Với hệ thống núi, sông, thác, rừng nguyên sinh cùng nhiều di tích lịch sử và văn hóa độc đáo, Yên Bái sở hữu tiềm năng to lớn trong việc phát triển các sản phẩm du lịch sáng tạo. Trong những năm gần đây, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp du lịch đã nỗ lực khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên này, mang lại những trải nghiệm độc đáo cho du khách.
Du khách chinh phục đỉnh Tà Xùa, huyện Trạm Tấu. |
KHAI THÁC TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN TRONG PHÁT TRIỂN CÁC SẢN PHẨM DU LỊCH
Một trong những điểm nhấn nổi bật là việc phát triển du lịch mạo hiểm tại Yên Bái. Các hoạt động như leo núi, trekking, vượt thác, canoeing… đã thu hút đông đảo du khách ưa thích thử thách và khám phá. Các công ty du lịch địa phương đã đầu tư vào hạ tầng, trang thiết bị và đào tạo nhân sự chuyên nghiệp nhằm mang đến trải nghiệm an toàn và chất lượng cao cho du khách.
Gia đình chị Nguyễn Thu Nga ở Hoàng Mai, Hà Nội vừa có chuyến du lịch tại hồ Thác Bà. Các thành viên gia đình chị đều rất thích với những trải nghiệm tuyệt vời tại đó.
Chị chia sẻ: “Chúng tôi được một đơn vị du lịch tổ chức cho chuyến đi. Chúng tôi được ở trong một ngôi nhà sàn của người dân địa phương, được tự lên thực đơn cho những bữa ăn và được tự nướng đồ ăn với sự trợ giúp của người bản địa. Bọn trẻ nhà tôi thích nhất là được trèo thuyền kayak trên hồ Thác Bà, được hướng dẫn nhảy múa những điệu múa truyền thống bản địa vào mỗi tối. Một chuyến đi thực sự ý nghĩa với tất cả các thành viên trong gia đình”.
Một trong những điểm nhấn nổi bật của Yên Bái chính là ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Với hơn 2.200 ha ruộng bậc thang được tạo nên qua hàng thế kỷ bởi những cư dân bản địa, Mù Cang Chải đã trở thành biểu tượng của vẻ đẹp nông nghiệp truyền thống Việt Nam, được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Các đơn vị làm dịch vụ du lịch tại Mù Cang Chải cũng đã nhanh nhạy xây dựng các sản phẩm du lịch sáng tạo du lịch độc đáo dành cho du khách, đặc biệt là các gia đình kinh doanh dịch vụ homestay cũng đưa ra những sản phẩm riêng của nhà mình như cùng làm đất khai khẩn ruộng bậc thang hay cùng chế tác một chiếc khèn Mông.
Anh Andrew đến từ nước Anh chia sẻ: “Tôi được người địa phương hướng dẫn làm chiếc khèn Mông và dù nó chưa thể thổi ra được âm thanh giống của họ nhưng đó là một kỷ niệm đẹp của tôi. Tôi sẽ mang chiếc khèn này về nước và chia sẻ với những người thân của tôi rằng, tôi đã làm được chiếc khèn của người dân địa phương, mà với loại nhạc cụ này người dân địa phương đã làm nên một loại hình nghệ thuật độc đáo được xếp hàng di sản phi vật thể của quốc gia”.
Còn gia đình anh Trần Tuấn Hùng ở thành phố Hồ Chí Minh, mỗi lần có dịp trở lại Mù Cang Chải đều thăm lại nhà của A Su, vì tại đây, gia đình anh được hướng dẫn làm bờ đất cho một khoảnh nhỏ ruộng bậc thang.
Anh Hùng chia sẻ: “Không chỉ bọn trẻ mà cả với người lớn đều thích thú. Mỗi lần thăm lại nhà Su tôi lại cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi thì khoanh ruộng đó được trồng lúa, khi lại trồng hoa tam giác mạch. Vui lắm!”
Ngoài ra, Yên Bái còn sở hữu nhiều điểm đến khác không kém phần hấp dẫn như các đỉnh núi thuộc hàng top những đỉnh núi cao của Việt Nam… Thời gian qua, các đơn vị đã xây dựng những tuor khám phá, treckking leo núi thu hút được rất nhiều du khách ưa khám phá, thích trải nghiệm vượt qua thử thách bản thân. Không chỉ có du khách nước ngoài và ngoài tỉnh mà ngay cả những khách du lịch là người Yên Bái cũng bị thu hút bởi những tuor leo núi hấp dẫn.
