Là thành viên mạng lưới bảo tồn tri thức bản địa các dân tộc Việt Nam, Câu lạc bộ (CLB) Bảo tồn tri thức bản địa thị xã Nghĩa Lộ được thành lập từ năm 2007 đến nay đã tập hợp, đoàn kết được các nghệ nhân, người nắm giữ, am hiểu, người nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân tộc tự nguyện tham gia với mục tiêu bảo tồn, phát huy tri thức bản địa các dân tộc, góp phần tôn vinh, quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa dân tộc vùng Mường Lò – Nghĩa Lộ.
Thành viên Câu lạc bộ Bảo tồn tri thức bản địa thị xã Nghĩa Lộ trình diễn Nghệ thuật xòe Thái.
|
Tham gia vào Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa – Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 vừa qua, nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến – thành viên CLB Bảo tồn tri thức bản địa thị xã Nghĩa Lộ đã tích cực cố vấn cho kịch bản màn nghệ thuật với chủ đề “Xòe Thái – Tinh hoa miền di sản”, kịch bản màn đại xòe, trực tiếp tham gia biểu diễn màn nghệ thuật; tư vấn trưng tập người tham gia màn nghệ thuật.
Bà Lò Thị Huân – Chủ nhiệm CLB Bảo tồn tri thức bản địa cũng đóng góp nhiều công sức vào các hoạt động trong dịp lễ hội này. Bà tham gia cố vấn vào kịch bản màn nghệ thuật với mong muốn góp phần tôn vinh được giá trị văn hóa đồng bào dân tộc Thái cũng như Nghệ thuật xòe Thái.
Đồng thời, bà đã huy động các thành viên biểu diễn nghệ thuật xòe để quảng bá, giới thiệu trong dịp trước, trong và sau lễ hội trên sóng VTV1 và các kênh truyền thông của trung ương, địa phương.
Bà Lò Thị Huân cho biết: “Đây là dịp để các thành viên CLB thể hiện niềm tự hào dân tộc và tôn vinh nghệ thuật xòe Thái nên khi được huy động biểu diễn ai cũng cố gắng, mặc dù công việc bận rộn và cả tham gia vào tập luyện cho lễ hội. Qua đó cho thấy, tình yêu với nghệ thuật xòe nói riêng và văn hóa dân tộc Thái nói chung của những thành viên CLB”.
Cô giáo Chu Thị Tú Liên – thành viên CLB cũng là người tham gia làm trợ lý đạo diễn màn đại xòe và chương trình diễu diễn đường phố; hướng dẫn tuyến di chuyển của từng màn xòe. Tuy vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn vừa tham gia tập luyện nhưng cô Liên đã rất nhiệt tình, không quản thời gian, thời tiết, luôn có mặt tập luyện đúng giờ và hỗ trợ đạo diễn giúp công tác tập luyện đạt hiệu quả, chất lượng.
Hiện nay, CLB tiếp tục duy trì hoạt động đều đặn. Có thời điểm số lượng thành viên lên tới hơn 100 người, trong đó lực lượng nòng cốt tham gia hoạt động thường xuyên khoảng 30 người, tập trung hoạt động trên một số lĩnh vực: bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, phong tục tập quán, trang phục, tín ngưỡng, các trò chơi dân gian dân tộc; xây dựng đội văn nghệ nòng cốt, giúp đỡ các thành viên của CLB và các hộ gia đình có điều kiện khôi phục, phát huy các sản phẩm truyền thống, ẩm thực dân tộc phục vụ du lịch; bảo tồn, phát huy chữ Thái Cổ, nhạc cụ dân tộc, lễ hội truyền thống các dân tộc; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Mường.
CLB đã góp phần đắc lực thành lập được hàng chục đội văn nghệ truyền thống; mở truyền dạy hơn 20 lớp chữ Thái cổ; tham gia xây dựng các đề tài khoa học nghệ thuật xòe; hội Hạn Khuống…
Các thành viên CLB hiện còn ấp ủ ý định về việc tập hợp tác phẩm nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác và các bài viết về lịch sử, văn hóa truyền thống của vùng để biên tập, xây dựng cuốn sách nội bộ; đăng ký thực hiện các đề tài khoa học nghiên cứu về các giá trị văn hóa dân tộc nhằm tiếp tục góp phần bảo tồn, quảng bá, giới thiệu văn hóa, góp phần xây dựng thị xã văn hóa – du lịch.
Thu Hạnh