Mạnh mẽ, sôi động và đầy ấn tượng, du lịch Yên Bái tiếp tục có một năm bứt phá, thêm nhiều thắng lợi và thành công rất tốt đẹp. Bản sắc, hình ảnh, con người, vùng đất và tên gọi Yên Bái ngày càng trở nên hấp dẫn cũng như ngày càng giống một thỏi “nam châm” thu hút, khơi gợi mong muốn trải nghiệm, khám phá, chinh phục của du khách.
Trình diễn Khèn Mông tại Lễ công bố Quyết định và Chứng nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật Khèn, Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
|
Đa dạng hơn, chuyên nghiệp hơn
Có thể nói, năm 2023 tiếp tục thể hiện và khẳng định tinh thần, quyết tâm, nỗ lực không ngừng và vô cùng năng động của du lịch Yên Bái. Các sản phẩm du lịch phát triển đa dạng hơn cùng với công tác tổ chức chuyên nghiệp hơn đã góp phần đưa du lịch có bước phát triển mạnh mẽ.
Hãy cùng nhìn lại 365 ngày của năm 2023 và hãy cùng sống lại không khí vui tươi của những chuỗi hoạt động sự kiện, lễ hội văn hóa, du lịch ở khắp nơi. 3 lễ hội cấp tỉnh, 15 lễ hội và sự kiện cấp huyện lần lượt và liên tiếp được tổ chức trong năm tựa như những móc nối uyển chuyển, khăng khít, gắn kết để kéo du khách đến với Yên Bái.
Với 3 lễ hội quy mô cấp tỉnh thì có 2 lễ hội gắn với công bố quyết định ghi danh, chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ hội đền Đông Cuông, huyện Văn Yên và Nghệ thuật Khèn, Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn.
Với 15 lễ hội, sự kiện cấp huyện vừa chứng kiến sự duy trì các hoạt động, lễ hội, sản phẩm du lịch của những năm trước vừa phát triển thêm các hoạt động, lễ hội, sản phẩm du lịch mới. Từ Văn Yên đến Yên Bình, từ Lục Yên đến Văn Chấn, từ thị xã Nghĩa Lộ đến Trạm Tấu, từ thành phố Yên Bái đến Mù Cang Chải… đâu đâu cũng rất rộn ràng, tưng bừng, náo nhiệt các hoạt động du lịch, lễ hội.
Quan tâm làm mới sản phẩm đã có, chú trọng phát triển sản phẩm mới là hành động cụ thể, thiết thực của các địa phương. Điểm đặc biệt trong Lễ hội đền Đông Cuông, huyện Văn Yên năm 2023, màn rước chứng nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia vào đền chính có sự kết hợp với màn múa xòe Tày cổ hầu Mẫu của 300 phụ nữ dân tộc Tày Khao ở hai xã Tân Hợp và Đông Cuông.
Huyện Văn Chấn lần đầu tiên tổ chức Lễ hội Trà Shan tuyết với chủ đề “Tinh hoa giữa ngàn mây”. Lần đầu tiên có Giải leo núi “Bước chân trên mây” chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù, huyện Trạm Tấu thu hút 100 nhà báo, phóng viên tham gia…
Là hoạt động thường niên hay hoạt động mới thì các lễ hội đều có đối tượng du khách riêng. Có người trở lại bởi mê say những điều đã làm mình yêu thích. Có người trở lại bởi tò mò những điều mới mẻ sẽ diễn ra. Có người đến lần đầu vì muốn khám phá những điều chỉ nghe chứ chưa trải nghiệm.
Dù cũ, dù mới thì các hoạt động, lễ hội đã tạo nên dấu ấn, đã kích thích mong muốn trở lại và đến với Yên Bái của du khách. Qua đó, chứng tỏ một điều không thể phủ nhận, công tác tổ chức các hoạt động, lễ hội văn hóa, du lịch đã thật sự chuyên nghiệp hơn.