Chị Thùy Dương ở thành phố Yên Bái chia sẻ: “Thật tự hào vì Yên Bái có những đỉnh núi tuyệt vời và mình đã chinh phục tất cả các đỉnh núi của Yên Bái. Phải công nhận là các địa phương vùng cao rất nhanh nhạy với sự phát triển của du lịch, đã xây dựng hành trình mà hấp dẫn ngay cả với những người dân trong tỉnh. Tôi đã được trải nghiệm những điều tuyệt vời nhất từ thiên nhiên Yên Bái như nằm ngủ trong lều giữa rừng bên cạnh là tiếng của thiên nhiên, được đi trong những thảm hoa rực rỡ, được “săn mây”, “hái mây” ngay trong tầm tay…”.
Một điểm nhấn khác là việc khai thác du lịch nông nghiệp và du lịch sinh thái tại Yên Bái. Các trang trại nông nghiệp, các vườn cây, bãi dưa… đã trở thành điểm đến hấp dẫn, mang lại cho du khách những trải nghiệm độc đáo về cuộc sống nông thôn, quy trình canh tác truyền thống cũng như những sản phẩm nông sản của địa phương.
Có thể thấy, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên trong phát triển du lịch nói chung và du lịch sáng tạo nói riêng đã và đang được Yên Bái thực hiện có hiệu quả. Việc đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá hình ảnh của tỉnh trên các kênh truyền thông, mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy du lịch sáng tạo, lan tỏa những giá trị tuyệt vời của du lịch sáng tạo tại các điểm đến thiên nhiên độc đáo của địa phương. Với những nỗ lực không ngừng, Yên Bái đang trở thành một điểm đến du lịch sáng tạo, hấp dẫn, thu hút ngày càng đông du khách trong nước và quốc tế.
KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN DU LỊCH SÁNG TẠO
Trong bối cảnh ngày càng nhiều du khách tìm kiếm những trải nghiệm độc đáo, khác biệt khi du lịch, phát triển du lịch sáng tạo dựa trên tiềm năng của các cộng đồng địa phương đang trở thành hướng đi mới, đầy tiềm năng. Nhiều địa phương đang nỗ lực khai thác sáng tạo các giá trị văn hóa, thiên nhiên để tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách.
Khách du lịch hòa mình vào điệu múa xòe truyền thống của người Thái Mường Lò.
Yên Bái là một trong những địa phương đang đẩy mạnh phát triển du lịch sáng tạo dựa trên tiềm năng của các cộng đồng bản địa. Khác với các hình thức du lịch truyền thống, các địa phương trong tỉnh đã sáng tạo mang đến cho du khách những trải nghiệm độc đáo, thiết thực khi được tham gia vào các hoạt động của cộng đồng địa phương hay còn gọi là du lịch sáng tạo.
Du lịch sáng tạo là loại hình mà khách du lịch có cơ hội phát triển tiềm năng sáng tạo của họ thông qua các trải nghiệm học tập, tìm hiểu tại điểm đến. Yên Bái sở hữu nhiều tiềm năng du lịch vô cùng lớn.
Với sự kết hợp độc đáo giữa văn hóa đa dạng của nhiều dân tộc cùng sinh sống và những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, Yên Bái đang dần khẳng định vị thế là một trong những điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Từ những ngọn núi hùng vĩ như Tà Xùa, Tà Chì Nhù, Lùng Cúng hay những thung lũng xanh mát Tà Cua Y (Mù Cang Chải), Bình Nguyên Xanh Khai Trung (Lục Yên)…, đến các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, rèn, đan rọ tôm… – Yên Bái như một bức tranh sống động về nét đẹp văn hóa và thiên nhiên Tây Bắc
Du khách nước ngoài trải nghiệm ẩm thực địa phương.
Trong những năm gần đây, Yên Bái đã có những bước đi vững chắc trong việc phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sáng tạo dựa trên việc khai thác và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Trong đó, đẩy mạnh việc phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương.
Một trong những sản phẩm điển hình là các tour du lịch trải nghiệm văn hóa dân tộc. Du khách sẽ được tham gia vào quá trình dệt thổ cẩm cùng các nghệ nhân hoặc khám phá các làng nghề truyền thống như rèn của người Mông… Họ không chỉ được học hỏi các kỹ năng thủ công mà còn có cơ hội tìm hiểu về tinh thần, triết lý sống của người dân địa phương.
