Du lịch Yên Bái đang chứng minh Nghị quyết số 28 (NQ 28) của Tỉnh ủy về phát triển du lịch (PTDL) tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã từng bước đi vào cuộc sống nhờ những giải pháp sát thực tế, đúng tinh thần và hiệu quả, tạo ra bước ngoặt đột phá cho ngành du lịch tỉnh phát triển và xây dựng được hình ảnh ấn tượng, điểm đến đặc thù “Yên Bái nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc”.
Du khách làm thủ tục nghỉ tại homstay thị xã Nghĩa Lộ. |
Đến nay, tỉnh đã hoàn thành 2/6 chỉ tiêu chủ yếu theo mục tiêu đề ra tại NQ 28 là đón và phục vụ 2.088.000 lượt khách trong năm 2023, vượt 39,2%, đạt doanh thu trên 1.721 tỷ đồng, vượt 14,7% chỉ tiêu đề ra năm 2025. Việc tổ chức các lễ hội cấp tỉnh quy mô lớn và sự chủ động khôi phục, phát huy giá trị nhiều lễ hội truyền thống, có sự vào cuộc mạnh mẽ của nhân dân đã tạo nên điểm nhấn quan trọng hình thành sản phẩm du lịch văn hóa, góp phần tăng mạnh lượng du khách trong và ngoài nước.
Có thể nói, sự quyết liệt trong chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về PTDL và chủ động bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà NQ 28 đã đề ra của lãnh đạo Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền các cấp đã góp phần cụ thể hóa và nhanh chóng đưa NQ 28 đi vào cuộc sống.
Từ năm 2021 – 2023, toàn ngành đã đón 4.470.700 lượt khách, khách quốc tế đạt 179.446 lượt, số buồng tại cơ sở lưu trú năm 2023 là 3.733 buồng, tăng 7,5% so với năm 2021; trong đó, tỷ lệ buồng đạt tiêu chuẩn ba sao trở lên là 27,1%, tăng 23,2% so với năm 2021.
Theo đó, với 4 dự án đang triển khai và chuẩn bị đi vào hoạt động là: Resort Mù Cang Chải, Khách sạn Hòa Binh Minh; An Lavita Trạm Tấu; Eco Trạm Tấu thì đến năm 2025, Yên Bái sẽ đạt chỉ tiêu NQ 28 đề ra là 1.000 buồng tại cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên.
Được biết, doanh thu từ dịch vụ du lịch của năm 2023 của tỉnh đạt 1.721 tỷ đồng, vượt 14,7% so với mục tiêu năm 2025 (1.500 tỷ đồng), tăng 3,5 lần so với năm 2021 đã góp phần tạo việc làm cho 8.400 lao động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch.
Để tạo đà cho ngành “công nghiệp không khói” phát triển, ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng Đồ án Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2040. Đây sẽ là dấu mốc quan trọng mở ra bước đột phá cho du lịch Yên Bái thời gian tới.
Theo đó, tỉnh đã chú trọng công tác cải cách hành chính, mời gọi thu hút đầu tư lĩnh vực dịch vụ, du lịch và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch.
Du khách nước ngoài trải nghiệm du lịch cộng đồng tại thị xã Nghĩa Lộ.
Đến nay, đã có nhiều dự án công trình giao thông trọng điểm có tính kết nối vùng, liên vùng, kết nối giữa các phương thức vận tải, đặc biệt kết nối hạ tầng giao thông đường bộ của tỉnh với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai được đầu tư xây dựng như: cầu Cổ Phúc, huyện Trấn Yên; cầu Giới Phiên, thành phố Yên Bái; dự án đường kết nối Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, Lục Yên, Yên Bình, Văn Yên, tỉnh Yên Bái với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (IC14); dự án đường Mường Lai, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái – Đồng Yên, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang…
Những tuyến giao thông lớn được hoàn thành, sẽ mở ra nhiều cung đường, tour tuyến hấp dẫn khách du lịch, kết nối giao thông nhanh chóng tới các thị trường du lịch ngoài tỉnh như: Lào Cai, Hà Giang, Sơn La…
Cùng với các sản phẩm, loại hình du lịch đặc trưng, tỉnh đã tập trung chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo để xây dựng, định vị rõ thương hiệu du lịch Yên Bái và hướng tới hoàn thiện hệ sinh thái du lịch xanh theo chuỗi giá trị, tạo nên hình ảnh và điểm đến đặc thù Yên Bái – Nơi nội tụ sắc màu Tây Bắc” như: du lịch sinh thái, chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng hài hòa với thiên nhiên; du lịch trải nghiệm và khám phá; du lịch tìm hiểu văn hóa các dân tộc, lễ hội truyền thống; du lịch tham quan các di tích lịch sử – văn hóa; du lịch thể thao, vui chơi, giải trí; du lịch MICE ở bốn vùng du lịch trọng điểm của tỉnh.
