Đặc sản cơm lam của người Thái Mường Lò

Ðến Mường Lò – Nghĩa Lộ mảnh đất miền Tây của tỉnh Yên Bái, du khách không chỉ đắm chìm trong cảnh sắc êm ả của núi rừng Tây Bắc cùng với những điệu khắp điệu xoè và những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc nơi đây, mà còn bị mê hoặc bởi những món ăn dân dã, trong đó phải kể đến cơm lam, một món ăn độc đáo trong văn hóa ẩm thực của người Thái Mường Lò, món ăn giản dị mang hương vị đặc trưng của núi rừng.

cơm lam 1

Ảnh : nguồn internet

Theo quan niệm và cách lý giải của người Thái Mường Lò, cơm lam không đơn thuần chỉ là món ăn trong bữa cơm hàng ngày mà nó còn gắn với văn hóa, sự sống và tín ngưỡng dân gian. Người Thái tin rằng, ngoài thế giới mà mọi người đang sống quen gọi là nhân gian, còn có một thế giới của người trời – Mường Then, là nơi ở của các vị thần, tổ tiên và các linh hồn. Ở Mường Then, có 12 vị thần tối cao cai quản trời đất, trong đó Then Chất-Chát là vị thần quyết định tới việc sinh tử, cho một linh hồn trên trời xuống nhân gian làm người và trở về trời sau khi người ấy mất đi. Theo chuyện kể thì khi xuống nhân gian, các linh hồn đều ăn cơm lam nên từ xưa người Thái đã có phong tục ngay khi sinh con, người mẹ đã ăn cơm lam treo cùng nhau thai của đứa trẻ nơi bìa rừng như một thủ tục thông báo về sự ra đời của đứa trẻ Then Chất-Chát. Nếu không, đứa trẻ sẽ không được ghi tên trong sổ sinh tử mà chỉ được chỉ được xem như kẻ “ngụ cư” và sau này sẽ không được về Mường Then khi tuổi già, sức yếu.

cơm lam 2

Ảnh : nguồn internet

Do vốn được sống trong sự hòa hợp với thiên nhiên, được thiên nhiên ưu đãi và tập tính sống gần gũi với suối, rừng nên do đó nguồn nguyên liệu trong các món ăn của người dân Thái rất đa dạng và dễ tìm kiếm. Để làm được cơm lam đầu tiên phải chọn ống tre, nứa tươi, không quá non hoặc quá già, thích hợp nhất là từ tháng 10 đến tháng 1. Ống tre, nứa còn tươi, đem về chặt chia ra mỗi đốt thành một ống lam. Chia sẻ một số kinh nghiệm của những người dân nơi đây thì khi làm ống tre, nứa thì độ dài tối thiểu để có thể làm món cơm lam thì ống phải có khoảng 25-30cm nhất là phù hợp để làm món cơm lam. Những cây nứa này khi lắc nghe thấy có tiếng nước lọc xọc bên trong, nước trắng trong hơi ngọt và dịu thơm.Người ta thường gọi đó là nước của trời và lấy thứ nước này để nấu cơm. Khâu tiếp theo là chọn gạo nếp. Đây là khâu rất quan trọng vì nó quyết định độ dẻo độ ngon của cơm lam. Muốn lam ngon thì Thứ gạo chọn để nấu cơm thường phải là nếp nương ở xã Tú Lệ (huyện Văn Chấn) hoặc nếp cẩm trồng ở hai huyện vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu. Gạo nương mới gặt và phải đúng loại gạo nương có hạt to, mẩy, trắng và có mùi thơm. Sau đó, vo gạo cho thật sạch rồi ngâm nước khoảng 3 đến 4 tiếng, vớt ra để ráo nước, rồi đổ gạo vào ống nứa, đổ nước vào ống cho ngập gạo. Không nên đổ gạo đầy ống mà phải để cách miệng một ít khí gạo chín sẽ nở ra kín miệng ống. Sau đó lấy lá chuối hoặc lá dong đậy kín miệng ống rồi cho vào bếp lửa nướng. Khi nướng phải xoay ống nứa liên tục, không cho ống lam quá cháy và để hạt gạo chín đều. Đến khi có hơi nước bốc ra từ miệng ống và có mùi thơm của cơm tức là cơm lam đã chín. Khi cơm chín đem chẻ lớp vỏ bên ngoài để lại lớp lạt mỏng, khi ăn mới bóc vỏ, xắt mỗi ống ra thành năm hay bảy khúc. Cơm lam có thể chấm với muối vừng hoặc chẳm chéo, hai loại nước chấm này sẽ góp phần tăng thêm độ thơm ngon của cơm lam.

Đến Mường Lò trong chuyến du lịch mùa thu, bạn có thể vừa thưởng thức, vừa mua những ống cơm lam ngon và hấp dẫn về làm quà như mang một chút hương vị của Tây Bắc về nhà bạn.

                                                Trần Ngọc Chiến

Đánh giá bài viết

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Liên kết kênh thông tin các tỉnh

Show Buttons
Hide Buttons