Tài nguyên du lịch nhân văn của Lào Cai được hình thành từ sự đa dạng về dân tộc, văn hóa và lịch sử. Đến Lào Cai du khách có cơ hội trải nghiệm và khám phá văn hóa của hàng chục dân tộc thiểu số sinh sống trong khu vực. Điều này tạo ra một không gian đa sắc màu, nơi mà du khách có thể tìm hiểu về phong tục, tập quán, nghệ thuật truyền thống và lịch sử của các dân tộc như H’Mông, Dao, Tày, Xa Phó, và nhiều dân tộc khác.
Những di tích lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật, những sản phẩm thủ công, những giá trị văn hóa phi vật thể như văn nghệ dân gian, lễ hội ẩm thực thể hiện bản sắc văn hóa đặc sắc của Lào Cai, đây là một trong những nguồn lực chính thu hút khách du lịch. Đặc biệt là khách du lịch quốc tế đến nghiên cứu, tham quan tìm hiểu
Với 25 nhóm ngành dân tộc, cùng với bề dày lịch sử Lào Cai luôn là lựa chọn hàng đầu của các du khách ưa khám phá và trải nghiệm. Lào Cai có khá nhiều những di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng thu hút du khách như: đền Bảo Hà, đền Mẫu, đền Thượng, đền Đôi Cô… Đây là những địa chỉ nổi tiếng của du lịch tâm linh, du khách vừa có thể kết hợp chiêm bái và tham quan ngắm cảnh. Một trong những di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng mà du khách không nên bỏ qua khi đến với Lào Cai là bãi đá cổ Sa Pa. Đây là một khu di tích khảo cổ quan trọng có giá trị văn hóa lịch sử lớn. Di tích bãi đá cổ rộng khoảng 8 km² bao gồm những tảng đá với nhiều hình chạm khắc cổ trong thung lũng Mường Hoa.
Đền Bảo Hà – Bảo Yên, Lào Cai
Bên cạnh những di tích văn hóa lịch sử, Lào Cai còn có hệ thống các lễ hội truyền thống nổi tiếng có giá trị du lịch. Vào mùa xuân người Tày có lễ hội Lồng Tồng, người Mông có lễ hội Gầu Tào, mang màu sắc tín ngưỡng dân gian, với ý nghĩa cầu mệnh cầu phúc cầu may… Trong lễ hội còn tổ chức nhiều trò chơi thi đấu như bắn nỏ, múa khèn, kéo co…. Người Dao Đỏ có lễ Nhảy Lửa với mong muốn cầu các thần linh phù hộ, bảo vệ gia đình, dòng tộc, bản làng, xua đuổi tà ma, bệnh tật,…. Các lẽ hội mang đậm màu sắc tín ngưỡng của từng dân tộc, chính đó đã tạo
nên sự độc đáo thu hút sự tò mò, thích khám phá của du khách. Đến với các lễ hội là cơ hội để du khách khám phá những nét đẹp văn hóa truyền thống, thưởng thức ẩm thực đặc sản và tham gia vào các hoạt động vui chơi truyền thống của các dân tộc.
Lào Cai còn có nghề thủ công truyền thống nổi tiếng như thêu dệt thổ cẩm, đan lát. Đặc biệt ở vùng cao Lào Cai có nhiều chợ phiên của đồng bào các dân tộc thiểu số, đây là nơi hội tụ, thể hiện đậm nét văn hóa, là nét sinh hoạt có giá trị nhân văn. Chợ phiên không chỉ là nơi giao lưu mua bán của đồng bào mà giờ đây đã trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo hấp dẫn du khách. Đến chợ phiên bạn còn có cơ hội thưởng thức những món ăn mang hương vị của núi rừng mà du khách đặc biệt ưa thích như: khâu nhục, thắng cố, xôi màu, phở chua, thịt treo…
Một góc chợ phiên Bắc Hà
Không chỉ là những lễ hội, di tích, nghề thủ công… mà chính con người Lào Cai là một thành tố quan trọng để du lịch phát triển. Nếu đã đến Lào Cai, ai cũng có chung một cảm nhận rằng con người ở vùng đất này đôn hậu và mến khách vô cùng. Đồng bào Lào Cai đón khách bằng tấm chân tình vốn có của mình, sự mộc mạc, chân thật, ấm áp tình người đã tạo ra được những ấn tượng khó quên với du khách gần xa. Bản sắc văn hóa độc đáo và phẩm chất con người là yếu tố đặc biệt quan trọng giúp du lịch Lào Cai làm lên sự khác biệt, ấn tượng. Du khách có thể ghé thăm các làng bản của các dân tộc thiểu số như làng Cát Cát, Lao Chải, Tả Van, Tả Phìn, và Hầu Thào. Tại đây, du khách có cơ hội trò chuyện với người dân địa phương, tìm hiểu về phong tục, tập quán và đời sống hàng ngày của họ. Du khách có thể tham gia vào các hoạt động như làm đồ thủ công truyền thống, nấu ăn, trồng lúa, và hát múa cùng cộng đồng.
Với tài nguyên du lịch nhân văn độc đáo, Lào Cai đã và đang trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách yêu thích khám phá văn hóa và lịch sử. Qua việc tận hưởng những trải nghiệm độc đáo và giao lưu với cộng đồng địa phương, du khách không chỉ có cơ hội khám phá những giá trị văn hóa đặc sắc mà còn góp phần vào việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa của Lào Cai.
Phan Phượng