Những ngày thu, đến với hồ Thác Bà, huyện Yên Bình, người dân và du khách dễ dàng bắt gặp một cảnh tượng rất thơ mộng và thanh bình với hàng ngàn con chim tung cánh bay lượn khắp không gian nước hồ xanh, trong vắt, ươm nắng vàng như mật. Màu xanh của trời, của nước hồ, của các đảo cây và màu trắng của cánh cò điểm trên nền trời tạo nên bức tranh thiên nhiên “đàn chim trở về” đầy ấn tượng.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên những đảo hồ Thác Bà đón chim về làm tổ. Cách đây nhiều năm, đã từng có cả đảo cò lớn vào mùa chim di cư. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thanh Miền khi đó đã “chộp” được những khảnh khắc “để đời” mà mãi về sau còn được chọn là một trong những bức ảnh tiêu biểu của tỉnh Yên Bái giới thiệu tiềm năng du lịch của hồ Thác đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Được ví là “Hạ Long trên núi”, Di tích Lịch sử danh thắng quốc gia hồ Thác Bà có diện tích trên 19.000 ha mặt nước, với trên 1.300 hòn đảo lớn, nhỏ được bao bọc bởi dãy núi hùng vĩ và nhiều hang động kỳ thú nên có một hệ sinh thái tự nhiên vô cùng phong phú.
Xác định giá trị to lớn mà hồ Thác Bà mang lại, những năm gần đây, tỉnh Yên Bái và huyện Yên Bình luôn coi trọng bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học, coi đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược, là yêu cầu cấp thiết nhằm đảm bảo các mục tiêu phát triển hiện tại và bền vững trong tương lai, trong đó đã có nhiều chương trình, dự án đầu tư nhằm bảo tồn phát huy, khai thác thế mạnh của hồ Thác Bà.
Hình ảnh những đàn chim trời trở về sinh sống trong mỗi mùa di cư cho thấy hồ Thác Bà luôn giữ được thiên nhiên hoang dã, trong lành và là minh chứng cho những nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu bảo vệ môi trường của địa phương.
Những đàn chim trời trở về sinh sống trong mỗi mùa di cư cho thấy hồ Thác Bà có môi trường sống rất trong lành.
Đặc biệt, từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau là mùa chim di cư nên thời điểm này không khó để bắt gặp cảnh tượng thơ mộng trên hồ Thác. Đó là hàng ngàn con chim tung cánh bay lượn khắp không gian nước hồ xanh, trong vắt, ươm nắng vàng như mật. Màu xanh của trời, của nước hồ, của các đảo cây và màu trắng của cánh cò điểm trên nền trời tạo nên bức tranh “đàn chim trở về” đầy ấn tượng.
Vì vậy, huyện Yên Bình đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không thực hiện các hành vi săn, bắt, bẫy các loài chim hoang dã, chim di cư; tổ chức lực lượng phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm về săn, bắt các loài chim hoang dã, chim di cư…, góp phần bảo vệ và nâng cao tính đa dạng sinh học của tự nhiên, góp phần cân bằng hệ sinh thái tự nhiên và thúc đẩy phát triển du lịch địa phương.
Thanh Chi – Hoài Văn