1. Trải nghiệm không khí trong lành của mùa Đông miền Bắc
Sa Pa nằm ở vùng cao của tỉnh Lào Cai, một vùng đất lặng lẽ, khiêm nhường. Nhưng ẩn chứa thiên đường kỳ diệu của cảnh sắc thiên nhiên. Từ trung tâm du khách có thể phóng tầm mắt của mình thỏa thích ngắm nhìn những đỉnh núi ngút ngàn.
Phong cảnh thiên nhiên Sa Pa được kết hợp với sức sáng tạo của con người nơi đây. Cùng với địa hình của đồi núi, màu xanh của rừng. Tưởng như bức tranh được sắp xếp theo một bố cục hài hoà. Tạo nên một vùng đất có nhiều cảnh sắc thơ mộng hấp dẫn.
Ngoài điều kiện thời tiết thuận lợi thì vẻ đẹp của Sa Pa trong dịp Tết Nguyên cũng là lý do để đông đảo khách du lịch khắp đất nước đổ về. Khoảnh khắc ấm áp của mùa Xuân hoà cùng cái se lạnh còn sót lại của mùa Đông khiến Sa Pa trở nên đẹp một cách kỳ diệu.
Khung cảnh mùa xuân Sa Pa (Tô Bá Hiếu)
2. Ngắm hoa đào, hoa mận, hoa lê
Dịp Tết Nguyên Đán là thời gian chuyển mùa từ Đông sang Xuân ở Sa Pa. Đây là thời điểm hoa cỏ Sa Pa đâm chồi nảy lộc, bầu không khí lễ hội nhộn nhịp, tất cả thiên nhiên và con người đều căng tràn nhựa sống. Mùa Tết cũng là mùa sắc hồng của hoa đào và sắc trắng của hoa mận rực rỡ khắp những nẻo đường, thung lũng, sườn núi ở thị trấn sương mù. Vẻ đẹp tươi mới giữa màn sương mờ và lung linh trong ánh nắng vàng khiến khách du lịch vô cùng yêu thích nét đẹp của Sa Pa vào dịp Tết Nguyên Đán. Du khách sẽ được đắm mình trong sắc hồng của hoa đào, màu trắng tinh khôi của hoa mận, hoa lê trên khắp các bản làng.
Vườn đào rực nở khi xuân về (Dương Toản)
3.Tham gia trải nghiệm với các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số
Đến Sa Pa khách du lịch không chỉ yêu thích vẻ đẹp từ thiên nhiên, mà vẻ đẹp văn hóa, con người Sa Pa cũng là điểm lôi cuốn bước chân du khách đến thăm mảnh đất Tây Bắc này. Không hào nhoáng xa hoa, đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Tây Bắc giản dị, chân chất với những bộ trang phục truyền thống và sinh sống trong những bản làng bình yên. Tết Nguyên Đán cũng là khoảng thời gian diễn ra rất nhiều lễ hội đầu năm khiến bầu không khí lễ hội tràn ngập muôn nơi với tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng cười nói râm ran.
Khách du lịch đến Sa Pa vào dịp Tết Nguyên Đán sẽ có cơ hội tuyệt vời để trải nghiệm phong tục tập quán, văn hóa của các dân tộc vùng cao đặc sắc nhất thông qua các lễ hội truyền thống. Một số lễ hội ở Sa Pa diễn ra vào dịp Tết Nguyên Đán bạn có thể đến tham gia như:
– Hội Gầu Tào của đồng bào dân tộc Mông.
– Hội Roóng Poọc của người Giáy: diễn ra vào ngày Thìn của tháng Giêng.
– Lễ Tết Nhảy của người Dao: diễn ra vào ngày mùng 1 hoặc mùng 2 Tết.
– Lễ hội Xuống Đồng của người Tày: diễn ra vào ngày mùng 8 tháng Giêng.
4.Ngắm tuyết rơi Sa Pa
Nằm ở độ cao trung binhg trên 1.600m so với mực nước biển lại ở vùng Tây Bắc phía địa đầu tổ quốc nên hằng năm vào mùa đông, tháng 12 đến tháng 2 dương lịch Sa Pa thường có những đợt rét đậm và có tuyết rơi. Nếu bạn may mắn khi đến Sa Pa vào dịp Tết sẽ được tận hưởng cái trải nghiệm lạnh buốt và ngắm những bông tuyết phủ trắng các đỉnh núi.
5. Những món ăn ngon đặc sản Sa Pa
Đến Sa Pa vào dịp Tết Nguyên Đán ngoài ngắm cảnh đẹp, khám phá văn hóa cộng đồng ở Tây Bắc thì thưởng thức ẩm thực Sa Pa cũng là trải nghiệm không thể thiếu của du khách đến với thị trấn sương mù. Sa Pa với văn hóa ẩm thực đậm chất miền núi với những món ăn được chế biến rất độc đáo, hương vị lạ miệng mà khách du lịch nên nếm thử một lần.
Các món ăn ngon đặc sản mà bạn không nên bỏ qua trong Tết Nguyên Đán đó là: thịt lợn cắp nách, lẩu cá hồi, lẩu cá tầm, rau xứ lạnh, đồ nướng Sa Pa, cơm lam, xôi ngũ sắc, mỳ vằn thắn, gà nướng…
Đồ nướng hấp dẫn du khách (Phan Phượng)
6. Lễ đền chùa vào dịp Tết Nguyên Đán Sa Pa ở đâu?
Trong những chuyến du xuân đầu năm của người Việt Nam không thể thiếu được những điểm đến văn hóa tâm linh để cầu mong cho một năm mới bình yên, may mắn. Du lịch Sa Pa dịp Tết Nguyên Đán bạn có thể đến một số ngôi chùa, đền sau đây nhé:
- Đền Mẫu Sơn
- Đền Hàng Phố
- Đền Mẫu Thượng
- Quần thể văn hoá tâm linh Fansipan
7. Lưu ý đặc biệt du lịch Sa Pa dịp Tết Nguyên Đán
* Lựa chọn trang phục đi Sa Pa ngày Tết Nguyên Đán
Trang phục đi du lịch Sapa dịp Tết là thắc mắc của rất nhiều du khách. Sa |Pa mùa này rất lạnh, nên hãy mang theo những chiếc áo thật ấm, dày, găng tay, mũ len, khăn quàng để thoải mái vui chơi tại đây.
Để phòng trường hợp trời mưa xuân, du khách cũng có thể đem theo ô hoặc áo mưa mỏng để đi chơi cho thoải mái đặc biệt là khi lên đỉnh Fansipan nhé.
* Đặt phòng, đặt xe, đặt tour Sa Pa Tết Nguyên Đán
Dịp Tết khách du lịch đổ về Sa Pa rất đông nên nếu muốn chắc chắn bạn sẽ có địa điểm nghỉ ngơi như ý muốn thì bạn nên lên lịch sẵn và đặt phòng trước. Tránh trường hợp sát ngày mới đặt phòng hoặc đến nơi mới tìm phòng thì nguy cơ cao là bạn sẽ khó có thể tìm được khách sạn, homestay mà mình thích.
Tố Uyên