Theo quan niệm của người Dao đỏ, ngọn lửa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống sinh hoạt và văn hóa, tâm linh. Lửa được coi là vị thần giúp xua đuổi tà ma, bệnh tật, mang lại sự ấm áp và cuộc sống no đủ, thịnh vượng. Vì vậy, vào những dịp đầu xuân, các bản người Dao đỏ lại tổ chức nhảy lửa cầu năm mới bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Công tác chuẩn bị cho Lễ hội Nhảy lửa (Ảnh Bích Ngọc)
Tại Lễ hội Nhảy lửa, con người dám đương đầu với nguy hiểm để xua đuổi tà ma, nơi những đôi chân trần “đùa” với lửa trong tiếng hú, hò reo thích thú đầy ma mị của dân bản và du khách cả nước. Thông thường, Lễ nhảy lửa được tổ chức trên một khoảng sân đất rộng và bằng phẳng. Trong phần nghi lễ của người Dao đỏ thì vật phẩm dâng cúng không thể thiếu các loại như: Cơm, gạo, rượu, gà luộc, nước suối, vải mộc màu trắng, hương, tiền làm bằng giấy bản, đèn hoặc nến… Tất cả các sản phẩm được trưng bày trên một bàn gỗ dài. Ngay giữa sân, một đống củi to đã được thanh niên mang đến, xếp gọn gàng. Khi đống củi đã trở thành một đống than hồng rừng rực cháy, 10 chàng thanh niên được chọn tham gia tắm và nhảy lửa đã ngồi “hầu lễ” từ đầu buổi lễ. Theo phong tục người Dao đỏ, 10 chàng trai này sau khi được cấp sắc xong phải tham gia nhảy và tắm lửa, “gọi hồn”, tìm sư phụ phù hộ, học phép. Trước khi nhảy lửa, họ phải đun nước tắm rửa sạch sẽ, vậy nên nghi thức ngày thường được tổ chức vào buối tối.
Thầy cúng làm lễ, bái cúng thần lửa (Ảnh Bích Ngọc)
Sau nghi lễ thiêng liêng, trong hồi trống giục rộn ràng, thầy cúng thực hiện nghi thức cúng gọi thần linh nhập vào các trò để tham gia nhảy lửa, xin thần linh, thần lửa ban cho các trò sức mạnh. Với đôi chân trần, những thanh niên Dao đỏ nhảy vào giữa đống lửa, lấy chân gạt than ra thành một bãi rộng, dùng tay bốc đống tro than nóng bỏng văng ra xa. Như không hề biết bỏng rát, họ hoan ca trong điệu nhảy, điệu múa đầy thần bí nhưng cuốn hút vô cùng.
Sau khi được thầy cúng làm phép, những chàng trai Dao đỏ có sức mạnh dũng mãnh băng vào đống củi đang đỏ lửa, rực than hồng.
Sau khi đống lửa tàn, thầy cúng chiêu mộ các học trò về lại hàng chiếu phía sau để kết thúc lễ. Họ cảm ơn các vị thần đã tới dự lễ chung vui cùng dân làng, cầu mong các vị thần phù hộ cho dân làng được ấm no, mạnh khỏe, hẹn lần nhảy lửa sau sẽ lại mời các thần xuống tham gia.
Kết thúc, thầy cúng sẽ giải lễ cho các học trò để họ trở về là người thường. Tương truyền, nếu thầy cúng không giải lễ mà để cho học trò ra về thì khi về tới nhà có đống lửa nào thì người đó cứ nhảy vào phá hết đống lửa đó.
Lễ hội nhảy lửa là một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Dao Đỏ ở Bắc Hà và hiện đang được huyện bảo tồn hướng tới là một trong những hoạt động quan trọng, thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Vì vậy, nếu có cơ hội, hay đến để tận mắt chứng kiến sức mạnh, sự gan dạ, lòng dũng cảm của người đàn ông người Dao đỏ trên Cao nguyên trắng Bắc Hà.
Hoài Thu