Phong tục tập quán của dân tộc Thái nói chung và người Thái vùng Mường Lò nói riêng rất độc đáo. Đối với người Thái vùng Mường Lò, trong chu kỳ đời người đều trải qua nhiều nghi lễ cúng với mong muốn được bình an, khỏe mạnh; họ quan niệm rằng, hồn và vía luôn ở cùng người cho tới lúc chết, hồn vía của mỗi người thường có những biểu hiện trạng thái khác nhau như lúc vía sợ sệt mà bỏ đi, thất lạc khỏi người, lúc vía vui làm cho người ta khỏe mạnh, khi vía buồn làm cho người ta mệt mỏi ốm đau.
Chính từ quan niệm như vậy, nên khi trong gia đình có một người ốm đau, bệnh tật có thể rất nặng, hay chỉ là những bệnh thông thường, hoặc những trẻ nhỏ hay ốm đau, khóc lóc, khó nuôi, không phân biệt là ở người già hay trẻ nhỏ, đồng bào đều cho rằng vía của người đó vì lý do nào đó đã bỏ người đi mất, hoặc bị lạc ở đâu đó không về với chủ làm cho người đó bị ốm đau, bệnh tật. Họ cho rằng: mời thầy mo về cúng, làm thuốc thì người đó sẽ khỏi ốm. Những gia đình được thầy mo cúng chữa cho khỏi bệnh thì cứ vào dịp đầu xuân, khi gia đìnhthầy mo tổ chức dâng lễ vật cảm tạ lên tổ tiên, thần sông, thần núi thì cũng là lúc các con nuôi, các gia đình đã được thầy cúng chữa cho khỏi bệnh mang lễ vật đến cảm tạ thầy mo. Nghi lễ này được ngườiThái gọi là lễ “Xên lẩu nó” với hàm ý thầy cúng thì cảm tạ tổ tiên, các gia đình thì cảm tạ thầy cúng đã giúp gia đình mạnh khỏe, bình an.
Lễ “Xên lẩu nó” là nghi lễ truyền thống độc đáo của người Thái, mà bản chất nhằm tri ân công đức những thầy cúng đã chữa khỏi bệnh cho mọi người, đặc biệt là những người từng bị bệnh nặng đã khỏi, được coi là những con đẻ – “lụ hỏi” và những người bệnh nhẹ đã chữa khỏi được coi là con nuôi – “lụ liệng”, gửi áo hồn chủ thờ cúng tại nhà thầy mo. Đồng thời, đây cũng là ngày hội lớn của cộng đồng, thu hút được mọi đối tượng tham gia, bởi ý thức tôn trọng truyền thống văn hóa của dân tộc, mọi người được gặp gỡ chan hòa cùng người thân, bạn bè, mừng cho nhau tai qua nạn khỏi và tham gia những điệu xòe then trên những nếp nhà sàn truyền thống.
Sau những tháng mùa đông buốt giá, khi mùa xuân đến cây cối đâm chồi nảy lộc, hoa ban nở trắng rừng, búp măng đắng bắt đầu nhú, vạn vật rạo rực sinh sôi sau mùa đông buốt giá, các “lụ hỏi” và các “lụ liệng” đem lễ vật đến nhà thầy mo tạ ơn tái sinh. Các con nuôi sau khi mang lễ vật đến nhà thầy mo, chia nhau ra mỗi gia đình một chỗ, tự mổ gà, vo gạo đồ xôi để chuẩn bị cho mâm lễ dâng lên cảm tạ thầy mo và các thần thánh đã chữa khỏi bệnh. Lễ vật được chuẩn bị tùy theo người đã từng có bệnh nặng hay nhẹ mà lễ vật là lợn hay gà, ngoài ra còn có khăn piêu, rượu, hương, nến, rau rừng xôi tổng hợp, hoa ban, hoa mạ, các cô gái còn dùng hoa ban gài lên tóc, đặc biệt không thể thiếu măng rừng (măng vầu – “nó pao”, măng sặt – “nó pặt”, măng giềng – “nó khá”) tượng trưng cho sự hồi sinh, mạnh khỏe sau khi được chữa khỏi bệnh. Những người từng bị bệnh nặng còn đem theo một cây báng để cả ngọn cho vào sọt dựng ở bên cạnh bàn thờ tượng trưng cho lễ vật là con trâu đen – còn gọi là “co quái xiên”, cây chuối non cả gốc tượng trưng cho trâu trắng – “co quái lón”, (những cây này còn gọi là “co quái tao”), trên “co quái tao” treo quả còn tượng trưng cho rồng còn – “luông còn” trong truyền thuyết. Với người Thái Tây Bắc rồng là con vật đẹp nhất, là biểu tượng của những gì tốt đẹp nhất, tua còn như tám tia nắng, chín tia mưa, mang theo những hạt giống như lúa, ngô, bông… chờ gieo xuống sinh sôi nẩy nở, tốt tươi.
Thầy mo cúng cho từng người một ngụ ý tỏ lòng biết ơn với đấng siêu nhiên, sau đó mỗi người đều được thầy mo cho ba lát gừng được sâu bằng chỉ đen đeo vào cổ làm bùa, người bệnh nhẹ buộc vào cổ tay, mọi người đều để cho đến khi tự rơi mới đem cất vào nơi để “Tạy ho”, tức nơi giữ hồn vía của mỗi người, bùa này nếu càng lâu rơi càng được coi là điềm tốt, nên ai cũng chú trọng giữ gìn.
Phần lễ và phần hội của “xên lẩu nó” có sự đan xen với nhau, sau khi hoàn thành một phần lễ mọi người cùng nhau nhẩy múa xòe then, lúc này 6 nữ giới được chọn từ trước sẽ lên xòe then theo nhịp trống và nhịp rung quả nhạc, có lúc các thần cùng xuống tham gia xòe then bằng cách nhập vào các con nuôi hoặc thầy cúng. Đây là hình thức múa dân gian mang tính tượng trưng, thể hiện sự sinh sôi nảy nở, cầu mong mùa màng tươi tốt. Đến khi vui chơi thỏa thích, thầy mo lại tiếp tục nghi lễ lần lượt gọi tên các con nuôi lên dâng lễ tạ ơn, cứ thế lần lượt cho đến hết. Nhiều thầy mo đông con nuôi, buổi lễ có thể kéo dài đến ngày hôm sau. Các con nuôi được chữa khỏi bệnh đều gửi áo đã mặc, tức là áo mang con vía của mình treo ở bàn thờ thầy mo ngay từ khi đặt niềm tin vào tài năng và đức độ của thầy mo, để được thường xuyên cầu cúng mong cho khỏe mạnh, bệnh tật tiêu tán. Đến khi người bệnh hoặc chính thầy mo qua đời, người bệnh hoặc người nhà phải đem lễ vật đến xin về. Sau buổi lễ kết thúc, mọi người lại trở về cuộc sống đời thường, tiếp tục lao động sản xuất và tự nhủ sẽ hẹn gặp nhau trong lễ xên lẩu nó lần tới.
Lễ “Xên lẩu nó” có từ xa xưa, được nhân dân đúc kết, truyền từ đời này sang đời khác có giá trị to lớn trong đời sống tinh thần của người Thái. Ngày nay, khi hệ thống y học mở rộng, trình độ dân trí được nâng lên, khi đau ốm người dân đều có cơ sở y tế để khám chữa bệnh, nhưng lễ “Xên lẩu nó” vẫn được duy trì và trở thành nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Trần Chiến