Với các biện pháp kích cầu, mở cửa hoạt động du lịch đồng bộ, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và khai thác hiệu quả tiềm năng, kết thúc năm 2022, ngành du lịch Yên Bái không chỉ phục hồi mạnh mẽ mà còn tạo ra nhiều điểm đến ấn tượng, hấp dẫn.
Vòng đại xòe tại Lễ vinh danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
|
Sau 2 năm “ngủ đông” vì đại dịch Covid-19, từ đầu năm 2022, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, tỉnh Yên Bái đã nhanh chóng thúc đẩy các hoạt động du lịch gắn với bảo đảm an toàn, chuẩn bị từ sớm, từ xa các giải pháp chuyển trạng thái dần thích ứng với bối cảnh bình thường mới, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế.
Tỉnh xây dựng kế hoạch kích cầu, phục hồi du lịch nội tỉnh làm tiền đề hướng tới phục hồi du lịch trong nước và từng bước mở cửa du lịch quốc tế; tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch tại các địa điểm nổi tiếng như: Danh thắng Quốc gia hồ Thác Bà, Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, du lịch tâm linh khu vực sông Hồng, sông Chảy, đặc biệt là “Nghệ thuật Xòe Thái” – Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại…; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin du lịch trong toàn tỉnh, đa dạng các sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng mới của thị trường gắn với đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch.
Cùng đó, việc hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch được đẩy nhanh quá trình phục hồi, cơ cấu lại hoạt động kèm theo nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Từ tháng 4 năm 2022, du lịch Yên Bái sôi động trở lại với nhiều hoạt động quảng bá về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, những khu nghỉ dưỡng độc đáo, hấp dẫn, người dân địa phương thân thiện trên thông tin đại chúng đã thúc đẩy nhu cầu đi du lịch của người dân sau thời gian dài bị hạn chế.
Những điểm đến như: hồ Thác Bà, Suối khoáng nóng Trạm Tấu, LeChamp – Tú Lệ, Suối Giàng – Văn Chấn, Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, cánh đồng Mường Lò – Nghĩa Lộ… đều ghi nhận số lượng du khách du lịch đông đảo. Khách nội tỉnh và trong nước tăng đột biến, hài lòng về chất lượng sản phẩm du lịch.
Các doanh nghiệp, đơn vị du lịch sau thời gian gián đoạn cũng đã chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch, mở thêm nhiều gói ưu đãi giảm giá tour du lịch trong các ngày nghỉ, mùa du lịch…
Các chương trình, lễ hội của tỉnh từ tháng 9 đến tháng 12 như: Lễ đón bằng UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Lễ hội Văn hóa – Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Lễ hội Quế huyện Văn Yên; Festival Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn gắn với Lễ hội Cơm mới đền Đông Cuông; Lễ hội Bưởi Đại Minh và khám phá Danh thắng Quốc gia hồ Thác Bà; Lễ hội hoa Tớ dày; Chương trình du lịch “Về miền đất Ngọc” huyện Lục Yên… đều được các địa phương chuẩn bị chu đáo, hấp dẫn du khách.
Hết năm 2022, Yên Bái đã đón gần 1,6 triệu lượt khách, bằng 144% kế hoạch, tăng gấp 2 lần so với năm 2021, trong đó khách quốc tế đạt 28 nghìn lượt. Doanh thu từ du lịch ước đạt trên 1.100 tỷ đồng, bằng 130% kế hoạch, gấp 2,2 lần so với năm 2021.
Ấn tượng với kết quả du lịch năm 2022, tỉnh Yên Bái tiếp tục triển khai các chính sách thiết thực, phù hợp, chú trọng nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ du lịch, các chính sách góp phần tôn vinh, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và liên kết phát triển du lịch trong và ngoài nước để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 28 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Hoài Văn