Tăng kết nối, thêm trải nghiệm
Du lịch Yên Bái năm qua đã chú trọng tăng kết nối, thêm trải nghiệm cho du khách. Các hoạt động du lịch tập trung hướng tới nối dài ngày trải nghiệm của du khách, liên kết chặt chẽ giữa các tour, chuỗi hoạt động, giữa các địa phương với nhau và ngay trong khuôn khổ một hoạt động, sự kiện, lễ hội.
Mục tiêu này vừa là yêu cầu tự thân của hoạt động phát triển du lịch vừa là yêu cầu khách quan, đáp ứng mong muốn của du khách. Thực tế đối với quá trình tổ chức một hoạt động, sự kiện, lễ hội, các địa phương đã chú trọng thực hiện một chuỗi khép kín, bao trùm thời gian từ trước, trong và sau, đặc biệt nữa là tiếp nối với các hoạt động, sự kiện, lễ hội của các địa phương khác.
Du khách trên cơ sở đó hoàn toàn có thể chủ động lựa chọn, sắp xếp lịch trình tham quan, nghỉ dưỡng, khám phá của bản thân một cách phù hợp nhất, trong một khoảng thời gian ngắn nhất có cảm xúc và trải nghiệm cao nhất. Chị Nguyễn Thị Minh Châu, một du khách ở Hà Nội chia sẻ: “Tôi cùng nhóm bạn có khoảng thời gian 5 ngày để nghỉ ngơi, thư giãn. Chúng tôi đã lựa chọn huyện Văn Chấn là nơi đến ở thời điểm có Lễ hội Trà Shan tuyết lần đầu tiên tổ chức. Phải nói rằng chuỗi hoạt động kéo dài, liên tục của lễ hội đã giúp chúng tôi có nhiều nhất thời gian tận hưởng, khám phá bản sắc văn hóa, vùng đất, con người ở đây với ấn tượng tươi đẹp và thú vị”.
Du lịch miền Tây vẫn chứng tỏ sức bứt phá hết sức mạnh mẽ và năng động của các địa phương trong vùng với tinh thần quyết liệt và đổi mới. Mới trong những hoạt động đã có, mới trong ý thức đem đến cho du khách các dịch vụ, sản phẩm du lịch chất lượng tốt nhất đã thể hiện rõ nét tinh thần đó.
Du khách nếu đã quen với hoạt động bay dù lượn sức gió ở đèo Khau Phạ, huyện Mù Cang Chải thì có thể thử bay dù lượn có động cơ khám phá thung lũng Mường Lò trong Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò năm 2023. Chinh phục đỉnh núi Tà Chì Nhù, huyện Trạm Tấu thu hút đông đảo các nhà báo, phóng viên tham gia đã thành công tốt đẹp và có sức lan tỏa sâu rộng nhờ chính những vận động viên là các nhà báo, phóng viên chuyên nghiệp trong công tác tuyên truyền.
Ngay giữa trung tâm thành phố Yên Bái, Chương trình “Sắc màu văn hóa các dân tộc Yên Bái”, Lễ hội giỗ Mẫu, đền Tuần Quán, Lễ hội “Đêm hội trăng rằm”… tạo nên những không gian, khoảnh khắc khó quên, vui tươi, sống động và gắn kết, thu hút đông đảo du khách. Lên với huyện Văn Yên, năm qua ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực với Lễ hội Không gian ẩm thực lần thứ nhất, với những giá hầu đồng đặc sắc, với mùa cơm mới thật an vui…
Bởi yêu mến mà đến, bởi hấp dẫn mà tìm, bởi thú vị mà tới, Yên Bái tự hào năm 2023 ước đón 2,088 triệu lượt du khách, vượt 39,2% kế hoạch, tăng 31,4% so với cùng kỳ; có 151.026 lượt khách quốc tế, bằng 101% kế hoạch, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ và doanh thu từ du lịch ước đạt trên 1.721 tỷ đồng, vượt 27,4% kế hoạch, tăng 56,4% so với cùng kỳ. Trân trọng, nuôi dưỡng tình cảm của du khách muôn phương là động lực để du lịch Yên Bái không ngừng nỗ lực nâng tầm uy tín, định vị thương hiệu.
Nguyễn Thơm