Quy mô lập quy hoạch khu du lịch quốc gia Hồ Thác Bà khoảng 53.001 ha thuộc địa phận huyện Yên Bình và huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái; dân số khoảng 125.239 người.
Theo Cổng TTĐT Bộ Xây dựng, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị thẩm định Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040.
Báo cáo tóm tắt thuyết minh Đồ án, đại diện đơn vị tư vấn (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn) cho biết, Hồ Thác Bà nằm trong lưu vực sông Chảy thuộc địa bàn hai huyện Yên Bình và Lục Yên, tỉnh Yên Bái, là một trong những hồ chứa nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam. Bên cạnh đó, Hồ Thác Bà nằm trong không gian văn hóa đặc sắc “Vùng Văn hóa sông Chảy”, nơi lưu giữ nhiều giá trị độc đáo về đời sống, canh tác, văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi như Dao, Tày, Nùng, Cao Lan…
Song tiềm năng phát triển du lịch của danh thắng này chưa được khai thác đầy đủ. Hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch thiếu đồng bộ và không đảm bảo chất lượng. Do đó, việc lập quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040 là rất cần thiết và mang tính cấp bách.
Phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích mặt nước Hồ Thác Bà và vùng phụ cận thuộc địa giới hành chính huyện Yên Bình và huyện Lục Yên. Quy mô lập quy hoạch khoảng 53.001 ha thuộc địa phận huyện Yên Bình và huyện Lục Yên; dân số khoảng 125.239 người.
Khu du lịch quốc gia Hồ Thác Bà được quy hoạch với tính chất là vùng bảo tồn, phát huy giá trị sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa đặc thù của quốc gia; là vùng có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh quốc gia; là vùng bảo đảm an ninh năng lượng, cấp nước, thủy lợi cho vùng Đồng bằng Sông Hồng.
Bên cạnh định hướng quy hoạch không gian, hành lang sinh thái (phát triển du lịch xanh, gắn liền với đa dạng sinh học và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái), Đồ án đưa ra những định hướng về phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho Khu du lịch, trong đó có định hướng phát triển giao thông, chuẩn bị kỹ thuật, cấp điện – nước, thoát nước thải, quản lý chất thải rắn…
Trong quá trình phát triển, Yên Bái đặc biệt quan tâm, giữ gìn và phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên của Khu du lịch, bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc trong vùng để đảm bảo đây là vùng trọng tâm cho du lịch, không chỉ của tỉnh Yên Bái mà cả vùng Trung du miền núi phía Bắc.
Tại hội nghị, các thành viên Hội đồng đánh giá Đồ án bám sát nội dung Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Hồ Thác Bà đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời cụ thể hóa được những nội dung quy hoạch liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đánh giá tương đối đầy đủ hiện trạng kinh tế xã hội, dân số của Khu du lịch và đưa ra các định hướng phát triển phù hợp.