Trong tổng số 16 chỉ tiêu của Đề án xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch giai đoạn 2021-2025 đã có 10 chỉ tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt mức.
Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải thu hút lượng lớn du khách hàng năm. |
Ngày 9/10, UBND huyện Mù Cang Chải tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện Đề án xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch giai đoạn 2021-2025.
Huyện Mù Cang Chải xác định thực hiện Đề án sẽ góp phần định hướng chiến lược trong phát triển kinh tế – xã hội của huyện, từng bước giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, bảo tồn, gìn giữ, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch.
Qua 2 năm triển khai, sự tập trung triển khai mạnh mẽ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch đã góp phần phục hồi phát triển du lịch sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Các hoạt động, sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, hấp dẫn đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước, trong đó tập trung vào loại hình du lịch trải nghiệm, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng gắn với tìm hiểu văn hóa bản sắc dân tộc.
Du lịch Mù Cang Chải đã tạo được thương hiệu điểm đến “Xanh – Bản sắc – An toàn – Thân thiện”. Trong tổng số 16 chỉ tiêu của Đề án đã có 10 chỉ tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt mức, cụ thể như chỉ tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và thương mại dịch vụ tăng lên 35%, chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng khách du lịch tăng 131,7%/năm, chỉ tiêu doanh thu từ du lịch tăng gấp 2,7 lần so với năm 2020.
Huyện đã có 10 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh, trong đó có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 8 sản phẩm đạt 3 sao và 4 sản phẩm có gắn tem nhãn truy xuất nguồn gốc đưa lên sàn thương mại điện tử, đạt 175% chỉ tiêu Đề án. Lao động trong lĩnh vực du lịch là 3.242/2.330 người, đạt 139% kế hoạch, vượt mục tiêu cả giai đoạn. Toàn huyện duy trì 110 đội văn nghệ với 1.320 người, đạt 110% mục tiêu Đề án…
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại Hội nghị.
Huyện cũng xác định một số khó khăn trong thực hiện như: Đề án quy mô lớn, các khái niệm quy chuẩn, tiêu chí đánh giá, đo lường của huyện du lịch chưa có trong quy định của Luật Du lịch và các quy định khác; việc triển khai thực hiện Đề án không có cơ chế đặc thù, đặc biệt là việc bố trí, sử dụng đất của huyện có nhiều diện tích nằm trong Di tích quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang và rừng phòng hộ nên việc giải quyết, thu hút đầu tư vào địa bàn gặp nhiều khó khăn.
Tại Hội nghị, đại biểu các sở, ban ngành, các xã, thị trấn đã đóng góp các ý kiến, đưa ra các giải pháp về cách thức vận dụng cơ chế, chính sách, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về du lịch; các giải pháp phát triển sản phẩm du lịch chủ yếu; định hướng phát triển hệ thống cây xanh tạo cảnh quan du lịch xanh, sạch, đẹp; công tác phát triển nguồn nhân lực gắn với việc quảng bá, xúc tiến đầu tư, phát triển thị trường và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân trong thực hiện Đề án.
Năm 2023, huyện Mù Cang Chải phấn đấu đón và phục vụ 300.000 lượt khách, doanh thu ước đạt 300 tỷ đồng. Tỷ trọng khu vực dịch vụ đạt 36%; số buồng, phòng tại cơ sở lưu trú đạt 665 phòng; sản phẩm du lịch hoặc sản phẩm phục vụ du lịch được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh là 6 sản phẩm; xây dựng tuyến phố đi bộ, văn hóa, ẩm thực gắn với hoạt động kinh tế đêm tại trung tâm thị trấn Mù Cang Chải; xây dựng điểm có dịch vụ wifi miễn phí phục vụ du khách; tỷ lệ khu dân cư có đội tự quản về an ninh trật tự hoạt động đạt 100%.
Hoài Văn