Nghệ thuật trình diễn khèn của người Mông tỉnh Yên Bái là một di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, có từ lâu đời và được lưu truyền qua nhiều thế hệ thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian của tộc người.
Đây là một di sản văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào Mông, nghệ thuật trình diễn khèn hiện diện trong khi thực hành các tập quán xã hội, trong các lễ hội truyền thống, trong văn hóa – văn nghệ dân gian, … Hiện di sản được thực hành thường xuyên tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh và có khai thác phục vụ hoạt động du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn hóa của người Mông tại các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn.
Di sản chứa đựng những sáng tạo mang tính khoa học độc đáo không chỉ trong lĩnh vực nghệ thuật mà còn phản ánh những giá trị lịch sử (lịch sử di cư, lịch sử xã hội, lịch sử văn hóa, lịch sử âm nhạc, …); giá trị văn hóa (là không gian văn hóa hội tụ nhiều loại hình văn hóa truyền thống như: nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống, lễ hội truyền thống, cách ứng xử của cộng đồng với con người, với tự nhiên, …); giá trị khoa học (nguồn tư liệu quan trọng giúp cho việc nhìn nhận truyền thống lịch sử, văn hóa, xã hội, phong tục tập quán, trình độ âm nhạc, óc sáng tạo của tộc người).
Được sự nhất trí của lãnh đạo tỉnh Yên Bái, di sản nghệ thuật trình diễn khèn của người Mông tỉnh Yên Bái đang được các cơ quan chuyên môn khảo sát, nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Một số hình ảnh:
BAN BIÊN TẬP