Các lễ hội được phục dựng theo hướng bảo lưu các yếu tố tích cực của lễ hội truyền thống kết hợp với một số yếu tố mới để phù hợp với yêu cầu của văn hóa trong giai đoạn hiện nay.
Trò chơi dân gian được tổ chức tại Lễ hội Xo may gắn với Lễ cầu đình Nà Ngàm, xã Mường Lai, huyện Lục Yên.
|
Trên địa bàn huyện Lục Yên hiện có 18 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia, 16 di tích cấp tỉnh; từ đầu năm đến nay, đã có 18 lễ hội được tổ chức.
Để quản lý tốt các lễ hội, bên cạnh ban hành các văn bản tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí và công tác quản lý tổ chức lễ hội, huyện đã tập trung tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về thực hiện tốt nếp sống văn minh trong tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội như: Luật Di sản văn hóa, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Chỉ thị của Ban Bí thư khóa XI về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 20/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội…
Đồng thời chỉ đạo đoàn kiểm tra liên ngành của huyện tiến hành kiểm tra các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa thông tin tại các xã có lễ hội đầu năm 2023, nhất là các hoạt động đánh bạc dưới hình thức vui chơi có thưởng, việc đổi tiền lẻ tại các lễ hội…
Phó Trưởng phòng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Lục Yên, bà Phùng Thị Thu Hương cho biết: “Công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2023 được các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao. Các xã, thị trấn đã bám sát chỉ đạo của huyện chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể; công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2023 được thực hiện đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật”.
Các lễ hội trên địa bàn, do đó, được tổ chức theo đúng kịch bản, đảm bảo an ninh trật tự, cũng như không khí trang nghiêm trong phần lễ, vui tươi lành mạnh trong phần hội. Các lễ hội được phục dựng theo hướng bảo lưu các yếu tố tích cực của lễ hội truyền thống kết hợp với một số yếu tố mới để phù hợp với yêu cầu của văn hóa trong giai đoạn hiện nay.
Đặc biệt, trong phần hội, các trò chơi, trò diễn dân gian được đầu tư khôi phục; các hoạt động thể dục thể thao đã góp phần làm phong phú thêm cho lễ hội, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa, văn nghệ của nhân dân.
Công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông luôn được đảm bảo, không có hiện tượng đánh bạc dưới mọi hình thức, hay mê tín dị đoan, ăn xin, đổi tiền lẻ đã tạo tâm lý an toàn cho du khách thập phương tới tham quan, chiêm bái các khu di tích và lễ hội truyền thống trên địa bàn.
Đồng thời, công tác kiểm tra hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa trong lễ hội đã được tăng cường và chặt chẽ hơn, không xảy ra các hiện tượng tiêu cực, góp phần lành mạnh môi trường văn hóa tại khu vực lễ hội trước, trong và sau thời gian tổ chức. Một trong những lễ hội được đánh giá tổ chức tốt và để lại ấn tượng trong nhân dân và du khách là Lễ hội Xo May gắn với Lễ cầu đình Nà Ngàm, xã Mường Lai.
Tại Lễ hội đã diễn ra các hoạt động phong phú, hấp dẫn như: lễ rước tại đình Nà Ngàm; thi không gian trưng bày, bán các sản phẩm đặc trưng do chính bà con địa phương làm ra; tổ chức các trò chơi dân gian, thi đấu bóng chuyền nam, nữ.
Đặc biệt, tại Lễ hội điệu múa Dậm thuông – một điệu múa truyền thống mang tính chất cộng đồng của người Tày đã được biểu diễn bởi hơn 200 diễn viên quần chúng. Lễ hội đã thu hút hàng nghìn du khách tham gia, tạo không khí vui tươi, phấn khởi mừng Đảng, mừng Xuân mới Quý Mão và thúc đẩy thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị năm 2023 của địa phương; gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Tày xã Mường Lai.
Có sự chỉ đạo của các các cấp ủy, chính quyền; công tác tuyên truyền giới thiệu về ý nghĩa của di tích lịch sử, lễ hội được quan tâm nên các lễ hội trên địa bàn đã góp phần để Lục Yên phát huy các tiềm năng, thế mạnh của văn hóa phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ và đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh, giải trí của nhân dân địa phương và các vùng lân cận; tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo tồn và trùng tu di tích.
Thành Trung