Sơn La được biết đến là tỉnh có nhiều tiềm năng du lịch tự nhiên và nhân văn. Ngoài các di tích lịch sử, các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của 12 dân tộc như: Phong tục tập quán, lễ hội, trang phục, văn nghệ dân gian, kiến trúc nhà cửa, ẩm thực…; Cảnh quan thiên nhiên đẹp như: Cao nguyên Mộc Châu với khí hậu mát mẻ trong lành, nhiều hang động, thác nước, đồng cỏ, đồi chè bát ngát, hiện đang được Quy hoạch thành khu du lịch Quốc gia đã trở thành những sản phẩm du lịch được khai thác thì Du lịch vùng lòng hồ sông Đà được biết đến là sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn của tỉnh Sơn La.
Ảnh: Cảnh quan lòng hồ thủy điện tại Bắc Yên
Sông Đà bắt nguồn từ Trung Quốc chảy qua các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội và các tỉnh đồng bằng bắc bộ. Thủy điện Sơn La là công trình thủy điện lớn nhất đông Nam Á thủy là “bậc thang” thứ hai trên sông Đà (trên là thủy điện Lai Châu, dưới là thủy điện Hòa Bình), với công suất lắp đặt 2400 MW (gồm 6 tổ máy, mỗi tổ máy 400MW), có công trình chính đặt tại xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Diện tích vùng lòng hồ thủy điện Sơn La khoảng 16.000 ha sau khi tích nước đến cao trình 215m, hồ có chiều dài hơn 120km, điểm đầu từ đập thủy điện tại thị trấn Ít Ong (Mường La) và điểm cuối là thị xã Mường Lay (Lai Châu), diện tích hồ chứa gần 225 km2, với dung tích 9,26 tỷ m3, lưu vực phủ rộng gần 44.000 km thuộc địa phận ba tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu. Vùng lòng hồ Sơn La và vùng phụ cận nằm trên địa phận các huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La, Mai Sơn, Bắc Yên Yên Châu, Phù Yên, thị trấn Mộc Châu và Thành phố Sơn La, trong không gian gắn liền với hồ thủy điện Sơn La và hồ thủy điện Hòa Bình trên địa phận tỉnh Sơn La.
Ảnh: Cảnh quan lòng hồ thủy điện Sơn La
Với các tiêu chí: Có tài nguyên du lịch về cảnh quan thiên nhiên và tài nguyên nhân văn đủ sức hấp dẫn và thu hút khách du lịch; Có khả năng hình thành điểm du lịch sinh thái phát triển bền vững và tham gia liên kết với các điểm du lịch hiện có trong vùng, trong huyện, trong tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương và của tỉnh; Các địa phương (huyện Mộc Châu, Phù Yên, Bắc Yên, Mường La, Quỳnh Nhai) có nguyện vọng và sự đồng thuận tham gia vào hoạt động dịch vụ du lịch. Có khả năng, năng lực tổ chức một số hoạt động du lịch và dịch vụ phục vụ khách du lịch; Được xác định trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sơn La giai đoạn 2007- 2015 và định hướng đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Ngày 06/6/2012 UBND tỉnh Sơn La đã có Quyết định số 1128/QĐ-UBND về việc cho phép lập Dự án Quy hoạch khu du lịch thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Ảnh: Mây phủ bên núi trên lòng hồ thủy điện
Vị trí của du lịch lòng hồ thủy điện đã được xác định rõ trong định hướng chiến lược phát triển du lịch Việt Nam cũng như quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sơn La. Sự phát triển của du lịch lòng hồ thủy điện Hòa Bình và Sơn La có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển du lịch không chỉ của địa phương tỉnh Sơn La mà còn với du lịch cả nước. Sự phát triển du lịch ở đây, ngoài ý nghĩa về kinh tế còn góp phần rất quan trọng vào nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường tự nhiên cũng như truyền thống văn hóa dân tộc; tạo việc làm và nâng cao mức sống cho cộng đồng thông qua việc thu hút người dân bản địa vào hoạt động dịch vụ du lịch.
Ảnh: Du thuyền trên lòng hồ thủy điện Sơn La
Trong quy hoạch phát triển du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La, diện tích mặt hồ này chính là “không gian phát triển du lịch” trung tâm.
Yếu tố chính là đập thủy điện Sơn La và nhà máy thủy điện Sơn La. Tuy nhiên bên cạnh diện tích mặt hồ, đập và nhà máy thủy điện trên lòng hồ còn nhiều khu vực chứa đựng những tài nguyên du lịch hết sức có giá trị. Ngoài ra còn nhiều điểm tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú và đặc sắc nằm ở khu vực phụ cận các lòng hồ thủy điện, trải khắp trên địa bàn 8 huyện, 1 thành phố của Sơn La.
Có thể thấy cảnh quan thiên nhiên là yếu tố thu hút du lịch nổi trội của khu vực lòng hồ ở tỉnh Sơn La, nơi đây mặt hồ trong xanh, phẳng lặng được bao quanh bởi những dãy núi muôn hình muôn vẻ, với những ngôi làng thấp thoáng ven hồ tạo nên một trong những khu vực có cảnh quan hấp dẫn nhất ở miền Bắc. Ngoài ra, hệ thống đảo nhỏ cũng là những điểm tham quan, dừng chân hết sức hấp dẫn ở lòng hồ, đặc biệt ở phía thượng lưu của hồ Sơn La.
Sơn La cũng là địa phương có nhiều nguồn khoáng nóng, tập trung ở khu vực Bản Bon (Mường Chiên, Quỳnh Nhai), Ngọc Chiến (Mường La), Chiềng Sại (Bắc Yên) và Chiềng Yên (Vân Hồ). Đây là tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe quan trọng của tỉnh.
