Sa Pa là huyện miền núi thuộc tỉnh Lào Cai, cư dân đồng bào Mông tại đây sinh sống trên địa hình đồi núi ở độ cao thường từ 1200 đến 1650m. Huyện Sa Pa có khí hậu khắc nghiệt, thường có băng tuyết vào mùa đông, khiến cây trồng cháy lá, gia súc chết vì giá rét. Mưa lớn, gây sạt lở đất và ngập úng vào mùa hè.
Điều kiện địa lý kết hợp với khí hậu khắc nghiệt, đã gây rất nhiều trở ngại cho cuộc sống của các cư dân đồng bào thiểu số đang sinh sống tại đây. Vượt lên khó khăn, người Mông vẫn đứng vững bằng cách giúp đỡ nhau trong sinh hoạt lẫn lao động, dần thành nếp, sự giúp nhau ấy đã chuyển thành thói quen gọi là tập quán đổi công.
Người Mông sống rải rác trên các sườn đồi, sườn núi, canh tác trên các thửa ruộng bậc thang, có khi bắt đầu từ chân núi rồi nối đuôi nhau, giật cấp tới đỉnh núi cao. Vào vụ cấy, một gia đình nếu không làm kịp tiến độ, cây lúa có khả năng sẽ không phát triển và chín đồng đều. Việc đổi công giúp vụ cấy được nhanh hơn. Đồng bào vùng cao đời sống còn nghèo, đổi công, không những tiết kiệm thời gian mà còn giúp bà con tiết kiệm chi phí thuê nhân công.
Trong ngày đổi công, chủ nhà nếu có điều kiện sẽ mời cơm người tới giúp hai bữa trưa và tối, nếu không có điều kiện, thì mọi người sẽ cùng ăn chung bữa tối, còn bữa sáng mọi người tự túc, nam nữ sẽ cùng ăn cơm và uống rượu. Thức ăn thường là những thức tự nuôi trồng được như: Lợn, gà, rau susu, bí, đậu…thức ăn được chế biến đơn giản, miễn sao đảm bảo vệ sinh là được. Sau một ngày làm việc, mọi người cùng ăn cơm vừa là để kết nối tình cảm láng giềng vừa để chia sẻ kinh nghiệm canh tác, nuôi trồng…
Nông dân vùng cao không thích dùng máy cày vì máy sẽ cày không được sâu, hơn nữa khi di chuyển lên bậc trên sẽ khó di chuyển máy lên cao. Dùng trâu thì khác, một con trâu tuy đắt gấp đôi máy cày, nhưng dễ di chuyển trên đồi núi, một chiếc máy cày dùng một hai năm hỏng không sửa được thì vứt đi, nhưng trâu nếu chăm sóc tốt cũng có thể “đổi công” với người nông dân cho tới hết đời.
Duy TIPC tổng hợp