Dự án GREAT là một trong những hoạt động nổi bật trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác song phương của Tuần Lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng. Dự án được ký kết với mục tiêu tổng quát: Hỗ trợ thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền năng kinh tế cho phụ nữ tỉnh Lào Cai và tỉnh Sơn La thông qua cải thiện vị thế kinh tế và xã hội bằng cách hỗ trợ nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch của địa phương. Dự án sẽ tạo điều kiện cho phụ nữ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và nhờ vậy vị thế của người phụ nữ được đề cao và phát huy nhằm tạo xung lực thúc đấy bình đẳng giới và trao quyền quyền năng kinh tế cho phụ nữ trong mọi mặt đời sống xã hội. Dự án này sẽ được thực hiện trong 5 năm, từ 2017 đến 2021 với tổng mức đầu tư khoảng 35,278 triệu AUD (Đô la Australia). Trong đó tỉnh Sơn La, được phân bổ 16,85 triệu đô la Autralia, tương đương 288,236 tỷ đồng Việt Nam nhằm giúp đỡ, hỗ trợ khoảng 40.000 phụ nữ tự kinh doanh, cải thiện thu nhập và tạo ra khoảng 4.000 việc làm mới cho phụ nữ , đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ.
Ngày 24 tháng 7 năm 2018 tại huyện Mộc Châu, Ban Chỉ đạo dự án GREAT tỉnh Sơn La phối hợp với Công ty Cowater Sogema Inc. Int. tổ chức Hội thảo Khởi động Dự án thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch (gọi tắt là GREAT) do Chính phủ Australia tài trợ, với chủ đề: ” Khởi động sáng kiến, trao quyền kinh tế của phụ nữ ở Tây Bắc Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có đại diện nhà thầu quản lý Dự án, đại diện Ban Quản lý Dự án GREAT tỉnh Lào Cai cùng Ban Quản lý Dự án GREAT tỉnh Sơn La; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; UBND huyện Mộc Châu, Vân Hồ và các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn hai huyện Mộc Châu, Vân Hồ…
Tại buổi lễ khởi động, kế hoạch kêu gọi đề xuất hợp tác của dự án cũng được công bố nhằm thu hút các đối tác từ nhiều thành phần kinh tế khác nhau xây dựng và thực hiện các giải pháp sáng tạo, từ đó nâng cao vị thế kinh tế xã hội của người phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số tại hai tỉnh thuộc dự án. Bên cạnh đó các đại biểu dự Hội thảo đã thảo luận, tham góp ý kiến vào các phương pháp tiếp cận dự án; kế hoạch thực hiện Dự án GREAT tại tỉnh Sơn La và phương hướng giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho phụ nữ trong thực hiện dự án…
Dự án thực hiện sẽ đem lại lợi thế cho phụ nữ các dân tộc trên địa bàn hai huyện của tỉnh Sơn La tạo nhiều việc làm ổn định và phát triển kinh tế bền vững trong giai đoạn hiện nay và các năm tiếp theo. Đây cũng là động lực nhằm khích lệ động viên phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh hăng hái thi đua tham gia xây dựng sản phẩm phát triển kinh tế gắn với phát triển du lịch bền vững góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Sơn La nói chung.