Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, tỉnh Yên Bái vừa được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia ở loại hình tri thức dân gian. Làm nên di sản ấy chính là những người phụ nữ Mông. Sự ghi danh này chính là động lực cho họ – những “họa sĩ bản làng” tiếp tục gìn giữ, sáng tạo và phát huy giá trị của di sản.
Phụ nữ Mông ở Mù Cang Chải vẫn gìn giữ và truyền dạy nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải. |
Theo truyền thống, người phụ nữ Mông từ khi còn là thiếu niên đã học vẽ hoa văn trên vải, khi đến tuổi trưởng thành đều có khả năng sử dụng thuần thục nghệ thuật này; trước tiên là phục vụ nhu cầu y phục của chính bản thân, gia đình và hôn lễ cá nhân, sau đó là tạo các vật dụng để biếu, tặng, trao đổi.
Hoa văn được tạo ra từ nghệ thuật vẽ bằng sáp ong trên vải của người Mông mang giá trị tinh thần đầy tính biểu tượng, gắn với nhân sinh quan, vũ trụ quan của tộc người. Mỗi loại hình hoa văn, mỗi cách thể hiện đều thể hiện những triết lý sống cao đẹp của cộng đồng, thể hiện sự sáng tạo và trình độ tư duy nghệ thuật cao, mang tính chất độc bản.
Do quá trình trao truyền nghề, quá trình sáng tạo hoa văn của mỗi phụ nữ Mông mà hoa văn cứ tiếp nối như một dòng chảy xuyên suốt lịch sử tồn tại và phát triển của người Mông ở Yên Bái.
Các họa tiết hoa văn hình học được sử dụng nhiều khi vẽ bằng sáp ong, việc kết hợp các dạng hình học này đã tạo nên những mô típ hoa văn thường được liên tưởng tới các con vật và cây cỏ. Hoa văn được trang trí chủ yếu trên tay áo, lưng áo, cổ áo, váy, địu trẻ em, khăn…
Ngoài kỹ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong, người Mông còn sử dụng kỹ thuật thêu, ghép vải màu để tạo nên những sản phẩm độc đáo trên vải. Các kỹ thuật này được phối hợp rất nhịp nhàng trên một sản phẩm.
Với sự phát triển, thay đổi của đời sống xã hội, nhiều nét văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc bị mai một, song, việc sử dụng nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong không thể vắng bóng trong đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Mông ở tỉnh Yên Bái.
Đến với các bản Mông ở Yên Bái, không khó để bắt gặp những người phụ nữ ngồi bên bếp lửa, cạnh chảo sáp ong, cặm cụi, tỉ mỉ tạo những đường nét hoa văn độc đáo trên tấm vải lanh truyền thống. Họ tranh thủ vẽ mọi lúc – khi có thời gian rảnh, ở mọi nơi – khi có bếp lửa và sáp ong đã nóng chảy. Vào những khi nông nhàn, đâu đâu cũng có thể gặp hình ảnh những người phụ nữ Mông đang say sưa tạo tác.
Hàng năm, các địa phương thực hiện nhiều chương trình, sự kiện nhằm giữ gìn và quảng bá bản sắc văn hóa các dân tộc, trong đó có nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông. Đến nay, tỉnh có 2 cá nhân được tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian thuộc loại hình nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải, đó là nghệ nhân Lý Thị Ninh và Hờ Thị Chư, đều ở bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải.
Người Mông ở Yên Bái hiện nay đại bộ phận vẫn mặc y phục truyền thống trong đời sống thường ngày, đặc biệt là nữ giới. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông khá hiệu quả.
Ở huyện Mù Cang Chải đã thành lập Tổ thêu dệt thổ cẩm Chế Cu Nha, tập trung ở các bản Dề Thàng, Chế Cu Nha, Thào Chua Chải, đến nay có 35 thành viên. Tổ đã hình thành Hợp tác xã chuyên sản xuất các sản phẩm thủ công để phục vụ thị trường cả trong và ngoài nước, phục vụ khách du lịch.
Từ hoạt động của tổ, các thành viên đã tổ chức được nhiều lớp truyền dạy, đặc biệt phối hợp với các trường học truyền dạy cho học sinh; phối hợp với các tổ chức thường xuyên giới thiệu kỹ thuật độc đáo của nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông đến với đông đảo công chúng thủ đô và du khách quốc tế. 100% trường học trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đều tổ chức dạy và học vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải tại trường.
Tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn đã hình thành tổ hợp tác sản xuất và phát triển sản phẩm thêu, dệt thổ cẩm dân tộc Mông xã Suối Giàng.
Trong định hướng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn đến năm 2030 đều đưa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch vào nhiệm vụ trọng tâm, trong đó chú trọng truyền dạy và phổ biến nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trong cộng đồng, trong các trường học và coi đây là một trong những sản phẩm du lịch tiêu biểu gắn với văn hóa tộc người Mông.
Thanh Ba