Chị Phương Thảo ở Tây Mỗ, Hà Nội chia sẻ: “Gia đình tôi vừa có cơ hội được tới địa điểm du lịch nổi tiếng ở Mường Lò. Con gái tôi được trải nghiệm dệt vải của người Thái, được cô gái Thái hướng dẫn khâu một chiếc túi bằng thổ cẩm. Con bé rất thích. Còn tôi được tham gia làm cốm. Ngoài được hiểu thêm về văn hoá ẩm thực nơi đây, mà chính những gói cốm làm quà mang về đều là tự tay tôi làm với sự hướng dẫn của những phụ nữ Thái. Gia đình tôi rất thích”.
Cùng với đó, các lễ hội truyền thống, các hoạt động dân ca, dân vũ của người dân bản địa cũng trở thành điểm nhấn thu hút du khách tới Yên Bái. Thông qua những hoạt động như múa xoè, trình diễn thổ cẩm, du khách không chỉ được tham gia trực tiếp mà còn có dịp tìm hiểu sâu hơn về các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương.
Bên cạnh việc khai thác các giá trị văn hóa, Yên Bái cũng đang từng bước phát triển các sản phẩm du lịch sáng tạo dựa trên nền tảng tài nguyên thiên nhiên phong phú. Trong thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã và đang tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch dựa trên tài nguyên thiên nhiên của địa phương, kết hợp với việc bảo vệ môi trường sinh thái. Điều này, không chỉ mang lại trải nghiệm độc đáo cho du khách mà còn góp phần nâng cao ý thức bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của cộng đồng.
Nổi bật trong số đó là các tour du lịch cộng đồng tại các bản làng vùng cao, hay các hoạt động trải nghiệm văn hóa nông nghiệp như trồng lúa, thu hoạch nông sản. Các sản phẩm này không chỉ thu hút du khách mà còn góp phần tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương.
Làm các loại bánh truyền thống là một trong những hoạt động trải nghiệm thu hút được nhiều du khách tại Om Tara, huyện Yên Bình.
Theo các chuyên gia, Yên Bái là một tỉnh với nhiều tiềm năng du lịch sáng tạo và phát triển bền vững, do đó có thể xem xét một số giải pháp để phát triển du lịch sáng tạo bền vững như: tập trung khai thác, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các nét đẹp về thiên nhiên, phong cảnh của Yên Bái để xây dựng các sản phẩm du lịch sáng tạo độc đáo; cải thiện chất lượng đường giao thông, các dịch vụ công cộng, cơ sở lưu trú và ăn uống theo hướng thân thiện với môi trường.
Cùng đó là khuyến khích và hỗ trợ các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp để tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương; chú trọng đào tạo các kỹ năng như quản lý, tiếp thị, trải nghiệm du lịch sáng tạo, bảo vệ môi trường cho người tham gia hoạt động du lịch; xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch sáng tạo và bền vững của tỉnh, kết nối với các kênh truyền thông, marketing hiệu quả.
Phát triển du lịch sáng tạo gắn với cộng đồng địa phương đang trở thành xu hướng tất yếu không chỉ tại Yên Bái mà ở nhiều địa phương khác trên cả nước. Đây là hướng đi mang tính bền vững vừa mang lại lợi ích kinh tế vừa góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các cộng đồng.
MÙ CANG CHẢI TĂNG CƯỜNG TRẢI NGHIỆM VĂN HÓA CHO DU KHÁCH
Trên bản đồ du lịch, Mù Cang Chải được biết đến là top 10 ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới. Nhưng nếu chỉ tập trung khai thác thế mạnh danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang này thì sẽ chỉ thu hút được khách du lịch vào mùa lúa. Bởi vậy, từ nhiều năm nay, Mù Cang Chải đã tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân phát triển sản phẩm du lịch sáng tạo, cung cấp cho du khách những trải nghiệm văn hóa bản địa, phát huy tối đa những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tại địa phương để phát triển du lịch.
Đó không chỉ đơn thuần là các hoạt động chiêm ngưỡng, ngắm nhìn, tham quan mà du khách còn có thể trực tiếp tìm hiểu, học tập tham gia vào các hoạt động cộng đồng tại điểm đến.
Tại nhiều homestay, điểm check-in trên địa bàn huyện, người dân đã chủ động sưu tầm, cải tạo, khôi phục các vật dụng, nghề truyền thống của đồng bào để tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho du khách.
