Trong các hoạt động văn hoá tinh thần những ngày hội đầu xuân của người Mông, nếu Gầu tào được xem là hội với các hoạt động ban ngày, thì Tầu sừ sẽ là hội với các hoạt động ban đêm, mang lại sự hào hứng, ngóng đợi cho nhiều người, nhất là nam nữ thanh niên.
Người Mông vui hội ngày xuân. (Ảnh minh họa) |
Theo ông Lý A Gia, bản Lìm Mông, xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải – một người am hiểu về các trò chơi dân gian, phong tục truyền thống của người Mông: “Tầu sừ được dịch ra là đánh mèo, hay là đánh vào mông, được tổ chức cùng với Gầu tào, chỉ khác là Tầu sừ tổ chức vào ban đêm và kéo dài đến khi hội Gầu tào kết thúc. Hội Tầu sừ gồm một chuỗi các hoạt động như trò chơi bịt mắt bắt dê, múa, hát; ở một số nơi còn giữ được thì có thêm hoạt động “Tro mồng chẩu” (tso môngl châuv) – một nét văn hoá tín ngưỡng có phần hơi khó lý giải và kết thúc trong mỗi đêm hội Tầu sừ”.
Địa điểm tổ chức Hội Tầu sừ thường là ở nhà của một thầy cúng, thầy mo nào đó, hoặc ở nhà hộ gia đình người có uy tín, trưởng bản hoặc nhà văn hoá thôn, nhưng quan trọng là nhà to rộng, có không gian giữa nhà đủ rộng để làm sân chơi và đủ sức chứa đông người.
Thời gian diễn ra Hội Tầu sừ khoảng từ 20h đến 22h đêm trong mùng 2 đến hết mùng 5 tết. Hội Tầu sừ cũng là một hoạt động chính trong các hội ngày đầu xuân nên hoạt động sẽ do trưởng bản hoặc người có uy tín ở trong cộng đồng phụ trách quản lý. Khi trời về chiều, khoảng 15h, Hội Gầu tào đã tan dần, người dân chuẩn bị trở về nhà sau một ngày vui chơi thoả thích thì người đảm nhiệm nội dung Tầu sừ sẽ thông báo về địa điểm tổ chức Hội Tầu sừ vào buổi tối.
Sau khi nắm được địa điểm, mọi người dân sẽ nhanh chân về nhà ăn cơm tối, rồi gọi nhau cùng đi đến địa điểm đã định. Những người đến sớm, trong khi chờ đợi những người chưa đến sẽ tham gia các hoạt động như bịt mắt bắt dê, giao lưu hát, múa, độc tấu nhạc cụ dân tộc, múa khèn…
Nếu địa điểm là nhà của các thầy mo, thầy cúng sẽ có thêm cồng chiêng, chuông của thầy mo để nam, nữ thanh niên có năng khiếu chơi thêm hoạt động “Tro mồng chẩu” truyền thống.
Các hoạt động này sẽ nối tiếp nhau kéo dài đến khoảng 21h, người phụ trách hoạt động sẽ đứng ra phổ biến một số quy chế, quy ước cho mọi người dân khi đến tham gia hoạt động Tầu sừ tại địa điểm. Chủ yếu, không đi vào các chỗ cấm như: buồng ngủ, nhà bếp của gia chủ; giữ gìn mọi đồ đạc, giữ vệ sinh, không xô đẩy, chèo kéo nhau, đảm bảo an toàn về cháy nổ, không gây rối trật tự công cộng, nhất là các quy định của Tầu sừ đảm bảo văn minh, lịch sự và sau đó là thông báo về hoạt động Gầu tào của ngày hôm sau. Hội Tầu sừ diễn ra đến 22h thì kết thúc.
Tầu sừ được xem là một nét văn hóa tập thể chủ yếu dành cho thanh niên nam nữ. Hoạt động này có ý như một tín hiệu làm quen, rèn sự mạnh bạo, tự tin cho những thanh niên chưa quen, hoặc ở nơi khác đến sau những lần bị đánh vào mông, xua đi sự e ngại để hoà đồng với mọi người, giúp kết nối cộng đồng gần nhau hơn.
Em Thào A Khai, xã Cao Phạ chia sẻ: “Là thế hệ trẻ nên hàng năm, em rất thích tham gia các hoạt động truyền thống của dân tộc mình. Ngoài Tầu sừ ở bản mình, em cũng hay sang các bản khác trong xã cũng như một số bản ở xã Nậm Có để tham gia Hội Tầu sừ, vì ban ngày đi Gầu tào thì ngại nên đứng xa không nhìn được rõ mặt các bạn gái, tối đi Tầu sừ đứng gần các bạn gái sẽ nhìn được kỹ hơn và sau các hoạt động đánh vào mông thì cũng đỡ ngại hơn để còn tự tin bắt chuyện với nhau”.
Theo quy định, Tầu sừ sẽ dùng tay đánh nhẹ vào mông của bạn và bạn cũng đánh lại tương tự hoặc không đánh nhưng chỉ được đánh một cái rồi chuyển sang đánh người khác trong khắp cả Hội. Thường là những bạn nam giới và những bạn là người trong bản sẽ chủ động đánh trước để các bạn nữ hoặc những bạn tới từ bản khác, xã khác đến bớt xấu hổ, tự tin tham gia hoà nhập vào đêm Hội. Hoạt động đánh mông nhau sẽ lặp đi lặp lại, giữa người này người kia và Hội Tầu sừ sẽ sôi động, nhộn nhịp dần lên khi mọi người đều tự tin tham gia nhiệt tình.
Đến khoảng 22h, người phụ trách Tầu sừ thông báo hết giờ, mọi người vui vẻ ra về, hẹn nhau ở đêm hội sau. Sau những đêm tham gia Tầu sừ, nhiều đôi nam nữ thông qua tự làm quen ấy cũng thêm phần hiểu nhau, rồi hẹn hò nên duyên vợ chồng. Hội Tầu sừ còn được ví như nơi tìm hiểu, hẹn hò của trai làng, gái bản. Bởi lẽ đó mà mỗi độ tết đến, xuân về, trai làng, gái bản lại háo hức tìm về Hội Tầu sừ. Tục xưa ấy còn được nhiều địa phương có đồng bào Mông sinh sống ở vùng cao Yên Bái bảo tồn, lưu giữ.
A Mua