Độc đáo trang phục truyền thống người Xa Phó Yên Bái

Cộng đồng người Xa Phó sinh sống tại xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên, Yên Bái. Đây là những cư dân đầu tiên đến khai khẩn vùng đất này. Đến nay, người Xa Phó vẫn còn gìn giữ được nét đẹp trong trang phục truyền thống, tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo.

325261 doc dao trangphuc
Oplus_131072
Nghệ nhân Đặng Thị Thanh hướng dẫn thế hệ trẻ thêu họa tiết trang phục truyền thống của đồng bào.

Người Xa Phó còn có tên gọi khác là người Phù Lá, sinh sống tập trung ở 2 thôn là Ngòi Nhầy và Trạng Xô, xã Châu Quế Thượng với gần 900 nhân khẩu. Trong quá trình khai khẩn lập bản, người Xa Phó mang theo nhiều nghi thức sinh hoạt dân gian cùng những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc mình; trong đó, trang phục là một trong những nét văn hóa nổi bật.

Từ xa xưa, người Xa Phó đã biết trồng bông để tự dệt vải, khâu vá, thêu thùa… Sự cần cù trong lao động sản xuất, trí tưởng tượng phong phú và đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, thể hiện qua những nét hoa văn trên bộ trang phục mang bản sắc riêng của tộc người.

Những đường nét hoa văn trên trang phục rất tinh tế. Phụ nữ Xa Phó vốn rất giỏi dệt vải, thêu thùa. Khi còn nhỏ, các bé gái đã được làm quen với công việc này dưới sự dẫn dắt của các mẹ, các chị. Để có được trang phục độc đáo, người Xa Phó lấy những sợi bông mỏng mềm từ một loại quả riêng biệt của đồng bào mình làm nguyên liệu chính.

Không chỉ có độ bền cao mà trang phục còn có nhiều giá trị thẩm mỹ, thể hiện sự khéo léo, trí tượng tượng phong phú của người phụ nữ, bởi những hoa văn độc đáo vừa mang tính quy luật vừa ngẫu hứng, bay bổng với gam màu đỏ, trắng và xanh chàm. Áo của người phụ nữ Xa Phó là kiểu áo chui đầu, cổ vuông và ngắn, không che kín cạp váy. Hoa văn thường tập trung ở hai cánh tay và trước ngực áo, quanh cổ áo gồm các hoa văn màu trắng được kết bằng các hạt cườm núi, tăng thêm phần tươi trẻ và duyên dáng.

Ngược lại với trang phục của người phụ nữ, quần áo của đàn ông Xa Phó hầu như giữ nguyên màu chàm, chỉ trang trí một chút ở cổ áo. Các bộ trang phục đều sử dụng chất liệu chung, có hình dáng, màu sắc, hoa văn trang trí thể hiện được chiều sâu văn hóa cũng như những quan niệm thẩm mỹ, trình độ lao động sản xuất và kỹ thuật thủ công của tộc người.

Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục là sự sáng tạo, mang đậm các yếu tố riêng của chị em phụ nữ. Họ biết chắt lọc và sử dụng để trang trí cho những bộ váy áo được đẹp hơn, hấp dẫn và độc đáo hơn. Nghệ nhân Đặng Thị Thanh ở thôn Ngòi Nhầy chia sẻ: “Từ bé, tôi đã được các mẹ, các chị dạy cách may vá, thêu những họa tiết để làm nên trang phục của dân tộc mình.

Trải qua thời gian, trang phục của người Xa Phó đã trở thành biểu tượng riêng của đồng bào, tôi luôn đau đáu tìm cách giữ gìn trang phục truyền thống của đồng bào không bị mai một, đặc biệt là truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Bởi vậy, tôi cùng với cán bộ thôn và chính quyền xã đã thành lập câu lạc bộ bảo tồn văn hóa người Xa Phó”. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, trang phục truyền thống đang dần mai một do ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại, sự giao thoa và thâm nhập mạnh mẽ của các sắc thái văn hóa khác.

Bà Đinh Thị Hồng Loan – Chủ tịch UBND xã Châu Quế Thượng cho biết: “Xã đã chỉ đạo 2 thôn Ngòi Nhầy và Trạng Xô phối hợp với các nghệ nhân, những người am hiểu về trang phục truyền thống của đồng bào truyền dạy cho thế trẻ để mỗi người dân biết trân trọng và làm được trang phục cho riêng mình”.

Trang phục truyền thống không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử của từng tộc người. Tri thức dân gian về trang phục người Xa Phó xã Châu Quế Thượng là một thành tố văn hóa quan trọng góp phần phong phú cho nền di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện Văn Yên nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung.

Thanh Tân

 

Đánh giá bài viết

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Liên kết kênh thông tin các tỉnh

Show Buttons
Hide Buttons