Yên Bình, với hồ Thác Bà thơ mộng, không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên sơn thủy hữu tình mà còn hấp dẫn du khách bởi nền ẩm thực đa dạng, đặc biệt là các món ăn từ cá, tôm của đồng bào Tày. Với nguồn nguyên liệu tươi ngon từ hồ, những món ăn không chỉ ngon miệng mà còn mang bản sắc văn hóa riêng.
Món tôm chiên của đồng bào người Tày xã Xuân Lai. |
Cá hồ Thác Bà – đặc sản nổi tiếng
Từ xa xưa, câu ca dao “Cơm làng má, cá Đào Kiều”, “Thịt nai núi Ngàng, cá làng Bình Hạnh” đã nói lên vị trí đặc biệt của cá trong bữa ăn của người dân Yên Bình. Nhờ có hồ Thác Bà, nguồn cung cấp cá vô cùng phong phú, từ các loài cá tự nhiên như chày, bỗng, trạch, ngạnh, cá thiểu… đến các loại cá nuôi như trắm, rô phi, lăng, tầm, tép dầu, cá nheo…
Từ nguồn cá phong phú, người dân Yên Bình, trong đó có dân tộc Tày đã sớm biết khai thác và chế biến cá thành các món ngon, bổ dưỡng. Thông thường, bà con hay chế biến thành các món: luộc, nướng, rán, hấp, kho, gỏi, nấu canh, cá sấy hoặc làm các món lẩu, cháo, bún, mắm, ruốc, chả, cá tép kho, nấu bóng cá.
Mỗi loài cá lại hợp với một vài hình thức chế biến. Thịt cá bỗng đặc biệt thơm ngon khi nướng hoặc rán vàng, hay nấu với lá tai chua ăn nóng. Cá trạch rán, cá trê kho với lá gừng. Cá nheo, cá bò nấu ám hoặc kho với chuối xanh. Cá ngạnh hiển nhiên là nấu dưa chua. Cá thầu dầu chỉ nhỏ bằng ngón tay, làm sạch kho khô hoặc đem nấu canh hoa chuối, tra mẻ ngấu, có vị đắng ăn lạ miệng mà ngon. Cá thiểu cắt bỏ đầu, vây, đuôi, làm sạch rồi đưa vào cối xay nhuyễn trộn lá thơm sẽ biến thành món chả cá thật ưa dùng. Cá chép nướng, rán giòn hay nấu canh đều được ưa thích. Cá tầm có thể chế biến thành nhiều món: lẩu, nướng riềng, rang muối, om chuối đậu, nấu canh măng mang hương vị khác lạ.
Chẳng cứ là cá, một trong những món ăn dân dã có được từ hồ Thác Bà vào mùa nước cạn là những con tép riu béo mọng. Tép rất hợp khi kho với quả khế chua hoặc đem giã với muối đóng chai làm mắm tép ăn với xôi nếp, nhất là xôi nếp Tú Lệ thì cứ gọi là tuyệt cú mèo. Mắm tép vừa độ ngấu, cho vài miếng tóp mỡ xay nhỏ, củ hành khô xắt mỏng, tra ít ớt bột, chưng chín; có thêm một đĩa đậu phụ, 1 bát cà giòn ăn với mắm tép thì hết ý. Mắm tép có thể chưng một lần chia mấy bữa tiết kiệm thời gian, ăn với bún hay dùng để chấm rau luộc đều rất hợp.
Mô hình nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà.
Khách đi dọc quốc lộ hoặc bất cứ nẻo đường nào quanh vùng hồ Thác Bà, trong thị trấn Yên Bình đều thấy nhiều nhà hàng, quán ăn của người Kinh hay người Tày trưng biển các món từ cá và sẽ có dịp thưởng thức các món: cá chép hấp bia, cá trắm om trám, cá dưng rán, cá quả nấu ám rau cần, cá nướng các loại, cá xào cần tỏi tây, cá rút xương bỏ lò, các loại canh cá, lẩu cá, cá hấp, cá nấu măng chua…
Tất nhiên, nhiều món cá nơi đây có sự giao thoa cách chế biến của các dân tộc trong vùng, nhất là của người Kinh và người Tày đem lại bản sắc văn hóa ẩm thực riêng có của hồ Thác Bà. Đó là chưa kể khi chúng ta đi sâu vào các bản làng người Tày sống tập trung hay vào Khu du lịch cộng đồng làng ven Bảo Ngọc sẽ được thưởng thức các món ăn ẩm thực dân tộc Tày phong phú, được trải nghiệm văn hóa Tày độc đáo.
Huyện Yên Bình có 20 xã nằm ven vùng hồ Thác Bà với số đông đồng bào Kinh, Tày, Dao, Cao Lan sinh sống; trong đó, người Tày sống nhiều bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Hiện huyện có 2 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã, 6 tổ hợp tác xã và trên 300 hộ nuôi cá lồng bè, nuôi cá quây lưới với 1.850 lồng cá trên diện tích 230 ha mặt nước. Sản lượng thủy sản hàng năm đạt 10.500 tấn, trong đó chủ yếu là cá lồng khoảng 8.500 tấn với các loại cá: rô phi 300 tấn, diêu hồng 2.000 tấn, cá khác 200 tấn, chiếm 20% sản lượng cá đánh bắt trên hồ Thác Bà. Đến nay, quy mô nuôi trồng, sản lượng đánh bắt ngày càng nhiều hơn. Do vậy, người dân đã chuyển từ đánh bắt cá tự nhiên sang nuôi cá trên hồ có hiệu quả hơn.
