Nếu một lần đến với Thác Bà, du khách sẽ bị cuốn hút thật sự bởi vẻ đẹp đến nao lòng của một “vịnh Hạ Long trên núi”. Nước xanh thăm thẳm, trời xanh vời vợi và ngút ngàn màu xanh cây rừng là gam màu chủ đạo của Thác Bà – Yên Bái. Thiên nhiên thật quá trong lành với những hòn đảo nhấp nhô như bồng bềnh trên mặt nước.
Khách du lịch tham quan hồ Thác Bà. |
Những năm qua, tiềm năng du lịch hồ Thác Bà đã được khai thác, nhiều hộ dân, doanh nghiệp đã đóng tàu vận chuyển khách tham quan; ngày lễ, ngày nghỉ, đặc biệt là dịp hè, tàu thuyền đưa du khách thập phương du ngoạn hồ Thác, ghé động Thủy Tiên, tham quan Nhà máy Thủy điện Thác Bà – đứa con đầu đàn của ngành Thủy điện Việt Nam… Đã có những nhà đầu tư lên đảo trồng hoa, xây dựng nhà hàng để phục vụ khách. Đặc biệt, tại khu vực các xã vùng hạ huyện Yên Bình đã xuất hiện những mô hình du lịch trải nghiệm, tham quan, khám phá tại các làng văn hóa người Tày, người Dao…
Thống kê cho thấy, chỉ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, Thác Bà đã đón hàng vạn du khách. Không chỉ du khách quốc tế, khách du lịch đến từ các tỉnh, thành, giờ đây chính nhiều người Yên Bái đã chọn Thác Bà làm điểm tham quan, nghỉ ngơi, nhiều nhất là các buổi sinh hoạt tập thể, hội họp, gặp gỡ bạn bè đồng hương, đồng nghiệp, đồng học… Thác Bà đã trở thành “điểm hẹn”, điểm tham quan, nhưng thẳng thắn đánh giá, chúng ta vẫn chưa khai thác hết được tiềm năng, thế mạnh của hồ Thác; nói cách khác, chúng ta chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của một kỳ quan trên núi. Vậy đâu là nguyên nhân?
Ông Phạm Anh Vũ – VOV Văn phòng thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Sau bao nhiêu năm, Thác Bà vẫn chưa có một nhà đầu tư lớn. Để vùng hồ này trở thành điểm đến tầm quốc tế, nhất thiết phải có một nhà đầu tư mang tầm cỡ quốc tế như Vingroup, Sungroup – họ có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm, có thương hiệu nên sẽ lập tức tạo ra sức hút, cộng với vẻ đẹp vốn có của vùng hồ sẽ tạo ra sự cộng hưởng, Thác Bà sẽ hấp dẫn, sẽ nổi tiếng!”.
Ông Nguyễn Văn Lưu, người dân thị trấn Yên Bình cho biết: “Tôi sống ở vùng hồ Thác Bà này đã mấy chục năm, tôi cũng đã đến nhiều hồ nước ngọt tại các tỉnh bạn như hồ Núi Cốc, Đại Lải, Xuân Hương…, tôi chắc chắn ở Việt Nam, không hồ nào đẹp bằng hồ Thác Bà. Để hồ Thác Bà thực sự là điểm đến, chúng ta cần giảm bớt chức năng phát điện. Điều tôi muốn nói ở đây là cố gắng giảm bớt biên độ cốt nước, hiện nay mức chênh giữa mùa cạn và mùa khô lên tới gần 20 m, khi hồ ở mực nước chết, vẻ đẹp của hồ gần như đã giảm hẳn.Từ tháng 5 đến tháng 8 là mùa du lịch, cũng là thời điểm nước hồ cạn nhất, những hòn đảo trơ trọi, vẻ bồng bềnh, quyến rũ đã không còn”.
Bà Nguyễn Thị Hà, một cư dân trên hồ Thác Bà mong muốn: “Tỉnh Yên Bái cần tạo điều kiện cho người dân phát triển thương mại – dịch vụ. Cụ thể là, rất nhiều người muốn mở nhà hàng, nhà nghỉ trên các đảo nhưng vướng các thủ tục về đất (các đảo chủ yếu là đất trồng cây lâm nghiệp); đặc biệt, nhiều hòn đảo đã nằm trong quy hoạch, nhiều nhà đầu tư chỉ muốn đăng ký để nhận phần mà không đầu tư gì, trong khi người dân muốn làm cũng không thể làm được vì vướng… quy hoạch.
Giải pháp ở đây rất giản đơn, chính quyền cho phép người dân được kinh doanh thương mại – dịch vụ, tuy nhiên nghiêm cấm việc san tạo để bảo vệ cảnh quan môi trường; cấm xây nhà kiên cố; yêu cầu các hộ dân cam kết không đòi hỏi bồi thường vật kiến trúc khi Nhà nước giải phóng mặt bằng. Chỉ cần vậy là tỉnh đã tháo gỡ cho dân và doanh nghiệp, tháo “dây trói” mang tên “quy hoạch”.
Tạo điều kiện cho dân để dân có việc làm, có thu nhập, tiêu thụ được nông sản, Nhà nước vẫn thu được thuế, tiềm năng du lịch được khai thác… thực tiễn đã quá lãng phí cả về tiềm năng, tiền bạc, cơ hội phát triển bởi các quy hoạch rồi! ” – bà Hà kiến nghị.
Bằng góc nhìn đơn giản, ông Nguyễn Xuân Quang ở phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái cho rằng: “Cần ngăn chặn triệt để tình trạng hủy diệt nguồn lợi thủy sản bằng vật liệu nổ, bằng vó điện, nhất là bằng kích điện. Với tình trạng đánh bắt tận diệt như hiện nay không chỉ hủy hoại nguồn lợi thủy sản mà còn gây phản cảm cho du khách. Hãy hình dung, khi những phương pháp đánh bắt tận diện như đã nói ở trên chấm dứt, lượng tôm cá phát triển mạnh, môi trường được bảo vệ… đã tạo nên một sức hấp dẫn lớn; chưa kể, văn hóa ẩm thực (các món ăn chế biến từ cá) và các hình thức du lịch trải nghiệm đánh bắt cá trên hồ cũng rất hấp dẫn du khách thập phương” – ông Quang bộc bạch.
Người dân đã đưa ra ý kiến kiến nghị của mình đối với Nhà nước và chính quyền, đó chắc chắn là những ý kiến xuất phát từ thực tiễn và hết sức tâm huyết. Vẫn biết, không phải kiến nghị nào, ý kiến nào cũng đúng 100%; việc xem xét, giải quyết cũng không phải dễ dàng và nhanh chóng, nhưng cũng rất đáng để các nhà quản lý, nhà nghiên cứu để tâm, tất cả vì mục tiêu phát triển.
Lê Phiên