Du lịch đang dần trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện Lục Yên. Việc quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, trùng tu các đền, chùa, di tích lịch sử, khôi phục lại các lễ hội văn hóa các dân tộc, quảng bá, mở rộng liên kết du lịch với các địa phương lân cận đã giúp cho ngành du lịch của huyện có bước phát triển mới.
Xã Mai Sơn chủ trương trồng cau toàn bộ các tuyến đường liên thôn, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch
Năm 2021, Huyện ủy Lục Yên đã ban hành Nghị quyết số 15 về phát triển du lịch huyện giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết, các xã, thị trấn đã phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để triển khai toàn diện các giải pháp phát triển du lịch.
Điển hình là xã Tô Mậu đã phát huy được tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển du lịch, nhất là du lịch tâm linh. Tô Mậu có đền Suối Tiên Linh Từ hay còn gọi là đền Suối Tiên được người Tày xây dựng cách đây gần 100 năm. Vào ngày 12 tháng Giêng hàng năm, nhân dân lại nô nức tổ chức lễ hội cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Đền Suối Tiên được UBND tỉnh Yên Bái công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.
Ngoài ra, Tô Mậu còn có nhiều hang động, thác nước và những dòng suối mát trong và những ngọn núi cao để phát triển du lịch sinh thái.
Cùng với Tô Mậu, xã Tân Lĩnh là địa phương có lợi thế về phát triển du lịch tâm linh với Khu di tích lịch sử – văn hóa đền Đại Cại; chùa tháp Hắc Y. Xã tập trung phát triển du lịch cộng đồng gắn với văn hóa người Dao đỏ và xã đang xây dựng vùng du lịch cộng đồng tại Bản Ính, trong đó chú trọng khôi phục các trò chơi dân gian truyền thống như nhảy dây, đánh yến của người Dao đỏ…; khuyến khích, thu hút đầu tư xây dựng dự án Khu du lịch mạo hiểm leo núi Vua áo đen, du lịch trải nghiệm Bản Ính; khuyến khích đầu tư khu trưng bày, bán các sản phẩm lưu niệm từ các chất liệu đá bán quý, đá phong thủy, đá trắng…
Cùng với đó, các chính sách thúc đẩy phát triển du lịch, bảo tồn, giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, ứng dụng khoa học công nghệ; quảng bá, xúc tiến và đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển du lịch được quan tâm thực hiện và đưa vào nhiệm vụ trọng tâm của xã.
Du lịch trải nghiệm văn hóa các dân tộc là lợi thế của các xã vùng cao Lục Yên. Xã Khánh Thiện đã xây dựng hình thành các điểm du lịch cộng đồng; du lịch trải nghiệm và khám phá; du lịch văn hoá tâm linh. Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, Khánh Thiện tập trung thành lập ở mỗi thôn một đội văn nghệ, thể thao, phục hồi Lễ hội Cắc Kéng.
Tại lễ hội nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức như: thi giã cốm; thi trưng bày gian hàng các sản phẩm ẩm thực, trang phục, đạo cụ, vật thiết yếu mang tính truyền thống của địa phương; tổ chức các trò chơi dân gian: đánh quay, đánh yến, bịt mắt bắt vịt; bóng chuyền da, bóng chuyền hơi…; tổ chức đêm giao lưu văn nghệ với các tiết mục do các thôn trên địa bàn xã biểu diễn.
Thông qua phục hồi Lễ hội Cắc Kéng, Khánh Thiện từng bước đẩy mạnh hoạt động quảng bá các sản phẩm đặc sản địa phương như: lúa nếp cái Lào Mu, cốm Lào Mu, vịt bầu, dệt thổ cẩm, qua đó thu hút khách du lịch đến với địa phương.
Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 15 về phát triển du lịch huyện giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, sản phẩm du lịch của Lục Yên ngày càng đa dạng, hoạt động du lịch gắn với sự kiện, lễ hội được tổ chức chuyên nghiệp và chất lượng, góp phần gìn giữ và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống và tạo được ấn tượng tốt đẹp với du khách.
Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được tăng cường. Tổng số lượt khách đến địa bàn huyện năm 2021 đạt 48.650 lượt khách, trong đó khách quốc tế 265 lượt, doanh thu trên 29 tỷ đồng. Trong 9 tháng năm 2022, tổng lượt khách du lịch đến địa bàn huyện đạt 76.150 lượt khách, bằng 84,6% chỉ tiêu nghị quyết, tăng 83,1% so với cùng kỳ năm 2021; doanh thu ước đạt 54,1 tỷ đồng, bằng 85,9% kế hoạch, tăng 74,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Du lịch Lục Yên đang dần trở thành ngành kinh tế quan trọng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho khoảng 300 lao động, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.
Nguồn : baoyenbai.com.vn