Sản phẩm cá của hồ Thác Bà đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể “Cá hồ Thác Bà” từ tháng 10/2019. Tỉnh Yên Bái và huyện Yên Bình đang kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân, ngư dân đầu tư nuôi cá, chế biến cá để nâng cao giá trị cá hồ Thác Bà, phấn đấu đến năm 2025 hồ Thác Bà có 3.000 lồng cá, sản lượng đạt khoảng 20.000 tấn.
Từ năm 2020 đến nay, một số doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ dân, trong đó có đồng bào Tày tham gia đã tạo nên các sản phẩm cá hồ Thác Bà đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh Yên Bái như: cá mương sấy, cá rô lọc xương sấy, cá rô phi sấy, cá dúi sấy, cá tép dầu sấy, chả cá lăng sạch, ruốc cá lăng sạch, cá ngão sấy Hương Lý. Đây là những thành quả bước đầu trong quá trình chế biến, sáng tạo các sản phẩm từ cá hồ Thác Bà để nâng cao giá trị, mang đặc trưng riêng có của cá hồ Thác Bà.
Tôm tươi rói, ngọt thịt
Bên cạnh cá, tôm cũng là một nguyên liệu phổ biến trong ẩm thực của người Tày. Tôm hồ Thác Bà có thịt chắc, ngọt, được chế biến thành nhiều món ngon như: tôm tươi rang với tỏi, ớt tạo nên món ăn giòn tan, đậm đà; tôm rim mặn ngọt, sánh quyện là món ăn khoái khẩu của nhiều người; chả tôm chiên giòn, chấm với nước mắm chua ngọt là món ăn hấp dẫn trong các bữa cơm gia đình.
Từ lâu, dân vùng hồ vẫn đồn nhau rằng: tôm hồ Thác nhiều vô kể, trải rộng các vùng ven. Đồng bào Tày và các dân tộc thường đánh bắt bằng lưới, kéo vó, rải rọ tôm ven hồ. Tôm hồ Thác Bà ngon có tiếng nên luôn được khách buôn Hà Nội và các tỉnh khác để mắt đến, có đến đâu hết đến đấy, trở thành đặc sản nổi tiếng của huyện Yên Bình. Bởi vậy, nhiều làng nghề làm rọ tôm, nghề đánh bắt và buôn bán tôm cũng từ đó mà phát triển hơn.
Mâm cơm của đồng bào người Tày vùng hồ Thác Bà.
Từ nguồn tôm phong phú, đồng bào Yên Bình thường chế biến các món ăn từ tôm như: tôm rang, tôm bao bột rán chín vàng, chả tôm nướng mía, cuốn tôm, tôm chiên, trứng nhồi tôm thịt, canh tôm nấu với bí, bầu… Nhiều hộ dân còn làm tôm lột và bột tôm Thác Bà để bán. Tôm lột có thể để rang, rim, làm nhân nem, nấu canh. Bột tôm nguyên chất làm từ tôm tươi, rửa sạch, rang chín, xay giã, phơi khi nắng tròn, nấu canh mùa hè thì rất đưa cơm, mát ruột. Bạn chỉ cần một chút muối, một thìa bột tôm, dăm ngọn rau đay, nửa quả mướp, một chút nước chanh, nấu canh, không cần mì chính đã được món ăn dân dã ngon lành.
Bên cạnh các món ăn từ tôm, cá, người Tày vùng hồ Thác Bà còn chế biến các món ăn từ cua, ốc, ếch, rêu suối ở các vùng sông suối, ngòi, hồ, là những món ăn bình dị, tuy không phải đặc sản nhưng cũng là sản phẩm thường thấy trong sinh hoạt ẩm thực của người Tày.
Hành trình khám phá hồ Thác Bà và ẩm thực độc đáo
Hồ Thác Bà, viên ngọc quý của huyện Yên Bình, không chỉ quyến rũ du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ mà còn bởi một kho tàng ẩm thực phong phú, đặc biệt là các món ăn từ thủy sản tươi ngon như đã kể. Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi trên một chiếc thuyền nhỏ, lướt nhẹ trên mặt hồ, ngắm nhìn những đảo xanh thơ mộng, đảo đá vôi nhấp nhô, hít hà không khí trong lành, bất chợt mùi thơm lừng của cá nướng, tôm rang bay đến, kích thích vị giác của bạn.
Đến với các nhà hàng, quán ăn ven hồ, bạn sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sản như cá nướng pỉnh tộp thơm lừng, tôm rim mặn ngọt đậm đà, hay chả cá lăng tươi ngon. Còn gì tuyệt vời hơn khi được nhâm nhi ly rượu cần, trò chuyện cùng người dân địa phương và thưởng thức những món ăn dân dã giữa khung cảnh thiên nhiên hữu tình, để rồi sẽ nhớ mãi vị ngọt thanh của tôm hòa quyện với vị chua nhẹ của khế tạo nên một bản giao hưởng tuyệt vời trên đầu lưỡi; hít hà mùi thơm cá nướng tỏa khắp không gian.
Thưởng thức miếng cá chép nướng, rán chắc thịt, lớp da giòn tan, chạm vào đầu lưỡi vào cảm nhận được vị ngọt tự nhiên của thịt cá. Và rồi, món cá chép nấu canh chua với hương vị thanh mát, chua ngọt dịu hòa quyện vào những lát riềng thơm nồng, lát ớt tươi sắc đỏ thêm đậm vị… Từ đó mà khẳng định, ẩm thực thủy sản của đồng bào Tày không chỉ là món ăn mà còn là một phần văn hóa của vùng đất Yên Bình, là cầu nối giao lưu văn hóa giữa các dân tộc.
Văn Dương