Tận dụng lợi thế sẵn có về khí hậu, sản vật địa phương, kiến trúc nhà sàn cùng những nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống, những năm gần đây, người Tày ở xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên đã đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng. Những homestay mang đậm bản sắc văn hóa người Tày ở Lâm Thượng đang ngày càng trở nên hấp dẫn nhiều du khách
Mô hình du lịch homestay Jack Ecolodge ở thôn Chang Pồng, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên. |
Nhận thấy những tiềm năng, lợi ích từ “ngành công nghiệp không khói”, gia đình anh Tăng Viết Dũng, thôn Nặm Chắn, xã Lâm Thượng đã cải tạo, nâng cấp nhà ở, vườn tược, công trình phụ để làm dịch vụ lưu trú, ẩm thực cho du khách. Cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp mang nét hoang sơ, tự nhiên, homestay của anh Dũng đã thu hút được du khách trong và ngoài nước đến nghỉ khi về với Lâm Thượng.
Chị Vũ Thu Phương đến từ thành phố Hà Nội chia sẻ: “Lần đầu tiên đến Lâm Thượng, tôi được tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ, yên tĩnh. Homestay của người Tày nơi đây rất giản dị mà cũng không kém phần đặc sắc bởi được trang trí đậm bản sắc của đồng bào vùng cao. Tôi sẽ giới thiệu tới các bạn của mình là hãy đến với Lâm Thượng để khám phá và trải nghiệm”.
Theo anh Dũng, được tham gia các lớp tập huấn du lịch ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, thấy những nơi đó làm du lịch rất thành công trong khi tiềm năng ở Lâm Thượng chẳng thua kém nên năm 2022, gia đình anh quyết định xây dựng mô hình homestay ngay trên ngôi nhà mình đang ở. Vừa làm vừa học hỏi, tìm tòi, mô hình du lịch homestay của gia đình anh đã thu hút rất đông du khách đến tham quan và trải nghiệm.
Cũng như anh Dũng, bà Hoàng Thị Sinh ở thôn Chang Pồng là 1 trong những phụ nữ Tày tiên phong phát triển du lịch cộng đồng tại xã Lâm Thượng, tạo dấu ấn đặc trưng riêng của bản sắc quê hương, bà Sinh rất quan tâm đến vấn đề bảo tồn, giới thiệu cho du khách về văn hóa, ẩm thực của dân tộc Tày.
Bắt đầu từ khu nghỉ được sử dụng hoàn toàn bằng chất liệu gỗ và tre nứa, kết hợp mái lợp bằng tôn, mang lại không gian đơn sơ, mộc mạc và gần gũi cho du khách. Cùng với đó, các món ăn mang đậm chất ẩm thực miền núi như: rau dớn nộm, gỏi cá bỗng, vịt bầu, gà trống thiến… đã cuốn hút du khách đến trải nghiệm.
Có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp được bao phủ bởi những dãy núi đá, khí hậu ở Lâm Thượng quanh năm mát mẻ, không gian trong lành. Đây là nơi sinh sống lâu đời của cộng đồng người Tày giàu bản sắc văn hóa. Vì vậy, Lâm Thượng được xác định là một trong những điểm đến du lịch cộng đồng trọng điểm của huyện Lục Yên.
Ông Hoàng Văn Cói – Chủ tịch UBND xã Lâm Thượng cho biết: “Hiện nay, toàn xã có trên 1.400 hộ, trong đó trên 80% là nhà sàn, đặc biệt nhiều người dân đã đầu tư phòng ở, có thể làm dịch vụ nấu ăn, hướng dẫn viên, tổ chức chương trình văn nghệ phục vụ khách tham quan. Qua rà soát, trên địa bàn xã có 7 mô hình du lịch homestay, tiêu biểu phải kể đến Xoi Farmstay, thôn Tông Pình Cại; Mộc Farmstay, thôn Khéo Lẹng; Jack Ecolodge, thôn Chang Pồng… Từ đầu năm đến nay, địa phương thu hút trên 3 vạn khách du lịch, trong đó có 1.600 lượt khách lưu trú”.
Mở rộng, phát triển mô hình du lịch cộng đồng, trải nghiệm homestay thu hút du khách, xã đang tích cực phối hợp với huyện Lục Yên và các ngành chức năng của tỉnh đưa các sản phẩm du lịch mới vào khai thác như: du lịch trải nghiệm, du lịch mạo hiểm và khám phá, chinh phục đồi 700, khám phá các hang động: Nà Kèn, Thẳm Dường, Bó Khéo.
Loại hình du lịch sinh thái có các địa điểm hấp dẫn như: thác nước Nặm Chắn, thác Nà Kèn… kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá để tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương đồng thời khơi dậy, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phát triển làng nghề, nâng cao chất lượng dịch vụ…
Hoạt động du lịch cộng đồng ở Lâm Thượng đang dần trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động và từng bước tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Vì vậy, thời gian tới, xã tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng, có dấu ấn riêng, thu hút nhiều hơn nữa du khách trong và ngoài nước.
Nguyễn Thơm