Ảnh: Dịch vụ tắm khoáng nóng tại Ngọc Chiến, Mường La
Bên cạnh các giá trị tự nhiên, khu vực này còn có các giá trị vô cùng to lớn về tài nguyên du lịch nhân văn gắn với văn hóa dân tộc do có nhiều tài nguyên du lịch gắn với các bản làng dân tộc của các dân tộc sinh sống tại tỉnh Sơn La, trong đó nhiều nhất là các bản làng người Thái, Mường và Mông.
Ảnh: Đánh băt cá trên lòng hồ thủy điện
Sơn La có nhiều điểm di tích gắn với thời kỳ kháng chiến chống Pháp nằm ở khu vực phụ cận lòng hồ. Đây là điều kiện thuận lợi để đa dạng hóa sản phẩm du lịch với những sản phẩm du lịch lịch sử – cách mạng, giáo dục truyền thống yêu nước và anh hùng cách mạng.
Với nhiều điểm du lịch tâm linh ven hồ thủy điện, là điều kiện để phát triển và hình thành sản phẩm du lịch tâm linh dọc hồ thủy điện, nổi bật như Đền thờ Nàng Han và Linh Sơn Thủy Từ (Quỳnh Nhai), đền Hang Miếng (Vân Hồ)…
Ảnh: Đền Nàng Han
Ảnh: Đền Linh Sơn Thủy Từ
Với đặc thù hình thành qua nhiều thập kỷ, dọc bờ hồ thủy điện Hòa Bình, hồ thủy điện Sơn La hình thành nhiều điểm chợ phiên nổi tại Quỳnh Nhai, Mường La, Mai Sơn, Bắc Yên, Vân Hồ. Đây cũng là một giá trị du lịch đặc sắc của Sơn La nói riêng và vùng dọc sông Đà nói chung.
Các giá trị đa dạng sinh học, cảnh quan và nhân văn của các dân tộc thiểu số khu vực lòng hồ thủy điện và phụ cận là những tài nguyên du lịch sinh thái đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch.
Với các tiềm năng trên, Sơn La đang tập trung phát triển các loại hình du lịch gắn với vùng lòng hồ sông Đà như:
– Tham quan vùng lòng hồ sông Đà gắn với các công trình xây dựng nổi tiếng (thuỷ điện Sơn La – Thuỷ điện lớn nhất Đông Nam Á, Cầu Pá Uôn – Cây cầu cao nhất Đông Nam Á).
– Du thuyền trên sông, tham quan tìm hiểu văn hoá truyền thống tại các bản dân tộc 2 ven bờ.
– Du lịch cộng đồng các dân tộc ven hồ thủy điện và vùng phụ cận như bản du lịch cộng đồng dân tộc Thái (Quỳnh Nhai, Mường La), Mông (Vân Hồ, Mộc Châu), Mường (Vân Hồ)…
– Du thuyền trên sông, tham gia vào lễ hội văn hoá truyền thống: Lễ hội đua thuyền, lễ hội Nàng Han…hoặc tham quan các chợ nổi ven sông.
– Du lịch vùng lòng hồ gắn với Du lịch tâm linh (Đền Linh Sơn Thuỷ Từ tại huyện Quỳnh Nhai).
– Du lịch thể thao vùng lòng hồ.
Ảnh: Cảnh quan bản làng ven hồ thủy điện Sơn La
Mặc dù có tiềm năng phát triển du lịch có giá trị tuy nhiên du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, do chưa được quan tâm đầu tư thích hợp, các sản phẩm du lịch mới chỉ dừng lại ở mức độ khai thác các
Ảnh: Tàu thuyền hoạt động trên lòng hồ thủy điện
Để phát triển du lịch vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La kết nối với các tỉnh Hoà Bình, Điện Biên, Lai châu, chúng ta cần triển khai các giải pháp sau:
Một là: Xây dựng quy hoạch chi tiết du lịch vùng lòng hồ sông Đà của từng tỉnh và Quy hoạch chung 4 tỉnh Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu.
Hai là: Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch
- Đầu tư phát triển tuyến đường bộ theo trục Quốc lộ 6
- Đầu tư phát triển hệ thống tàu du lịch, các dịch vụ du lịch bổ sung trên tuyến đường thuỷ dọc sông Đà.
- Đầu tư xây dựng các bến tàu du lịch, nơi dừng nghỉ chân và các dịch vụ kèm theo.
Ba là: Xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của mỗi tỉnh, tránh sự trùng lặp.
Bốn là: Đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá Du lịch vùng lòng hồ, thu hút các nhà đầu tư, các công ty du lịch.
Năm là: Phát triển nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch, nhân viên phục vụ trên tàu du lịch.
Sáu là: Liên kết phát triển tuyến du lịch, kết nối các loại hình, sản phẩm, điểm du lịch của 4 tỉnh Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Ngoài việc phát triển các loại hình du lịch vùng lòng hồ chung của 4 tỉnh, cần kết nối với các điểm du lịch khác trên tuyến đường bộ của các tỉnh để tránh sự nhàm chán cho du khách (Hoà Bình phát triển các điểm du lịch cộng đồng, Sơn La phát triển du lịch sinh thái tại Mộc Châu, du lịch Điện Biên gắn với các di tích lịch sử… ).
Bảy là: Có cơ chế chính sách hợp tác phát triển du lịch, chính sách thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế.
Với những giải pháp trên, hy vọng rằng trong thời gian không lâu nữa, du lịch lòng hồ thủy điện trên sông Đà sẽ có những bước tiến mới, thành công mới, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Sơn La nói riêng, khu vực Tây Bắc nói chung.