Hãy cùng du lịch Lào Cai trải nghiệm một ngày ở xã vùng cao Y Tý nhé !
Săn mây và chinh phục đỉnh cao
Chinh phục đỉnh Nhìu Cồ San
Nằm ở độ cao hơn 2000m so với mực nước biển, với khí hậu quanh năm mát mẻ, Y Tý được các bạn trẻ lựa chọn là điểm đến săn mây cũng như chinh phục các đỉnh cao có thể kể đến như: Đỉnh Lảo Thẩn, Đỉnh Nhìu Cồ San,… Trong quá trình chinh phục các đỉnh núi cao này các bạn sẽ được đắm mình trong rừng hoa đỗ quyên bạt ngàn sắc thắm, được tận mắt khám phá, trải nghiệm rừng trúc, hay những thác nước mát lành giữa đại ngàn.
Chiêm ngưỡng ruộng bậc thang thung lũng Thề Pả
Ruộng bậc thang Ngải Thầu
Là một trong hai di tích danh thắng ruộng bậc thang cấp quốc gia của Lào Cai, ruộng bậc thang thung lũng Thề Pả đẹp tựa như một bức tranh đẹp mê hồn với từng sóng ruộng bậc thang vàng ươm xen cùng màu nắng được họa bằng đôi tay của những người đồng bào dân tộc nơi đây. Không chỉ là điểm du lịch hấp dẫn, quần thể ruộng bậc thang Thề Pả còn mang trong mình nhiều giá trị về văn hoá lịch sử, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của những bản làng người dân tộc H’Mông và Hà Nhì nơi đây.
Tham quan, trải nghiệm văn hoá bản địa
Nếp nhà Trình tường đặc trưng của người Hà Nhì
Y Tý cũng là nơi duy nhất có đông đồng bào dân tộc Hà Nhì đen sinh sống, một trong những dân tộc ít người trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam với bản sắc văn hóa đặc sắc, độc đáo. Dạo quanh các bản làng như thôn Choản Thẻn, Lao Chải để tìm hiểu những nếp nhà được tường trình bằng đất, đá dày, mái nhà dốc ngắn được lợp bằng cỏ gianh nhưng rất chắc chắn, tạo cảm giác ấm áp về mùa đông và mát mẻ về mùa hè; trang phục truyền thống khác biệt hoàn toàn với các dân tộc khác, nét sinh hoạt đời thường cũng như thưởng thức ẩm thực truyền thống bản địa cùng người dân.
Lễ hội Khô Già Già (ảnh: Dương Toản)
Nếu may mắn đi đúng dịp, du khách có thể trải nghiệm các lễ hội truyền thống mang đậm dấu ấn của người Hà Nhì Đen như Lễ hội Khô Già Già – được tổ chức vào từ ngày thìn đến ngày thân của tuần thứ nhất hoặc tuần thứ hai tháng sáu (âm lịch) để cầu mong một mùa vụ bội thu, thể hiện sự đoàn kết tập thể, tương trợ lẫn nhau. Hay Lễ cúng rừng “Gạ Ma Do” – Di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch công nhận năm 2016, tổ chức vào ngày Thìn tháng Giêng âm lịch hàng năm. Đây là nghi lễ đặc biệt quan trọng, nhằm cầu bình an, cầu cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.
Tham quan Cầu Thiên Sinh – cây cầu biên giới ngắn nhất thế thới
Cầu Thiên Sinh nằm ở cuối thôn Lao Chải, cách trung tâm xã Ý Tý gần chục km. Theo tiếng dân tộc Hà Nhì, cầu có tên là Thiên Sân Shù, dịch nghĩa là “trời sinh”. Sở dĩ gọi vậy là vì đây là cây cầu rất đặc biệt. Cầu chỉ ngắn chừng 1m, trước đây là một tảng đá tự nhiên bắc qua khe sâu hun hút dưới là dòng suối Lũng Pô gầm gào tung bọt trắng xóa. Từ hàng trăm, hàng ngàn năm trước, qua sự vận động kiến tạo địa chất, khối đá khổng lồ đã bị nứt ra tạo thành khe đá này. Đây cũng là biên giới giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc.
Cầu Thiên Sinh, Y Tý
Ngoài những điểm du lịch, nét văn hoá bản địa truyền thống kể trên cho hành trình một ngày, Y Tý còn rất nhiều điều thú vị, hấp dẫn để du khách có thể tự mình trải nghiệm, khám phá cho một hành trình dài hơn nữa.
Bá Hiến