Khởi sắc du lịch Suối Giàng

“Khách đến đây, vợ chồng tôi cho thuê trang phục dân tộc, tự tay pha trà mời khách, giới thiệu những hình ảnh đẹp, những nét đặc trưng văn hóa, cuộc sống của đồng bào Mông” – anh Vàng A Hồng kể. Đó là một trong những sự hấp dẫn du khách đến quê hương cây chè Shan tuyết hàng trăm năm tuổi Suối Giàng.sd

Du khách chụp ảnh lưu niệm bên cây chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng.
 Làxã vùng cao của huyện Văn Chấn, Suối Giàng được thiên nhiên ban tặng khí hậu ôn hòa quanh năm, cảnh quan núi rừng nguyên sơ. Nơi đây chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống, đặc biệt có vùng chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi, nên thuận lợi cho phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, sinh thái và nghỉ dưỡng.
Nắm bắt tiềm năng, thế mạnh đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Suối Giàng đã năng động, sáng tạo, đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế, trọng tâm là phát triển du lịch sinh thái (DLST), nghỉ dưỡng để thay đổi cuộc sống cho đồng bào.
Trước đây, đời sống của gia đình anh Vàng A Chông ở thôn Bản Mới còn nhiều chật vật, nhưng 2 năm trở lại đây, nhờ đổi mới tư duy phát triển kinh tế, mà trọng tâm là phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng nên cuộc sống của gia đình anh có nhiều đổi thay.
Anh Chông bày tỏ: “Là người bản địa, tôi thấy ở đây khí hậu mát mẻ quanh năm, có vùng chè Shan tuyết cổ thụ; lượng du khách đến đây thăm quan ngày càng nhiều nhưng chỗ ăn, nghỉ còn thiếu. Vì vậy, tôi mạnh dạn vay mượn vốn đầu tư xây dựng mô hình du lịch homestay gắn với quảng bá sản phẩm chè Shan tuyết. Hiện nay, gia đình có 15 phòng khép kín, 3 gian ngủ cộng đồng đáp ứng đón tiếp được 40 – 60 người/ngày”.
Cũng như anh Chông, giờ đây đời sống của vợ chồng anh Vàng A Hồng ở thôn Pang Cáng rất sung túc, hạnh phúc. “Từ khi có nhiều du khách đến với Suối Giàng, vợ chồng tôi bàn nhau và quyết định đầu tư mô hình du lịch homestay. Khách đến đây, vợ chồng tôi cho thuê trang phục dân tộc, tự tay pha trà mời khách, giới thiệu những hình ảnh đẹp, những nét đặc trưng văn hóa, cuộc sống của đồng bào Mông. Tôi thấy việc làm này rất ý nghĩa vì vừa có thu nhập lại giới thiệu và quảng bá cho bạn bè biết đến quê mình nhiều hơn” – anh Hồng chia sẻ.
Xã Suối Giàng nằm ở độ cao 1.800 m so với mực nước biển, toàn xã có gần 4.000 nhân khẩu. Ngoài canh tác ruộng bậc thang, nương rẫy, đồng bào còn sở hữu hơn 600 ha chè với sản lượng chè búp tươi đạt hơn 600 tấn/năm và cho thu nhập khoảng trên 15 tỷ đồng.
Ông Lường Văn Tâm – Chủ tịch UBND xã cho biết: xác định phát triển DLST, nghỉ dưỡng là khâu đột phá, trọng tâm, thời gian qua, xã chỉ đạo người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm; đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp.
Cùng đó, được sự quan tâm của các cấp, xã Suối Giàng được đầu tư nhiều hạng mục công trình, dự án: dự án bảo tồn Làng Văn hóa du lịch Pang Cáng; đường đi bộ tham quan vườn chè cổ thụ, công trình hồ Suối Giàng và hệ thống giao thông kết nối tuyến Sơn Thịnh – Suối Giàng; tuyến Suối Giàng – Phù Nham… Qua đó, mở ra nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi để địa phương tập trung thu hút các nhà đầu tư và người dân bản địa phát triển DLST, nghỉ dưỡng.
Toàn xã đến nay đã có 5 doanh nghiệp, hợp tác xã cùng với 15 cơ sở hộ kinh doanh du lịch gắn với chế biến tiêu thụ chè Shan tuyết Suối Giàng.
Người dân ở Suối Giàng xác định, chè Shan tuyết cổ thụ là cây kinh tế chủ lực, cây phát triển kinh tế du lịch cùng với khí hậu mát mẻ quanh năm… là điều kiện thuận lợi để Suối Giàng chuyển mình khởi sắc.
Nhờ đổi mới trong tư duy phát triển kinh tế, nhất là phát triển DLST, nghỉ dưỡng nên từ đầu năm đến nay, Suối Giàng đón trên 50.000 lượt khách du lịch trong, ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng; doanh thu đạt trên 25 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/năm.
Ông Lường Văn Tâm cho biết thêm: để phấn đấu mỗi năm đón trên 70.000 lượt khách, cùng với việc thu hút đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, xã tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào hoạt động kinh doanh, du lịch, đặc biệt là hỗ trợ các cơ sở du lịch cài đặt các phần mềm, các ứng dụng tiện ích trong kinh doanh du lịch. Trong đó, hướng dẫn 100% các doanh nghiệp, cơ sở du lịch cài  đặt ứng dụng Yenbai-S; đưa các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử”.
Văn Tuấn
Đánh giá bài viết

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Liên kết kênh thông tin các tỉnh

Show Buttons
Hide Buttons