Người Mông ở Ngũ Chỉ Sơn truyền nhau câu chuyện cổ tích rằng: Ngày xưa ở vùng đất này, hằng năm cứ đến độ tháng ba, ngày tám, nhà người Mông không có cái để ăn. Người Mông bất chấp hiểm nguy, thú dữ rình rập tính mạng vào rừng săn bắt, hái lượm kiếm cái ăn gắng đợi đến vụ mùa gặt có thóc, ngô. Thấy cảnh người Mông bữa no, bữa đói, Nhà Trời đặt một bàn tay xuống mặt đất ngón chỉ lên trời, trong lòng bàn tay có chứa một hang thóc quý. Nhà Trời dặn người Mông: “Hang thóc quý này dành cho người hết thóc lấy về nhà ăn, nhớ đến vụ gặt đem thóc trả lại”. Từ bấy giờ người Mông ở chân núi Ngũ Chỉ Sơn không còn cảnh đói “mờ hai mắt”. Một ngày kia, hang thóc bị kẻ xấu lén mang thóc lép đổ vào. Nhà Trời biết hang thóc quý bị vấy bẩn, mất đi sự tôn nghiêm nên đóng sập cửa hang. Hang thóc biến mất, chỉ còn bàn tay núi đá Nhà Trời. Bởi vậy mà đường lên Ngũ Chỉ Sơn dù không dài nhưng lại là cung đường thử thách, rất gian nan với những dốc đá dựng đứng, cao hun hút. Đó là nơi mà như Tống Ngọc Hân đã viết: “…là nơi mà ngay cả những thợ săn cừ khôi nhất cũng phải chùn bước”.
Xuất phát từ nhà thờ trung tâm thị xã Sa Pa, chúng tôi đến xã Ngũ Chỉ Sơn qua đường quốc lộ 4D đi Lai Châu và rẽ vào đường tỉnh 155. Sau khoảng 1h ngồi xe máy, ngắm nhìn thiên nhiên tươi đẹp hai bên đường với núi non trùng điệp, ruộng bậc thang xanh mướt, thỉnh thoảng xen lẫn những ruộng hoa ly, hoa cúc công nghệ cao và trang trại cá hồi chất lượng cao, chúng tôi tới trang trại cá hồi Anh Đức, nằm tại thôn Suối Thầu 2 và cũng chính là địa điểm tập kết để xuất phát leo núi.
Ngũ Chỉ Sơn nhìn từ xa (ảnh: Nguyễn Trung Kiên)
Nằm ở độ cao khoảng 1600m so với mực nước biển, thôn Suối Thầu 2 với trên 100 hộ dân người Mông sinh sống tản mạn ở quanh chân núi Ngũ Chỉ Sơn tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình. Những nếp nhà người Mông đơn sơ nằm lặng lẽ trên những sườn đồi giống như cuộc sống đơn giản bình dị của họ. Đi cùng chúng tôi là 3 porter người Mông là anh Giang, anh Rủ và anh Chảo. Những “cố tỷ” (người anh em tốt – theo tiếng Mông) luôn dặn chúng tôi leo chậm, giữ sức và tận hưởng bầu không khí tuyệt vời của núi cao.
Hành trình leo Ngũ Chỉ Sơn có thể chia thành 2 chặng, chặng 1 là từ Suối Thầu tới lán nghỉ ở độ cao 2549m (theo đồng hồ GPS Garmin), chặng 2 từ lán nghỉ tới đỉnh ở độ cao 2822m (theo đồng hồ GPS Garmin).
Vượt suối Thầu (ảnh: Bùi Hà)
Ở chặng đầu tiên, chúng tôi vượt qua con suối Thầu để đến với bình nguyên hoa xoay – một loài hoa dại mọc tự nhiên thành từng cụm nhỏ. Hoa xoay mọc tự nhiên ở khắp bình nguyên như đang vẫy chào người lữ khách. Mặc dù phía trước là quãng đường leo núi dài, nhiều chông gai, nhưng ngoảnh mặt lại khung cảnh thu trong tầm mắt lại vô cùng tươi đẹp, kì diệu. Không lâu sau cảnh quan thay đổi từ bình nguyên sang rừng già. Rừng già núi cao bắt đầu độ cao trung bình 1800m. Đoạn này mấy “cố tỷ” nhắc chúng tôi đi nhanh, đều chân để giữ ấm cơ thể và tránh vắt. Vượt qua khu vực nhiều lá, mùn ẩm thì có thể dừng lại để ngắm cảnh ở độ cao khoảng 2400m. Thảm thực vật trong rừng đa dạng với các lớp cảnh quan tự nhiên như rừng trúc, hoa đỗ quyên, cây cổ thụ, nấm hương,… khiến cho bạn như lạc vào những câu truyện cổ tích của phương Tây. Đặc biệt, những khoảng trời quang, rừng vắng, khi ngoảnh lại bạn sẽ thấy biển mây ở phía xa, thác nước trắng xóa giữa rừng ầm ì reo vui bài ca chào mừng người lữ khách.
