Ông Nguyễn Xuân Trường: Đây là một vinh dự lớn lao và là niềm tự hào đối với huyện Yên Bình, đặc biệt là đối với cộng đồng các dân tộc cư trú lâu đời ở vùng Thác Bà – sông Chảy. Chúng tôi cho rằng, đây cũng là nguồn động lực to lớn có ý nghĩa động viên, khích lệ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Yên Bình nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác trong thực hiện việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc nói chung trên địa bàn huyện.
Cùng với những di sản văn hóa của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã được vinh danh, Di tích quốc gia đền Thác Bà thuộc di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Thác Bà sẽ là nguồn bổ sung lớn cho kho tàng di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đa dạng hóa các tiềm năng và các sản phẩm về du lịch trong tỉnh, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa xã hội tại địa phương.
Vì vậy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Yên Bình sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, gìn giữ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khai thác hợp lý và có hiệu quả các giá trị văn hóa, vừa nâng cao và làm phong phú thêm cho đời sống tinh thần của nhân dân, vừa nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch mới, khác biệt phục vụ cho sự phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện trong những năm tiếp theo; từng bước nâng tầm các di sản văn hóa, để văn hóa thực sự là mục tiêu và là động lực của phát triển kinh tế – xã hội, góp phần xây dựng huyện Yên Bình trở thành điểm đến “Xanh, bản sắc, an toàn, thân thiện”.
– Gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, sự kiện này có ý nghĩa gì thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Trường: Vùng hồ Thác Bà rộng trên 20 ngàn ha với trên 1.000 hòn đảo lớn nhỏ còn là nơi sinh tụ của trên 10 dân tộc anh em cùng chung sống như: Dao, Tày, Nùng, Cao Lan, Phù Lá… có đời sống sinh hoạt, văn hóa vô cùng phong phú, đậm bản sắc dân gian.
Đền Mẫu Thác Bà là nơi để đồng bào các dân tộc được giao lưu văn hóa và đón du khách thập phương về chiêm bái nhân dịp đầu xuân và khám phá di tích lịch sử, danh thắng quốc gia hồ Thác Bà, thu hút các nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát và đầu tư vào địa bàn, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của huyện.
Năm 2022 vừa qua, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn song chúng tôi đã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ ngay từ đầu năm, với sự đoàn kết, đồng lòng và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, của nhân dân các dân tộc trong huyện, các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội đều đạt và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Tỉnh ủy giao theo Chương trình hành động số 56-CTr/TU, nhiều chỉ tiêu quan trọng, quyết định đến tăng trưởng kinh tế của huyện và nhiều chỉ tiêu khó đều hoàn thành và vượt; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được chăm lo, an sinh xã hội được đảm bảo.
Huyện Yên Bình sẽ đa dạng hóa các sản phẩm về du lịch hồ Thác Bà, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa xã hội tại địa phương. Ảnh Thanh Miền
Năm 2023, chúng tôi xác định là năm tăng tốc, bứt phá thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội XXIII Đảng bộ huyện. Mục tiêu chung của Yên Bình là: Phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, thống nhất, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội nhanh, đồng bộ, hài hòa gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh thực chất, bền vững; xây dựng con người Yên Bái, con người Yên Bình “thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”; bảo đảm vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tất cả vì sự hài lòng và hạnh phúc của nhân dân. Đặc biệt là, chúng tôi sẽ phấn đấu xây dựng thành công huyện Yên Bình đạt huyện nông thôn mới trong năm 2023.
– Xin trân trọng cảm ơn ông.
Quang Tuấn (thực hiện)