Là huyện có tiềm năng du lịch tâm linh, sinh thái phong phú, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và các điểm di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn được Lục Yên xác định là mục tiêu quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội.
Phụ nữ dân tộc Tày xã Mường Lai lưu giữ, bảo tồn và phát huy nghề thêu, dệt thổ cẩm. |
Lục Yên có 18 dân tộc cùng sinh sống, là miền đất có truyền thống lịch sử lâu dài, văn hoá các dân tộc đa dạng được thể hiện qua các phong tục tập quán, ngôn ngữ, lễ hội, trang phục, ẩm thực và trong sản xuất sinh hoạt hàng ngày. Qua tổng kiểm kê di sản văn hóa, trên địa bàn huyện Lục Yên hiện có 173 di sản văn hóa phi vật thể, 147 di sản văn hoá vật thể; có 18 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 2 di tích lịch sử cấp quốc gia và 16 di tích lịch sử văn hóa, cách mạng cấp tỉnh.
Để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, hằng năm, Lục Yên đã tập trung huy động, quản lý, sử dụng kinh phí, tăng cường sự phối hợp giữa các ngành; kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về di sản văn hóa.
Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, trong giai đoạn từ 2001 đến nay, Lục Yên đã thực hiện hỗ trợ trùng tu, tôn tạo di tích đền Đại Cại, xã Tân Lĩnh; tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử đền Suối Tiên, xã Tô Mậu; trùng tu, sửa chữa cầu chùa Hang São; mở rộng lối đi đình Nà Ngàm; xây mới đình Làng Chã, Làng Hốc, xã An Lạc; xây mới nhà bia tưởng niệm liệt sỹ tại khuôn viên di tích lịch sử cách mạng Cổ Văn từ nguồn kinh phí của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội…
Trong năm 2022, đã phối hợp với Cục Di sản Văn hoá (thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch khảo sát di tích lịch sử khảo cổ học cấp quốc gia Hắc Y để đầu tư nâng cấp khu di tích, gắn với phát triển du lịch xã Tân Lĩnh.
Cùng với bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể cũng được Lục Yên quan tâm. Huyện đã phối hợp với Viện Văn hoá dân gian phục dựng lại Lễ hội Roong Mạ của dân tộc Tày xã Mường Lai; lễ hội lượn Bụt dân tộc Nùng xã Liễu Đô; Lễ cấp Sắc, lễ cầu mùa dân tộc Dao; phối hợp với các nghệ nhân tổ chức các lớp truyền dạy văn nghệ dân gian cho thế hệ trẻ như hát dân ca dân tộc Dao, hát dân ca dân tộc Tày, hát dân ca dân tộc Nùng.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Lục Yên có 9 di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn theo theo chương trình mục tiêu quốc gia là: Hát đón dâu (Quan làng) của người Tày, Tục “kết tồng” (kết phường, kết bạn) của người Tày (xã An Phú); Hát “Pá dung” của người Dao đỏ; lễ đặt tên con của người Nùng An, nghề dệt, nhuộm, thêu hoa văn trên vải của người Dao đỏ (xã Phúc Lợi); Lễ hội Cầu mùa của người Dao đỏ (xã Khai Trung); Nghệ thuật Khắp coọi của người Tày (xã Mường Lai); Nghệ thuật hát đối (cò lảu) của người Nùng (xã Phan Thanh); Đặt tên con người Tày (xã Tân Lập).
UBND huyện đã đề nghị cấp có thẩm quyền lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa “Nghệ thuật trình diễn dân gian “Khắp cọi” của người Tày huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, Lục Yên phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát, lựa chọn những cá nhân đủ tiêu chuẩn đề nghị công nhận, phong tặng nghệ nhân.
Đến nay, toàn huyện có 4 nghệ nhân ưu tú; hỗ trợ 2 nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số mở lớp lưu truyền, phổ biến, truyền dạy văn hoá truyền thống trong cộng đồng với tổng số tiền 44 triệu đồng. thành lập và duy trì hoạt động của 13 đội văn nghệ truyền thống dân tộc Tày, Dao tại các xã có tiềm năng du lịch và thị trấn Yên Thế, mở lớp truyền dạy lĩnh vực văn hóa phi vật thể tại xã Mường Lai; hỗ trợ hoạt động cho đội văn nghệ truyền thống dân tộc Tày, Dao và hỗ trợ trang thiết bị hoạt động cho thiết chế văn hóa, thể thao tại các thôn có phong trào văn hóa văn nghệ phát triển.
Hoạt động bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hoá được cấp uỷ và chính quyền địa phương từ huyện đến cơ sở nhận thức đúng đắn, chỉ đạo sâu sát, vận động tuyên truyền nên đa số nhân dân đã hiểu được về công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản giá trị di sản văn hóa trên địa bàn.
Thành Trung