Nấm hương mọc giữa rừng già đẹp tựa cổ tích (ảnh: Bùi Hà)
Dẫu vậy, bạn sẽ thực sự bị thử thách khi đến với địa hình dốc đá dài khoảng 1km. Do đường mòn khá hẹp nên chúng tôi được nhắc nhở cần leo chậm, điều hòa nhịp thở và luôn chú ý kiểm tra lại bảo hộ đầu gối, găng tay và dây giày. Vách đá dựng đứng có độ dốc lên đến 70% tạo nên cảnh quan thiên nhiên kì vĩ. Chỉ cần giơ máy ảnh lên là bạn đã có ngay những bức hình đẹp để đời tại Ngũ Chỉ Sơn. Trước khi đến với lán nghỉ, bạn sẽ được hưởng một trận gió mát đã đời tại khu vực eo gió (rừng trúc). Sau khoảng 4 tiếng leo liên tục, đoàn đã tới lán nghỉ ở độ cao 2549m so với mực nước biển. Lán nghỉ được dựng từ năm 2017 do những “cố tỷ” người Mông ở xã Ngũ Chỉ Sơn mang lên hoàn toàn bằng tay không. Có thế mới thấy sức mạnh của con người, tuy nhỏ bé nhưng không khuất phục trước thiên nhiên.
Nghỉ ngơi, dùng bữa tối xong chúng tôi đi ngủ sớm để 6h sáng hôm sau xuất phát chinh phục đỉnh Ngũ Chỉ Sơn và sẽ xuống núi ngay để kịp về điểm xuất phát trước 4h chiều. Từ lán nghỉ, các vách đá chúng tôi phải vượt qua dốc hơn hẳn, có những điểm dốc dựng đứng lên đến 80%, leo hoàn toàn bằng thang gỗ và cần bám dây thừng để hỗ trợ. Đoàn của chúng tôi có sự có mặt của anh Trần Xuân Tiên (chuyên gia xây dựng đường trail, trekking của Topas Travel). Là người đã có kinh nghiệm trong xây dựng sản phẩm du lịch thể thao và đã chinh phục nhiều đỉnh núi cao khắp Việt Nam, anh Tiên đánh giá, chinh phục Ngũ Chỉ Sơn quả thật không khó nhưng không hề đơn giản. Dẫu vậy, đổi lại với sự gian nan, vất vả đó là niềm vui ngọt ngào khi chinh phục đỉnh. Và theo đồng hồ định vị GPS của đoàn, thì đỉnh cao chúng tôi chinh phục có độ cao 2822m so với mực nước biển.
Trên đỉnh Ngũ Chỉ Sơn (ảnh: Nguyễn Trung Kiên)
Cảm xúc trong chúng tôi lúc này là vỡ òa vì đã thành công, đã vượt qua giới hạn của bản thân mình. Leo núi giống như một dạng “chất kích thích xanh” khiến cuộc sống giảm bớt áp lực và thúc đẩy bản thân tiến bộ hơn. Sự nhanh nhẹn và linh hoạt mà bạn rèn luyện được khi leo núi làm bạn trở nên kiên nhẫn, giải quyết vấn đề một cách tích cực và điều tiết cái tôi của bản thân hài hòa hơn nữa. Đặc biệt là khi bạn đã chinh phục thành công Ngũ Chỉ Sơn – đệ nhất hùng quan của Lào Cai, hãy đến đây để cùng chúng tôi vượt qua giới hạn của bạn và vinh danh mình trên những cung đường đầy cảm xúc.
Bùi Hà