Lễ hội Gầu Tào (Tsang Hâur Tox) của đồng bào Mông huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái sẽ chính thức khai mạc vào ngày 18/2/2024 (tức mùng 9 tháng Giêng Giáp Thìn) tại Sân vận động huyện. Đây là sự kiện văn hóa quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Mông, đồng thời thúc đẩy du lịch địa phương.
Tiết mục văn nghệ tại Lễ hội Gầu Tào huyện Trạm Tấu. |
Với mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, huyện Trạm Tấu đang nỗ lực phát huy tiềm năng, lợi thế, từng bước đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cùng với duy trì các lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào Mông để thu hút du khách, trong đó có Lễ hội Gầu Tào được tổ chức mỗi dịp đầu xuân mới. Huyện Trạm Tấu mong muốn Lễ hội Gầu Tào sẽ trở thành sự kiện thường niên, là sản phẩm du lịch ngày càng khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc Mông của địa phương, tiến tới xây dựng để được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cùng với nghệ thuật Khèn Mông và vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải đã được công nhận vào tháng 12/2023.
Gầu Tào là lễ hội truyền thống của người Mông và được cộng đồng dân tộc Mông huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái gìn giữ, duy trì đến ngày nay. Theo quan niệm, đây là dịp để đồng bào cầu cảm tạ thần linh, xin trời đất ban cho con cái, sức khỏe, may mắn để làm ăn và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt…
Đây là hoạt động nhằm bảo tồn và phục dựng các giá trị di sản văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc Mông tại huyện Trạm Tấu, đồng thời thông qua việc tổ chức lễ hội để người dân có thêm nhận thức đúng đắn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc nói chung và đồng bào dân tộc Mông nói riêng.
Đây cũng là dịp nhằm tăng cường tình đoàn kết, tình yêu quê hương, đất nước và lòng tự hào dân tộc; các cấp chính quyền cơ sở, dòng họ, nhân dân bày tỏ tình cảm, giao lưu, học hỏi và cam kết thực hiện những việc tốt, cầu một năm mới an khang, thịnh vượng.
Trong Lễ hội, cây nêu là biểu tượng chính, là “phần hồn” của sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống. Lễ hội gồm 2 phần chính là phần lễ và phần hội.
Phần lễ bắt đầu bằng việc chuẩn bị lễ vật cúng thần gồm cây nêu, gà trống, giấy gió… để tạ ơn trời đất, thần linh, thổ địa đã phù hộ độ trì cho dân bản cuộc sống ấm no, mùa màng bội thu, ngô lúa đầy nhà… Đây cũng là dịp để mọi người gặp gỡ giao lưu, vui chơi, hát các điệu hát giao duyên và cùng nhau múa khèn, mời nhau uống chén rượu đầu xuân…
Sau phần lễ là phần hội sẽ diễn ra đồng thời các trò chơi truyền thống như: lảy pao, đánh cầu lông gà, hát giao duyên, thi múa khèn và thi đấu các môn thể thao dân tộc như đánh quay, đẩy gậy, kéo co và giã bánh dày…
Thường diễn ra vào dịp hết năm cũ sang đầu năm mới với quan niệm tiếp nối của sự sinh sôi, nảy nở, Lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông huyện Trạm Tấu năm 2024 sẽ là điểm đến du xuân hấp dẫn mọi du khách, là sự kiện văn hóa độc đáo, thiết thực góp phần bảo tồn, phục dựng các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông, tăng cường tinh thần đoàn kết, tình yêu quê hương, đất nước và lòng tự hào dân tộc, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch “Trạm Tấu ấm áp suối nguồn, bát ngát biển mây”.
Được biết, theo kế hoạch ban đầu, Lễ hội Gầu Tào sẽ tổ chức vào ngày 7/1/2024 song vì một số lý do khách quan nên địa phương đã quyết định lùi thời gian tổ chức sang ngày 18/2.
Hoài Văn