Đồng thời, hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao như: Khu nghỉ dưỡng An Bình; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Om Tara retreat và các điểm du lịch cấp tỉnh; phát triển, nâng cao chất lượng du lịch trải nghiệm các làng nghề chế tác đá quý và tranh đá quý tại thị trấn Yên Thế, xã Liễu Đô, xã Vĩnh Lạc, Tân Lĩnh của huyện Lục Yên.
Tại thành phố Yên Bái và vùng phụ cận đang hình thành một số sản phẩm du lịch mới như: du lịch MICE, du lịch golf; biểu diễn văn hóa, văn nghệ, trình diễn văn hóa, nghệ thuật dân gian; hình thành duy trì hoạt động của các tuyến phố đi bộ, kinh doanh thương mại, ẩm thực.
Đối với vùng du lịch miền Tây, đã hình thành được các sản phẩm du lịch có thương hiệu, đặc thù, một số điểm du lịch trong vùng đã trở thành điểm đến nổi tiếng quốc tế, góp phần định vị thương hiệu du lịch Yên Bái như: lễ hội văn hoá – du lịch Mường Lò, Lễ hội Khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; Festival khèn Mông; Lễ hội Hoa tớ dày, Lễ hội Trà shan tuyết; khôi phục các lễ hội truyền thống phục vụ du lịch như: Lễ hội Gầu tào, huyện Trạm Tấu; Lễ hội Lồng tồng, huyện Văn Chấn…
Các sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm văn hóa các dân tộc đang được xây dựng và phát triển theo hướng chuyên nghiệp, bền vững, tiếp cận khách quốc tế với trên 220 homestay hoạt động thường xuyên, bảo đảm chất lượng phục vụ.
Đặc biệt, du lịch mạo hiểm được hình thành, phát triển và nhanh chóng được định vị thương hiệu riêng như: chinh phục đỉnh Tà Xùa, Tà Chì Nhù, huyện Trạm Tấu, đỉnh Lùng Cúng, huyện Văn Chấn, dù lượn đèo Khau Phạ, khu vực cánh đồng Mường Lò…; nhiều khu nghỉ dưỡng chất lượng cao đã được đưa vào khai thác, thu hút đông du khách trong và ngoài nước như khu du lịch nghỉ dưỡng Le Champ Tú Lệ – Văn Chấn; Resort La Pán Tẩn, Ecolodge Nậm Khắt – huyện Mù Cang Chải.
Du lịch tâm linh tại đền Đông Cuông, huyện Văn Yên thu hút đông đảo du khách thập phương.
Vùng du lịch Bắc Trấn Yên – Văn Yên đang tập trung phát triển loại hình du lịch tâm linh gắn với các lễ hội văn hóa, truyền thống như Lễ hội đền Đông Cuông, Lễ hội quế, Festival Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn; Lễ hội đền Nhược Sơn…; hình thành các điểm du lịch cộng đồng, khám phá thiên nhiên, tại khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, du lịch nghỉ dưỡng Đại Phú An và trải nghiệm các làng nghề truyền thống như làng nghề tơ tằm; măng tre Bát độ….
Cùng với đó là các cơ chế, chính sách, đề án thúc đẩy phát triển du lịch được HĐND, UBND tỉnh ban hành đồng bộ, quyết liệt, tạo động lực mạnh mẽ cho du lịch phát triển. Đến nay, Yên Bái có 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại là Nghệ thuật Xòe Thái và 7 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, tỉnh cũng đã xác định hình thành sản phẩm du lịch chủ đạo là “du lịch văn hóa” và chỉ đạo các cấp chính quyền, đoàn thể nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm khơi dậy lòng tự hào về bản sắc văn hoá, con người Yên Bái.
Được biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của trung ương về nhiệm vụ, giải pháp tăng tốc PTDL hiệu quả, bền vững.
Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng hình ảnh chính quyền năng động, thân thiện; ưu tiên nguồn lực tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực phát triển ngành dịch vụ, du lịch; dành quỹ đất có vị trí thuận lợi để thu hút đầu tư những tổ hợp du lịch quy mô lớn với các thương hiệu du lịch cao cấp
Khuyến khích đẩy mạnh các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch; tập trung xây dựng các thôn, bản du lịch cộng đồng theo hướng chuyên nghiệp, bền vững; đẩy mạnh liên kết hợp tác PTDL với các địa phương trong cả nước, liên kết chặt chẽ, phối họp với các tỉnh xây dựng các tour, tuyến du lịch.
Đồng thời, đổi mới, đa dạng hóa các hình thức xúc tiến, quảng bá du lịch; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng hệ sinh thái du lịch, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo AI…, góp phần xây dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách theo phương châm “Mỗi người dân là một đại sứ du lịch” để thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Yên Bái.
Thanh Hương