thuật mà bao lớp trai tráng người Mông theo đuổi.

Ông Páo chia sẻ thêm: “Mỗi nghệ nhân múa khèn sẽ có cách thức biểu diễn, thể hiện riêng nên thông qua hoạt động truyền dạy, biểu diễn múa khèn của cá nhân, học trò sẽ biết được ngôn ngữ, ý tứ, phong cách đó là của ai, đến từ địa phương nào. Quan trọng nhất, tôi mong muốn nghệ thuật múa khèn được duy trì, truyền dạy, phát huy hơn nữa để góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương”. 3

Chị Ninh miệt mài vẽ sáp ong trên vải thổ cẩm.

Dọc theo quốc lộ 32 từ thành phố Yên Bái về thị trấn Mù Cang Chải, dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bà, các chị em người Mông đang chăm chỉ thêu thùa, may đo quần áo tại các gian hàng gần trụ sở UBND xã Chế Cu Nha. Họ vừa đón đưa con em đi học xong, liền ghé vào Tổ hợp tác Thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông để trao đổi, buôn bán, làm việc và để nhận đơn hàng từ Tổ trưởng Tổ hợp tác Lý Thị Ninh.

Sau nhiều năm kiên trì với nghề, Tổ hợp tác đã trở thành cơ sở sản xuất các sản phẩm thêu dệt thủ công có tiếng với nhiều đơn hàng trong nước và quốc tế. Tổ hợp tác luôn duy trì từ 10 đến 15 thành viên là phụ nữ địa phương đã được đào tạo, thành thạo nghề thêu thùa. Chuẩn bị hướng đến các hoạt động trong lễ hội tối mai, Tổ hợp tác đang đẩy nhanh tiến độ, thuê thêm nhân công để làm ra nhiều sản phẩm cung cấp cho bạn hàng, phục vụ gian trưng bày tại hội chợ, đáp ứng nhu cầu khách du lịch tới địa phương.

Chị Ninh chia sẻ: “Việc Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã giúp các sản phẩm thủ công của cơ sở nâng cao được giá trị, thương hiệu nên số lượng đơn hàng tăng hơn trước khá nhiều. Do vậy, cơ sở cần thêm thành viên, thợ thủ công thì mới có thể đáp ứng. Cũng may mắn, trong nhiều năm qua địa phương thường xuyên quan tâm, tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề nên việc tìm kiếm lao động có tay nghề cũng không mấy khó khăn. Cơ sở ở gần trụ sở UBND xã, người dân tiện qua lại là ghé qua Tổ hợp tác để xem, trao đổi, học hỏi cách làm thổ cẩm nên có nhiều người có năng khiếu, kỹ năng tốt cũng được chúng tôi phát hiện, tuyển dụng, đặt hàng các sản phẩm”.

Cũng theo chị Ninh, phụ nữ dân tộc Mông thường tranh thủ thời gian nhàn rỗi để may vá, thêu thùa sẽ là yếu tố quan trọng để duy trì và phát triển Nghệ thuật vẽ sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông bởi đây là bước tạo hình đầu tiên để thêu. Tổ hợp tác sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề thêu dệt truyền thống, tạo việc làm cho phụ nữ Mông.

Từ ngày 22 – 24/12, tại thị trấn Mù Cang Chải sẽ diễn ra nhiều hoạt động trong chương trình Lễ công bố Quyết định và trao Chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật khèn Mông; Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, Văn Chấn, tỉnh Yên Bái và Khai mạc Festival khèn Mông, Lễ hội hoa tớ dày năm 2023. Chương trình Lễ công bố sẽ diễn ra vào 20h tối mai -23/12 tại Sân vận động trung tâm huyện Mù Cang Chải. Sự kiện sẽ quy tụ đông đảo người dân, du khách đến từ mọi miền đất nước hòa chung niềm vui, niềm tự hào cùng lúc đón 2 Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cùng Fesstival khend Mông và Lễ hội hoa Tớ dày lớn nhất từ trước đến nay. Thiên nhiên cũng chung niềm vui khi hoa tớ dày đã bung sắc thắm đón đợi sự kiện.

Với bản sắc văn hóa lâu đời, con người hồn hậu, mến khách, thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ cùng sự chuẩn bị chu đáo của các cấp, các ngành, các địa phương, sẽ có hàng nghìn người sẽ cùng hòa theo điệu khèn, đắm chìm trong nét hoa văn thổ cẩm, phiêu diêu cùng những rừng hoa tớ dày hồng rực, tạo nên một sắc màu văn hóa độc đáo tại vùng lõi của Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải những ngày cuối năm 2023.

Hoài Văn

 

Đánh giá bài viết

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Liên kết kênh thông tin các tỉnh

Show Buttons
Hide Buttons