Lục Yên bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống

Lục Yên là vùng đất hội tụ nhiều dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có những nét riêng trong văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán, đời sống tín ngưỡng hay sinh hoạt hàng ngày. Trải qua nhiều thế hệ, cộng đồng các dân tộc trên mảnh đất này đã cùng vun đắp nên nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp, trong đó phải kể những phong tục, lễ hội đặc sắc như: Lễ Cầu mùa, Lễ Cấp sắc; Lễ hội Cắc Kéng, tục “Pây tái”…1 8

Lễ hội Cắc Kéng của người Tày xã Khánh Thiện, huyện Lục Yên.
Trong đời sống văn hóa của người dân Tày, Nùng ở Lục Yên có nhiều phong tục và lễ, tết mang bản sắc riêng. Một năm, người Tày, Nùng có 2 ngày thực hiện tục “Pây tái” (về thăm nhà ngoại) vào ngày mùng 2 tết Nguyên đán và ngày Rằm tháng 7.
Đây là bổn phận của những người phụ nữ Tày, Nùng sau khi đi lấy chồng; cũng là dịp để chàng rể thể hiện tấm lòng biết ơn cha mẹ vợ đã có công sinh thành nuôi dưỡng, chăm sóc con gái đến khi trưởng thành để mình được kết duyên thành vợ chồng.
Ông Hoàng Khí Phách – Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Thượng cho biết: “Nhằm gìn giữ và phát huy những giá trị đặc sắc trong phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng người Tày, Nùng, năm 2022, lần đầu tiên xã Lâm Thượng tổ chức “Ngày hội Pây Tái” thu hút không chỉ người dân trong xã, trong huyện mà cả du khách nước ngoài thăm quan, trải nghiệm”.
Được biết, năm 2022 – năm đầu tiên xã Khánh Thiện tổ chức phục dựng lại Lễ hội Cắc Kéng (Lễ hội Cốm). Với ý niệm mừng một vụ tốt tươi, lương thực đầy đủ, nhà nhà ấm no, lễ hội thể hiện nét bản sắc văn hóa riêng có được lưu giữ qua bao đời của người dân Mường Chun, Khánh Thiện.
Ông Triệu Đức Chính – Bí thư Đảng ủy xã Khánh Thiện cho biết: “Việc phục dựng Lễ hội Cắc Kéng cũng là dịp để mọi người trong và ngoài huyện đến thăm quan trải nghiệm tại vùng đất Khánh Thiện, nơi có trên 80% là đồng bào Tày còn giữ được nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp cùng nét sinh hoạt mang đậm truyền thống”.
Trên mảnh đất Lục Yên, người Dao Lục Yên sống tập trung ở các xã: Tân Phượng, Tân Lập, Phúc Lợi, Khai Trung, Tân Lĩnh… và được được chia thành hai nhóm: Dao quần trắng và Dao đỏ. Nhiều phong tục, lễ hội truyền thống vẫn được cộng đồng người Dao duy trì và phát huy.
Tại xã Khai Trung, Lễ Cầu mùa của người Dao đỏ là một trong những lễ hội có truyền thống lâu đời nhưng bị mai một theo thời gian, nay đã được khôi phục.
Ông Hoàng Văn Câu – Chủ tịch UBND xã Khai Trung cho biết: “Theo phong tục, Lễ Cầu mùa được tổ chức gồm 2 nội dung, phần lễ và phần hội. Ở phần lễ, mỗi gia đình sẽ cùng nhau đóng góp đồ lễ như gà, thịt lợn, rượu trắng, gạo…, tất cả đều phải do tự tay các hộ trồng được, nuôi được, sau đó cùng tập trung về một hộ gia đình có uy tín trong cộng đồng để tổ chức. Lễ Cầu mùa được tổ chức thường niên phù hợp với truyền thống văn hóa của địa phương, giữ gìn bản sắc văn hóa theo hướng văn minh, lành mạnh, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu tâm linh và giải trí của nhân dân”.
Cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, những năm qua, huyện Lục Yên luôn quan tâm gìn giữ, phát huy những phong tục tập quán, những nét đẹp trong văn hóa của cộng đồng mỗi dân tộc.
Nhiều lễ hội, chương trình mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống ở các xã đã được phục dựng như: Lễ hội Cầu Mùa, tục Nhảy lửa, Lễ Cấp sắc của người Dao, Lễ hội Cắc Kéng, tục Pay Tái của người Tày, Nùng…
Qua đó, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo ấn tượng tốt đẹp thu hút khách du lịch, đặc biệt là thực hiện tốt Nghị quyết số 15 của Huyện ủy Lục Yên về phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, phát triển du lịch văn hóa, du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị và bản săc văn hóa dân tộc…, xây dựng Lục Yên phát triển “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”; phấn đấu đến năm 2025 cơ bản trở thành huyện nông thôn mới.
Anh Dũng
Đánh giá bài viết

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Liên kết kênh thông tin các tỉnh

Show Buttons
Hide Buttons