Anh Giàng A Súa – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) cộng đồng bản Màng Mủ chia sẻ: “Du lịch sáng tạo là sản phẩm du lịch rất phù hợp với Mù Cang Chải. Bởi vậy, HTX đã lựa chọn hướng đi này làm mục tiêu hoạt động. Chúng tôi đã tiến hành sưu tầm, cải tạo, khôi phục các vật dụng truyền thống của đồng bào đang dần bị mai một như: vòng quay sợi lanh, bàn là đá, cối xay, nhà ngô… để trưng bày phục vụ khách tham quan và tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống để gia tăng thêm trải nghiệm, giữ chân du khách. Hiện nay, trải nghiệm vẽ hoa văn trên vải bằng sáp ong do HTX tổ chức đã thu hút nhiều khách du lịch tham gia, nhất là khách quốc tế. Qua đó, chúng tôi có thể tự hào giới thiệu những giá trị văn hóa của chúng tôi đến bạn bè trong nước và thế giới”.
Du khách nước ngoài tham gia hoạt động trải nghiệm làm ruộng cùng người dân Mù Cang Chải.
Tại Mù Cang Chải, nhiều nghề, làng nghề truyền thống cũng đã được bảo tồn, phát triển, tạo thành sản phẩm hàng hóa. Từ đó, các tour du lịch trải nghiệm làng nghề được hình thành, tạo cơ hội để du khách có thể trực tiếp tham gia các hoạt động sản xuất tại làng nghề như: nấu rượu thóc, dệt thổ cẩm… Hàng năm, huyện cũng đã tổ chức hàng loạt các hoạt động bản sắc như: Hội thi khèn Mông, Hội thi gặt lúa nhanh, cày bừa giỏi, đắp bờ đẹp, thi chọi dê, thi vẽ hoa văn trên vải bằng sáp ong, giã bánh dày…
Tại đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng mà còn trực tiếp hoà mình vào những điệu múa khèn, múa ô, các trò chơi dân gian… trong không khí tưng bừng, rộn ràng của lễ hội, tạo ra sự thích thú khó quên.
Chị Phạm Linh Phương – du khách đến từ Hải Phòng chia sẻ: “Rất ít sự thương mại hóa, ở Mù Cang Chải có gì đó rất riêng, rất dễ chịu và thoải mái. Thông qua các trải nghiệm, tôi và các con có thể dễ dàng hòa mình vào cuộc sống của đồng bào từ thiên nhiên, văn hóa, con người. Tôi cũng có thêm nhiều kiến thức, hiểu biết và cảm nhận riêng về văn hóa dân tộc nơi này”.
Rõ ràng, khi phát triển sản phẩm du lịch sáng tạo, tính nguyên bản và bền vững của bản sắc văn hóa được bảo tồn đã trở thành nguồn lực của sự sáng tạo, góp phần giảm sự tập trung vào những điểm du lịch truyền thống, giúp phân bố đều không gian du lịch ở điểm đến, từ đó bảo tồn được các giá trị văn hóa phi vật thể. 6 tháng đầu năm 2024, mặc dù chưa vào mùa cao điểm du lịch, Mù Cang Chải đã thu hút 125.600 lượt khách, tăng 22,1% so với cùng kỳ, doanh thu đạt 149,8 tỷ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ.
Phát triển du lịch sáng tạo, Mù Cang Chải đã gắn kết tốt du lịch với bản sắc văn hóa. Điều này, không những đã giúp Mù Cang Chải thu hút được khách du lịch đến huyện quanh năm, không phụ thuộc vào mùa lúa như trước đây mà còn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
ĐA DẠNG CÁC SẢN PHẨM DU LỊCH SÁNG TẠO
Khai thác sáng tạo các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, ngành du lịch Yên Bái đã đem đến cho du khách cảm nhận riêng, những kinh nghiệm sống mới mẻ, những tri thức độc đáo về vùng đất, con người thông qua việc trực tiếp trải nghiệm thực tế. Chính điều này đã khiến cho du lịch sáng tạo được đánh giá là hoạt động du lịch của thế hệ mới và nó có sự khác biệt rõ ràng với các hình thức du lịch trước đây.
Trải nghiệm vẽ sáp ong đã thu hút được rất nhiều khách du lịch quốc tế đến với Mù Cang Chải.
Khách du lịch thích thú trải nghiệm nghề đan lát truyền thống của người Tày, Lục Yên.
Thanh Ba – Hoài Anh