Những ngày này, về với miền đất Ngọc – Lục Yên, điều mà ai ai cũng cảm nhận được là bầu không khí nhộn nhịp, vui tươi, hối hả của mọi người dân cũng như cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện chuẩn bị Chương trình du lịch “Về miền đất Ngọc” lần thứ IV, năm 2023, mà nổi bật, dấu ấn, đặc sắc với các hoạt động “Không gian chợ quê đất Ngọc” được tổ chức từ ngày 1-3/12.
Người dân thị trấn Yên Thế trang hoàng chuẩn bị cho Chương trình du lịch “Về miền đất Ngọc” |
Đến với “Không gian chợ quê đất Ngọc” năm nay, xã Phúc Lợi có chủ đề: “Nét đẹp người Dao Phúc Lợi, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập và phát triển” với một gian hàng nhiều sản vật địa phương như: bánh chưng, bánh chuối, bánh gai, bánh tò te, bánh mỏ vịt, cơm lam, cam, ổi, rau mỏ, lá khôi tía, khăn thêu, vải, dây dao, nón lá, gùi, cơi đựng trầu…; đặc biệt là trích đoạn trong văn hóa Lễ cấp sắc, cầu mùa, cầu an…của đồng bào dân tộc Dao.
Chủ tịch UBND xã Phúc Lợi Hoàng Quốc Việt cho biết: “Để chuẩn bị tốt cho “Không gian chợ quê đất Ngọc”, ngay sau khi nhận được kế hoạch của UBND huyện về Chương trình du lịch “Về miền đất Ngọc” lần thứ IV, năm 2023, UBDN xã đã tổ chức các hội nghị để phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức đoàn thể, chính trị chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án tổ chức một gian hàng đặc sắc với các sản phẩm đặc thù của địa phương, nhất là giới thiệu, quảng bá nét độc đáo về văn hóa người Dao đến với du khách trong và ngoài tỉnh. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho Không gian chợ quê đất Ngọc của chúng tôi hoàn tất và chờ ngày khai hội”.
Với thị trấn Yên Thế, những ngày qua, ban ngày đội ngũ cán bộ công chức, viên chức thực hiện tốt nhiệm vụ nơi công sở thì tối đến từ lãnh đạo cho đến cán bộ, nhân viên đều đến từng hộ dân để sưu tầm các vật dụng để tái hiện không xưa (từ năm 1980 trở về trước). Hoạt động đã được người dân trên địa bàn nhiệt liệt hưởng ứng.
Cán bộ thị trấn Yên Thế sưu tầm các vật dụng để tái hiện không xưa
“Gia đình tôi rất vui khi có một số vật dụng từ những năm trước 1980 như: đồng hồ, xe đạp, ti vi giúp cho thị trấn phối cảnh, trưng bày trong “Không gian xưa” tại “Không gian chợ quê đất Ngọc”, ông Nguyễn Văn Bằng ở thị trấn Yên Thế chia sẻ.
Ông Tăng Kết Dư – Chủ tịch UBND thị trấn Yên Thế cho biết: “Nhằm tạo sự hấp dẫn, dấu ấn riêng biệt mà thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa, nét đặc trưng của sản phẩm du lịch riêng của thị trấn, trong thời gian qua, chúng tôi chỉ đạo Hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội nông dân và cán bộ các đơn vị có liên quan vận động nhân dân sưu tầm các vật dụng xưa như: xe đạp, đồng hồ, quạt điện, ti vi, cày bừa, gáo mức nước, khung cửi dệt vải, cối đá, cày gỗ, xe trâu, mâm bằng gỗ, đèn dầu….Từ đó, khi du khách và người dân được tay sờ, mắt thấy vào các vật dụng xưa sẽ làm cho mọi kỷ niệm ùa về trong ký ức xưa; qua đó nhằm bảo tồn, khai thác nhằm lưu giữ những giá trị vốn có đã được gìn giữ lâu nay”.
Khác với những địa phương khác trong huyện, đến với “Không gian chợ quê đất Ngọc” năm 2023, xã Minh Xuân mang đến một gian hàng chợ quê gồm các nhóm sản phẩm đặc trưng của địa phương từ nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và thủ công mỹ nghệ, sản phẩm đan lát, dệt thổ cẩm do chính người dân trên bàn xã sản xuất.
“Ngoài việc khám phá, sử dụng các sản phẩm đặc trưng về nông nghiệp, nông thôn cũng như bản sắc văn hóa thì chắc chắn rằng, du khách sẽ có nhiều điều trải nhiệm thú vị khi đến với gian hàng của chúng tôi. Đó là trải nghiệm quá trình dệt, may và hoàn thiện 1 bộ trang phục dân tộc Tày Minh Xuân, rồi được khoác lên mình bộ trang phục đó, check in lưu lại những hình ảnh đẹp”, chị Nguyễn Thị Hà – Phó chủ tịch UBND xã Minh Xuân bật mí.
Hoạt động “Không gian chợ quê đất Ngọc” nằm trong Chương trình du lịch “Về miền đất Ngọc” huyện Lục Yên lần thứ IV, năm 2023 được tổ chức trên tuyến đường khu vực bờ hồ, thị trấn Yên Thế từ ngày 1-3/12/2023.
Đến với “Không gian chợ quê đất Ngọc” năm nay, 100% xã trên địa bàn huyện tham gia, trưng bày, giới thiệu 4 nhóm sản phẩm chính như: các loại bánh (bánh trưng, bánh chuối, bánh gai, bánh tò te, bánh mọc vịt, bánh tẻ, bánh lẳng, bánh sắn, bánh cốm, cơm lam…); các sản phẩm đặc trưng vùng quê (các loại quả như cam, quýt, bưởi, ổi, thanh long, chuối, rau rớn, rau mỏ, bắp bi chuối, măng mai, khoai, hành, tỏi, cây và lá khôi tía, gạo, lạc, cốm, trứng, thịt mắm, cá khô, vịt bầu, gà thiến…); các sản phẩm thêu, dệt, đan thổ cẩm (trang phục dân tộc Dao, Tày, Nùng, khăn thêu, vải, mũ dệt thổ cẩm, dây dao, chài, trang phục cô dâu…) và nhóm các vật dụng truyền thống của địa phương gắn nét sinh hoạt truyền thống của các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao (nón lá, giỏ, xoỏng, gùi, ớp, làn mây, làn tre, cơi đựng trầu, rế nồi, mâm gỗ, ngà, ngọc, rổ, sọt, giỏ dâu tằm, đúm vịt, nỏ…).
Bí thư Huyện ủy Lục Yên Hoàng Hữu Độ khẳng định: “Thông qua các hoạt động trải nghiệm, giới thiệu văn hóa các dân tộc tại “Không gian chợ quê đất Ngọc” năm 2023 là dịp để tuyên truyền, nâng cao ý thức cho nhân dân giữ gìn, phát huy những nét đẹp truyền thống, những phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn huyện. Đồng thời, tuyên truyền ý thức xây dựng, giữ gìn, bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi nilon, thay thế bằng các vật dụng thân thiện với môi trường gắn nét văn hóa truyền thống vốn có của con người Lục Yên. Hơn nữa, tạo sân chơi lành mạnh, thắm tình đoàn kết, vui tươi, phấn khởi cho nhân dân các dân tộc trong toàn huyện. Xây dựng hình ảnh con người Lục Yên “Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đảng bộ huyện Lục Yên lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra”.
Văn Tuấn