Khởi động lại du lịch sau thời gian “đóng băng”, huyện Mù Cang Chải đã tăng cường các hoạt động du lịch, bổ sung sản phẩm du lịch mới, gắn kết du lịch với các giá trị bản sắc trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc Mông nơi đây để thu hút du khách.
Du khách ghi lại những khoảnh khắc đẹp với ruộng bậc thang Mù Cang Chải.
Có thể nói, sức hấp dẫn của du lịch Mù Cang Chải ít nhiều được hình thành từ chính các giá trị lịch sử, nét đẹp truyền thống văn hóa đặc sắc, ẩm thực đặc trưng của đồng bào. Bởi vậy, các hoạt động du lịch trong 9 tuyến du lịch nội huyện, 4 tuyến nội tỉnh, 5 tuyến liên tỉnh đã được hình thành không thể thiếu trải nghiệm tìm hiểu những giá trị văn hóa cộng đồng dân tộc Thái, Mông, khám phá cảnh quan thiên nhiên, văn hóa con người; trải nghiệm thực hành làm các sản phẩm văn hóa, vẽ hoa văn bằng sáp ong, chế tác nhạc cụ, rèn…
Vào thời điểm du lịch, huyện cũng đã tổ chức hàng loạt các hoạt động bản sắc như: chợ phiên vùng cao, các đêm văn nghệ bản sắc, Hội thi Khèn Mông, Hội thi gặt lúa nhanh, cày bừa giỏi, đắp bờ đẹp, thi chọi dê, thi vẽ hoa văn trên vải bằng sáp ong… Tại đây, du khách được xem biểu diễn múa khèn, múa ô, các làn điệu dân ca, dân vũ, được thưởng thức sản vật địa phương như: bánh dày, thịt treo gác bếp, gà đen, lợn bản…
Các phiên chợ vùng cao trưng bày các sản phẩm nông sản, đan lát, thổ cẩm của người dân làm ra và cả các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP đã tạo sự thích thú cho nhiều du khách.
Chị Phạm Linh Phương – du khách đến từ Hải Phòng chia sẻ: “Rất ít sự thương mại hóa, ở Mù Cang Chải có gì đó rất riêng, rất dễ chịu và thoải mái. Ở đây, tôi có thể dễ dàng hòa mình vào cuộc sống của đồng bào, sốc lại tinh thần và thêm yêu cuộc sống. Chính những nét đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần và con người nơi đây giúp tôi cảm nhận sự bình dị vốn có và ấm áp này”.
Gắn kết du lịch với những bản sắc trong đời sống văn hóa, tinh thần và lan tỏa bản sắc đó tới khách du lịch là cách mà Mù Cang Chải đang làm để tạo nét riêng biệt trong phát triển du lịch. Để tạo sự mới lạ, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách, huyện đã đưa vào vận hành, khai thác nhiều điểm du lịch dựa trên thế mạnh của địa phương: khu nghỉ dưỡng ruộng bậc thang La Pán Tẩn; tour du lịch sống lưng khủng long, rừng thông, thác rồng ở xã Dế Xu Phình; rừng trúc ở Mồ Dề, Púng Luông…
Cuối năm nay, lần đầu tiên, huyện Mù Cang Chải tổ chức Lễ hội Hoa tớ dày – loài hoa đặc trưng mang nhiều ý nghĩa với đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Mông nơi đây để thu hút khách du lịch đến huyện vào dịp cuối năm.
Dự kiến, Lễ hội sẽ tổ chức vào ngày 24/12 với nhiều hoạt động như: Chương trình nghệ thuật “Sắc thắm Tớ dày Mù Cang Chải”, triển lãm ảnh nghệ thuật, giải đánh quay người Mông, hành trình săn mây – khám phá hoa tớ dày, thi giã bánh dày và nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn.
Ông Trần Trung Kiên – Phó Trưởng phòng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Mù Cang Chải cho biết: “Phòng đã phối hợp với các tổ hợp tác du lịch, đơn vị lữ hành xây dựng và tổ chức các tour du lịch trải nghiệm, đưa khách đi leo núi, khám phá cảnh quan thiên nhiên, ngắm hoa tớ dày nở rực, ngủ lán trại, săn mây tại các xã trên địa bàn, trọng tâm là đỉnh Lùng Cúng (xã Nậm Có), đèo Khau Phạ (xã Cao Phạ), bản Trống Páo Sang, Trống Tông (xã La Pán Tẩn), bản Háng Gàng (Lao Chải). Ngoài ra, tại một số địa điểm trên địa bàn thị trấn sẽ được trang trí, tạo các điểm cảnh giới thiệu hoa tớ dày với quy mô 200-300 cành, tạo ấn tượng cho du khách”.
Hết tháng 10/2022, huyện Mù Cang Chải đã đón và phục vụ 313 nghìn lượt khách, đạt 149,23% chỉ tiêu giao, doanh thu đạt 242,16 tỷ đồng, đạt 156,23% kế hoạch. Dự ước đến hết năm 2022, huyện sẽ đón và phục vụ 350.000 lượt khách, doanh thu đạt 270 tỷ đồng. Khi gắn kết tốt du lịch với bản sắc, Mù Cang Chải không những sẽ thu hút được khách du lịch đến huyện quanh năm, không phụ thuộc vào mùa lúa như trước đây mà còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
Hoài Anh